Giới thiệu về trường
1. Giới thiệu chung:
Trường Mầm non Bà Triệu được thành lập từ năm 1980.Nhà trường có trụ sở tại 65 phố Bà Triệu, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Trường thuộc hệ thống các trường mẫu giáo, mầm non công lập quận Hoàn Kiếm. Nhà trường tiếp nhận các cháu trong độ tuổi từ 18 tháng đến 6 tuổi. Trường Mầm non Bà Triệu là một ngôi trường có bề dày thành tích trong công tác CSNDGD trẻ và công tác thi đua. Nhiều năm liền, trường được công nhận là tập thể lao động xuất sắc cấp Thành phố, được nhiều Bằng khen của Chính phủ, của Bộ GD&ĐT, của UBND thành phố Hà Nội. Năm học 2002-2003 trường được tặng Huân chương lao động Hạng Ba. Năm học 2010-2011 trường vinh dự được tặng Huân chương lao động Hạng Nhì. Năm học 2023-2024 trường được công nhận trường chuẩn Quốc gia.
2. Các nội dung khác:
a) Trường học an toàn và thân thiện cho trẻ em:
Năm học 2023-2024, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo quận Hoàn Kiếm, trường được xây dựng cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, có tính thầm mỹ và giáo dục cao. Hiện nay trường có 9 lớp học, 5 phòng chức năng, 3 không gian đa năng, 1 sân chơi phát triển thể chất, 2 sân vườn và đầy đủ hệ thống các phòng trong khối phòng hành chính quản trị.Tất cả các phòng đều được đầu tư các trang thiết bị hiện đại, có tính thẩm mỹ cao, phù hợp với không gian từng phòng.
Các lớp học đều được sắp xếp ở tầng thấp để đảm bảo an toàn cho trẻ trong mọi hoạt động theo đúng quy định xây dựng trường mầm non. Chỉ đạo giáo viên, nhân viên quản lý, chăm sóc trẻ chu đáo, tận tình, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ ở mọi lúc mọi nơi, đặc biệt là quản lý trẻ trong các hoạt động chăm sóc bán trú, hoạt động ngoài lớp học và trẻ mới đi học. Không nhận trẻ ốm, trẻ không có trong danh sách lớp vào học. Thực hiện sổ nhật ký nhóm lớp, thể hiện đủ các thông tin trao đổi, bàn giao giữa giáo viên với giáo viên, giáo viên với CMHS. Thống nhất với CMHS đăng ký người đón trẻ. Các lớp thường xuyên kiểm tra các đồ dùng đồ chơi có nguy cơ gây mất an toàn cho trẻ và có biện pháp khắc phục kịp thời.
Thực hiện tốt công tác quản lý trẻ ở tất cả các thời điểm theo chế độ sinh hoạt 1 ngày. Xây dựng quy chế tổ chức hoạt động của nhà trường, rõ các quy trình, trách nhiệm hoạt động theo dây chuyền: Quy trình phân công giáo viên trong lớp, nhân viên nuôi dưỡng trong bếp; quy trình giao nhận thực phẩm, lưu và hủy mẫu thức ăn, quy trình chia thức ăn tại bếp ăn, trên các lớp, test mẫu thực phẩm (nếu có)… Phổ biến công khai, cam kết tới từng CBGVNV trong nhà trường. Nhiều năm liền nhà trường không để xảy ra tình trạng mất an toàn cho trẻ và CBGVNV.
b) Trường học không gian học tập và vui chơi xanh:
Ở mỗi lớp học, giáo viên đều có những ý tưởng xây dựng môi trường lớp theo một mục tiêu riêng phù hợp với lứa tuổi, với diện tích lớp. Mỗi lớp học đều là một không gian mới đối với trẻ để tạo sự hứng thú của trẻ khi tới lớp, giúp trẻ phát huy tính sáng tạo theo năng lực, tăng cường khả năng làm việc nhóm và tạo được mối quan hệ yêu thương, ấm áp giữa trẻ với trẻ và giữa cô với trẻ. Các nhóm trẻ xây dựng góc hoạt động với đồ vật là trọng tâm giúp trẻ phát triển tốt những kỹ năng vận động tinh... Các lớp mẫu giáo với nhiều góc chơi mở giúp trẻ phát huy trí tưởng tượng, óc sáng tạo và khả năng hoạt động nhóm phù hợp với từng độ tuổi.
Không gian đa năng là sự sáng tạo của đội ngũ giáo viên khi biến các hành lang chung thành khu vui chơi của trẻ. Nơi đây không những trẻ được tham gia các trò chơi vận động mà còn có cơ hội được cùng nhau sáng tạo và được tham gia các buổi giao lưu bổ ích giữa các khối, các lớp.
Không chỉ có vườn cây dưới sân tầng 1, nhà trường đã thiết kế một không gian xanh vô cùng tinh tế, thẩm mỹ tại sân thượng tầng 5 để cô và trẻ sẽ có những khoảng thời gian tĩnh lặng, được hòa mình với thiên nhiên, được khám phá những bí mật của cây xanh, của những tổ chim kỳ diệu... Tại đây các bé có cơ hội được tìm hiểu về các loại cây, được cùng cô và các bạn chăm sóc các loại cây thật là thú vị.
Sân chơi phát triển thể chất là một không gian hoàn toàn mới đối với các bé Trường Mầm non Bà Triệu. Với thiết kế đồng bộ, nơi đây như một khu vui chơi đa năng giúp trẻ phát triển thể lực một cách toàn diện nhất và an toàn nhất.
Hệ thống các phòng chức năng của nhà trường gồm có phòng Nghệ thuật, phòng Thể chất, phòng Thư viện, phòng Tin học-Tiếng Anh và phòng Steam.
Phòng nghệ thuật với các thiết bị âm thanh, nhạc cụ hiện đại, các trang phục biểu diễn phong phú và đẹp mắt và đặc biệt là với nguồn nguyên liệu dồi dào giúp trẻ thỏa sức sáng tạo theo năng lực của từng cá nhân.
Phòng thể chất với các máy tập, thiết bị, đồ dùng giúp trẻ phát triển các kỹ năng về đi, chạy, nhảy, bò, trườn, trèo, kỹ năng luyện tập cá nhân, luyện tập nhóm và luyện tập tập thể.
Phòng Tin học-Tiếng Anh với 12 máy tính cho trẻ, màn chiếu, máy chiếu để cô và trẻ cùng tương tác.
Để giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, học hỏi kỹ năng giao tiếp và các kỹ năng trong cuộc sống qua trang sách, nhà trường đã thiết kế Thư viện cho bé với vô vàn đầu sách mầm non phù hợp với từng độ tuổi, giúp trẻ có cơ hội khám phá thế giới kỳ diệu qua từng trang sách. Những chú thú bông xinh xắn, những ban rối ngộ nghĩnh đáng yêu cũng là điều không thể thiếu trong thư viện để tạo hứng thú cho trẻ khi vào nơi đây.
Để giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, học hỏi kỹ năng giao tiếp và các kỹ năng trong cuộc sống qua trang sách, nhà trường đã thiết kế Thư viện cho bé với vô vàn đầu sách mầm non phù hợp với từng độ tuổi, giúp trẻ có cơ hội khám phá thế giới kỳ diệu qua từng trang sách. Những chú thú bông xinh xắn, những ban rối ngộ nghĩnh đáng yêu cũng là điều không thể thiếu trong thư viện để tạo hứng thú cho trẻ khi vào nơi đây.
c) Trường học có giáo viên thân thiện:
Nhà trường có đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên tận tâm với nghề, luôn năng động, sáng tạo trong công việc, tạo được sự đồng thuận, gắn kết trong tập thể nhằm thực hiện chiến lược phát triển nhà trường theo định hướng đổi mới, tiếp cận phương pháp giáo dục mầm non tiên tiến của các nước trong khu vực và trên thế giới.100% cán bộ quản lý và giáo viên có trình độ Thạc sỹ và Đại học, 48% giáo viên là Đảng viên. 42.9% Đảng viên có trình độ Trung cấp Lý luận Chính trị.
Trong đội ngũ đã có nhiều đồng chí đạt danh hiệu giáo viên, nhân viên giỏi cấp Thành phố, cấp Quận. Có những đồng chí đã được công nhận danh hiệu “Chiến sỹ thi đua” cấp Thành phố, “Người tốt việc tốt” cấp Thành phố và được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Nhà trường luôn chú trọng đến việc xây dựng môi trường sư phạm văn hóa giữa giáo viên với giáo viên, giáo viên với học sinh, giáo viên với CMHS. Trong mọi hoạt động cô luôn tạo được bầu không khí vui tươi giữa cô và trẻ. Cô luôn ân cần, quan tâm tới trẻ, tới thể trạng sức khỏe cũng như trang thái tâm lý của trẻ hằng ngày, luôn tạo cho trẻ có được sự hào hứng khi tới lớp, tới trường. Trẻ có cơ hội được khẳng định bản thân, được tham gia các hoạt động trên tinh thần hợp tác, chia sẻ, thân thiện. Trong các hoạt động trẻ được tự nêu ý kiến của bản thân với cô giáo và các bạn, trẻ học cách phân công và chia sẻ công việc để cùng nhau hoàn thành.
Với học sinh, với đồng nghiệp là vậy, vói CMHS các cô giáo cũng luôn tạo được bầu không khí thân thiện, đúng mực. Không chỉ thông qua các buổi hợp phụ huynh, các bảng tuyên truyền của lớp, cô giáo còn trao đổi, chia sẻ với CMHS những nội dung trẻ được tham gia tại lớp vào các giờ đón, trả trẻ nhằm có sự phối hợp tôt giữa gia đình và nhà trường trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ.
d) Trường học có phương pháp giáo dục hấp dẫn:
Chú trọng các hoạt động chủ đạo của lứa tuổi; phối hợp các phương pháp hợp lý, tăng cường tính chủ động, tích cực hoạt động của trẻ, đảm bảo tính vừa sức, “học bằng chơi, chơi mà học”. Khuyến khích động viên trẻ phát huy khả năng, bộc lộ năng khiếu, tạo cơ hội cho trẻ tương tác với nhau, giáo dục tinh thần đoàn kết, nhân ái.
Ngoài ra, giáo viên còn chủ động sáng tạo trong cách tiếp cận với trẻ, đổi mới hình thức tổ chức trong thiết kế các hoạt động, phát huy được hết khả năng, năng lực cá nhân trẻ. Đưa các bài học thành các hoạt động chơi, tăng cường các hoạt động thực hành, trải nghiệm cho trẻ, khám phá chủ đề một cách nhẹ nhàng nhưng luôn cuốn hút và hấp dẫn đối với trẻ.
Tiếp tục phát huy và sáng tạo đổi mới lĩnh vực phát triển thẩm mỹ, thể chất, nhận thức, ngôn ngữ tăng cường thực hiện nội dung giáo dục kĩ năng sống, kỹ năng tự phục vụ, ứng dụng phương pháp Montessori lĩnh vực thực hành cuộc sống, phương pháp giáo dục Steam… Đổi mới phương pháp tiếp cận “Học thông qua vui chơi, trải nghiệm”, giáo viên là người định hướng, gợi mở tạo điều kiện, cơ hội cho trẻ hoạt động tích cực, bộc lộ kinh nghiệm của bản thân, tự học thông qua các hoạt động, khám phá, trải nghiệm thực tế, thực hành, thí nghiệm, thu thập thông tin, thuyết trình… với nhóm và cá nhân trẻ. Tăng cường cho trẻ hoạt động, khám phá ngoài thiên nhiên, trong các phòng chức năng.
Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo trường được cử các giáo viên cốt cán đi tham quan, học tập về phương pháp giáo dục tiên tiến tại các trường điểm của thành phố, nhờ đó mà môi trường giáo dục ngày càng được cải thiện rõ rệt, các góc chơi đều có nguyên liệu thiên nhiên giúp trẻ phát huy tính chủ động, sáng tạo trong mọi hoạt động, môi trường được thay đổi thường xuyên theo từng chủ đề, từng sự kiện và đã khích lệ được nhiều CMHS cùng hỗ trợ, hợp tác trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục cho trẻ.
e) Trường học có nhiều hoạt động ngoại khóa:
Tăng cường tổ chức các hoạt động cho trẻ được tiếp xúc với thiên nhiên, môi trường xã hội, tổ chức cho trẻ đi tham quan các di tích lịch sử trong địa bàn phường Hàng Bài và quận Hoàn Kiếm, tham quan các làng nghề và danh lam thắng cảnh của Thủ đô Hà Nội. Giáo dục trẻ kỹ năng sống: Giao tiếp, ứng xử phù hợp, tự phục vụ, bảo vệ bản thân, kỹ năng hoạt động nhóm và khả năng thích ứng với môi trường. Tổ chức các trò chơi thí nghiệm, trải nghiệm thực tế, các hoạt động giao lưu tình cảm, văn hóa nghệ thuật tạo cảm xúc cho trẻ.
Xây dựng kế hoạch hoạt động ngoại khóa cho trẻ, kế hoạch giao lưu giữa các khối lớp nhằm bổ sung kỹ năng giao tiếp cho trẻ.
f) Trường học quan tâm sức khỏe và dinh dưỡng:
Bên cạnh công tác giáo dục, nhà trường còn có nhiều đổi mới trong công tác nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ.Thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch bệnh cho trẻ, đặc biệt là dịch bệnh tay chân miệng, dịch sởi, rubela, đau mắt đỏ, quai bị, sốt xuất huyết,...
Nhà trường cũngđã làm tốt công tác phối kết hợp với CMHS và các đoàn thể trong nhà trường giám sát chặt chẽ từ quy trình giao nhận thực phẩm đến khâu sơ chế, chế biến món ăn và tổ chức tốt giờ ăn cho trẻ.
Nghiêm túc thực hiện thực đơn riêng của từng lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo. Trẻ nhóm trẻ 25 - 36 tháng được đảm bảo có ít nhất 2 bữa cơm/tuần trong thực đơn bữa chính chiều. Xây dựng thực đơn “Bữa chính tiêu chuẩn” tối thiểu 3 ngày/tuần. Tổ chức các buổi ăn tự chọn (buffet) 2 lần/năm và tổ chức bữa ăn gia đình (bữa ăn trưa có 2 món mặn, 2 món canh) ít nhất 1 lần/tháng cho trẻ mẫu giáo nhỡ, mẫu giáo lớn và 2 lần/năm cho trẻ mẫu giáo bé nhằm tăng cường rèn kỹ năng sống và tạo hứng thú cho trẻ trong bữa ăn. Có các hoạt động can thiệp, điều chỉnh chế độ ăn, giảm tỉ lệ trẻ SDD thể nhẹ cân, thấp còi, thừa cân, béo phì. Đảm bảo thời gian tổ chức giờ ăn cho trẻ, đặc biệt là bữa ăn chính buổi chiều cho trẻ nhà trẻ.
Đến với ngôi nhà chung Bà Triệu, các bé không chỉ được thỏa sức sáng tạo mà các bé còn được các cô chăm sóc với những bữa ăn đủ dinh dưỡng, được chế biến công phu và được bài trí thật đẹp mắt để kích thích trẻ hào hứng với mỗi bữa ăn. Bên cạnh đó các cô cũng luôn thay đổi hình thức bữa ăn để giáo dục trẻ văn hóa trong ăn uống, kỹ năng sử dụng đồ dùng trong mỗi bữa ăn và tạo không khí bữa ăn đầm ấm, vui tươi cho trẻ.
g) Học sinh được sáng tạo:
Gắn mục đích phát triển giáo dục toàn diện theo định hướng đổi mới của giáo dục mầm non Thủ đô vào việc “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm”, giáo viên đã chủ động tìm tòi và sáng tạo các góc chơi mở, trò chơi mới cho trẻ được tham gia. Hưởng ứng phong trào “Nói không với rác thải nhựa”, nhà trường phối hợp cùng cha mẹ học sinh thu gom, tận dụng nguồn nguyên vật liệu phong phú, dồi dào: vỏ chai nhựa, giấy, bìa caton… đã qua sử dụng để tạo ra đồ dùng, đồ chơi, sử dụng thường xuyên trong hoạt động học và trưng bày tại các góc hoạt động của trẻ trong nhà trường. Thông qua hoạt động này, các con vô cùng hứng thú, tự tìm ý tưởng, tự suy nghĩ và cùng hợp tác với các cô tạo ra sản phẩm, vừa phát huy được tính tư duy và sáng tạo, vừa phát huy được sự hứng thú của trẻ, giúp trẻ có được ý thức bảo vệ môi trường sống của mình.
Bên cạnh việc sáng tạo đồ chơi, trò chơi và góc chơi cho trẻ, nhà trường cũng luôn chú trọng trong việc tạo mọi cơ hội cho trẻ được trải nghiệm, khám phá và được hoạt động 1 cách tích cực nhất. Ngoài việc tổ chức các hoạt động trong lớp học, giáo viên nhà trường còn rất sáng tạo trong việc tổ chức các giờ học ngoài lớp học để tạo cho trẻ có những trải nghiệm mới và hứng thú hơn với việc học.
Trường Mầm non Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội đăng ký tham gia bình chọn sự kiện “Trường học hạnh phúc” 2024 trên tạp chí Trẻ em Việt Nam.