Tiền thân của trường THPT Lê Văn Tám là Trường THPT Mỹ Quới được thành lập từ trường THCS Mỹ Quới theo Quyết định số 320/QĐ.TCCB.01, ngày 29 tháng 8 năm 2001, của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, tọa lạc trên địa bàn xã Mỹ Quới, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng, một xã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trong thời kỳ kháng chiến, trên địa bàn này đã có một mái trường mang tên trường Lê Văn Tám. Đây là một ngôi trường nhằm đào tạo con em của cán bộ và gia đình chí cốt với cách mạng trở thành những cán bộ và chiến sĩ trung kiên, cốt cán của Đảng. Để ghi nhớ và tiếp nối truyền thống anh hùng trong thời kỳ kháng chiến của lực lượng làm công tác giáo dục nơi đây, ngày 12 tháng 10 năm 2005, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã ký quyết định số 733/QĐTC-CTUBT đổi tên trường THPT Mỹ Quới thành trường THPT Lê Văn Tám.
Được mang tên người anh hùng nhỏ tuổi Lê Văn Tám và được chọn là ngôi trường tiếp bước trường Lê Văn Tám trong thời kỳ kháng chiến (1961-1976), lãnh đạo nhà trường cùng toàn thể hội đồng sư phạm luôn trăn trở phải làm sao cho xứng đáng với cái tên gọi đầy ý nghĩa này. Sau gần 20 năm, bằng sự cố gắng và sự nỗ lực vượt bậc, Đảng bộ, Ban giám hiệu cùng tập thể giáo viên, công nhân viên trường đã chung sức chung lòng đoàn kết vượt qua những khó khăn, từng bước vươn lên để ngày hôm nay đạt được những thành tích rất đáng khích lệ.
Về đội ngũ sư phạm nhà trường đã phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Tỉ lệ giáo viên trên chuẩn ngày càng cao. Hiện nay, toàn trường có 67 người, trong đó: cán bộ quản lý: 03, giáo viên: 57, nhân viên: 07. Trường hiện có 100% cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn đào tạo theo qui định. Trong đó có 08 giáo viên cấp THPT và 02 cán bộ quản lý trên chuẩn. Đội ngũ giáo viên, nhân viên trường nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm, có khả năng tiếp cận và khai thác, xử lý thông tin trên các phần mềm và mạng xã hội để phục vụ cho công tác dạy học và giáo dục học sinh.
Về cơ sở vật chất, trường THPT Lê Văn Tám có 02 điểm học: Điểm xã Mỹ Quới dành cho khối THCS với 22 phòng học và đều được trang bị tivi để ứng dụng CNTT trong dạy học và giáo dục học sinh. Điểm Mỹ Quới hiện có 02 phòng bộ môn Tin học, 01 phòng bộ môn Vật lý – CN, 01 phòng bộ môn Hóa học, 01 phòng bộ môn Sinh học, 01 phòng bộ môn tiếng Anh, 02 phòng bộ môn Âm nhạc, 01 phòng bộ môn Mỹ Thuật, 01 thư viện và một số phòng làm việc. Điểm xã Mỹ Bình dành cho khối THPT với 25 phòng học và đều được trang bị tivi để ứng dụng CNTT trong dạy học và giáo dục học sinh. Điểm Mỹ Bình hiện có 01 phòng bộ môn Tin học, 01 phòng bộ môn Vật lý, 01 phòng CN, 01 phòng bộ môn Hóa học, 01 phòng bộ môn Sinh học, 01 phòng bộ môn tiếng Anh, 01 thư viện và một số phòng làm việc. Đặc biệt ở hai điểm trường đều có sân chơi rộng rãi, nhiều cây xanh phù hợp với các hoạt động tập thể ngoài trời.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ KHUÔN VIÊN NHÀ TRƯỜNG
Cổng trường THPT Lê Văn Tám
Khuôn viên trong nhà trường
Bãi tập Thể dục thể thao
Phòng học
Về quy mô trường lớp, năm học 2024-2025, trường có 34 lớp với 1.367 học sinh. Trong đó, THCS có 17 lớp (05 lớp 6, 05 lớp 7, 04 lớp 8 và 03 lớp 9) với 704 em, THPT có 17 lớp (06 lớp 10, 05 lớp 11, 06 lớp 12) với 663 em.
Trong những năm qua, nhà trường có tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT, đỗ vào các trường Đại học, Cao đẳng ngày càng cao, nhiều giáo viên của trường nhận được bằng khen của Thủ tướng, Bộ GD-ĐT, được tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, danh hiệu Nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp tỉnh và cấp toàn quốc; tập thể nhà trường nhận được nhiều giấy khen, bằng khen, cờ thi đua của Sở GD-ĐT Sóc Trăng và UBND tỉnh Sóc Trăng. Đặc biệt vào năm 2015, tập thể nhà trường đã được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đã có thành tích xuất sắc trong thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Có thể nói đây là niềm tự hào lớn của tập thể nhà trường.
Giới thiệu các tiêu chí:
“Trường học hạnh phúc” là nơi thầy cô, học sinh cũng như phụ huynh đều cảm thấy hạnh phúc trong quá trình dạy và học. Là nơi tình yêu thương giữa các nhà giáo, giữa thầy và trò, giữa học sinh với nhau được trân trọng và bồi đắp hàng ngày. Tiêu chí của “Trường học hạnh phúc” là trường học an toàn, không có tình trạng bạo lực học đường, thầy cô giáo thân thiện, phương pháp dạy học hấp dẫn, có nhiều hoạt động ngoại khóa,… Trường THPT Lê Văn Tám hội tụ được tất cả các tiêu chí trên, trong đó thế mạnh nhất của trường là thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh.
Hoạt động ngoại khóa là các hoạt động nằm ngoài kế hoạch học tập chính khóa. Các hoạt động này có thể liên quan đến một hoặc nhiều chủ đề như: thể thao, nghệ thuật, giải trí, văn hóa, ẩm thực, thiên nhiên..., được tổ chức dưới dạng các chuyến đi tham quan, dã ngoại; hoặc khám phá thực tế, các hội thi, sự kiện diễn ra trong ngày. Các hoạt động ngoại khóa giúp học sinh có thêm kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm sống thực tế; những cơ hội trải nghiệm đa dạng về mọi lĩnh vực, giúp các em thư giãn sau giờ học. Cũng qua các hoạt động ngoại khóa, học sinh được học hỏi rất nhiều kiến thức thực tế về đời sống xã hội, văn hóa, nghệ thuật; các kỹ năng mềm về phòng cháy, chữa cháy; kỹ năng chăm sóc cây cối, bảo vệ môi trường thiên nhiên; các kỹ năng làm việc nhóm, lãnh đạo; hoặc các kỹ năng về văn hóa - nghệ thuật như: múa rối nước, lịch sử nước nhà, nghệ thuật chiếu bóng, lễ hội tết cổ truyền... Qua đó, học sinh có kỹ năng sống phong phú hơn, sáng tạo hơn, tìm thấy niềm đam mê của mình.
Theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, hoạt động ngoại khóa và trải nghiệm là nội dung bắt buộc các trường học tổ chức. Năm học 2023-2024, cùng với công tác giảng dạy chính khóa theo kế hoạch, các trường học trên địa bàn tỉnh đã tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khoá nhằm phát huy năng lực toàn diện, kỹ năng sống cho học sinh.
CÁC HOẠT ĐỘNG TÌM HIỂU VĂN HÓA – LỊCH SỬ
Tham quan trải nghiệm tại Khu căn cứ Tỉnh ủy Rừng Tràm Mỹ Phước
Tham quan trải nghiệm tại Địa Đạo Củ Chi
Tham quan trải nghiệm tại Khu di tích Cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc
Tham quan trải nghiệm tại Đền Thờ Bác – huyện Cù Lao Dung
Tại Trường THPT Lê Văn Tám, hoạt động ngoại khóa được Ban giám hiệu nhà trường chú trọng thực hiện dần đi vào nền nếp. Thầy Phạm Ngọc Thái, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Các hoạt động ngoại khóa được tổ chức thường xuyên với việc các thầy, cô giáo tham gia cùng học sinh đã giúp các em thêm tự tin, mạnh dạn, nhiều học sinh vui mừng, thích thú khi tham gia. Một số hoạt động ngoại khóa nổi bật mà nhà trường đã thực hiện là: tổ chức các trò chơi dân gian; tổ chức ngày hội đọc sách; tìm hiểu văn hóa, lịch sử của quê hương; tham quan trải nghiệm thực tế; tham gia các Câu lạc bộ năng khiếu; tuyên truyền, giáo dục kỹ năng sống. Thông qua đó, giúp học sinh nâng cao hiểu biết và có kỹ năng sống để phát triển toàn diện hơn. Bên cạnh chuỗi hoạt động thể dục thể thao phong phú như: đá bóng, thể dục giữa giờ, trò chơi dân gian, trường tổ chức lễ thắp hương, lao động công ích dọn vệ sinh tại Nghĩa trang liệt sĩ và Khu di tích lịch sử cấp quốc gia Miếu Bà Chúa Xứ nhằm giáo dục truyền thống, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương. Những hoạt động thiết thực, ý nghĩa này giúp học sinh toàn trường thêm gắn kết, tiếp thêm động lực để các em không ngừng phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức, tác phong noi gương Bộ đội Cụ Hồ”.
CÁC HOẠT ĐỘNG VĂN NGHỆ - THỂ DỤC THỂ THAO
Hội thi “Học sinh thanh lịch”được lồng ghép trong ngày “Hội trại xuân”
Hội thao bóng chuyền chào mừng Ngày Thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh 26/3
Văn nghệ “Vui hội trăng rằm”
Trò chơi dân gian chào năm học mới
Thầy Kiều Văn Hưởng, Bí thư Đoàn trường, cho biết: “Trong những năm học vừa qua, trường đã tổ chức các hoạt động ngoại khóa như: Thăm viếng Nghĩa trang liệt sĩ của địa phương; thăm hỏi và tặng quà cho Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng; tổ chức “Vui hội trăng rằm”, “Hội trại xuân”; các hoạt động chào mừng Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10, Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, hội thao bóng chuyền 26/3, chiến dịch “Hoa phượng đỏ”; trang trí lớp học; phối hợp Công an thị xã Ngã Năm thực hiện tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông và các vật liệu nổ; tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS; tổ chức các hoạt động thiện nguyện bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp ở địa phương,...”.'
Em Phạm Huỳnh Thúy Vy (lớp 12A2, Trường THPT Lê Văn Tám), háo hức: “Các hoạt động ngoại khóa nhà trường tổ chức đã trang bị những kiến thức xã hội, những kỹ năng sống cần thiết để chúng em xây dựng lối sống lành mạnh, không mắc tệ nạn xã hội; có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng, biết yêu thương, giúp đỡ những số phận không may mắn trong cuộc sống”.
CÁC HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM – KỸ NĂNG SỐNG
Tham gia trò chơi rèn luyện kỹ năng
Thuyết trình thời trang bảo vệ môi trường tại CLB Tiếng Anh
Tiết học trải nghiệm môn Ngữ văn tại khu di tích lịch sử cấp quốc gia
Học sinh trải nghiệm thực tế, tuyên truyền về bảo vệ môi trường, danh lam thắng cảnh
Việc tổ chức hoạt động ngoại khóa được nhà trường thực hiện khá linh hoạt, tuỳ vào điều kiện của từng nhà trường, từng môn học, từng cấp học và từng địa phương. Trường THPT Lê Văn Tám chú trọng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, nhằm bồi dưỡng trách nhiệm công dân, ý thức xây dựng văn hóa, con người, góp phần xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện. Các hoạt động ngoại khóa phong phú và đa dạng gồm: Sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí, thể dục thể thao; các hoạt động xã hội, tình nguyện cộng đồng như tham gia công tác từ thiện, làm vệ sinh môi trường; tham quan các làng quê, các di tích lịch sử - văn hóa, các hoạt động giáo dục đạo đức, pháp luật,… Qua đó giúp học sinh nâng cao hiểu biết về đời sống xã hội, giáo dục tinh thần trách nhiệm với cộng đồng. Ngoài ra, hoạt động ngoại khóa ở các trường với nội dung như sưu tầm những bài toán vui, tham gia các cuộc thi tìm hiểu khoa học, tìm hiểu các danh nhân, các nhà khoa học,... còn giúp học sinh tiếp cận khoa học, kích thích sự say mê tìm tòi, sáng tạo của học sinh. Các hoạt động ngoại khóa còn được tổ chức dưới hình thức tình nguyện như các phong trào “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” qua việc triển khai hiệu quả các hoạt động chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ, thăm hỏi và tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng; thắp nến tri ân nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7; tổ chức cho học sinh tham gia tìm hiểu, chăm sóc và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hoá, cách mạng ở các địa phương,… Hoạt động ngoại khóa đã và đang góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của các nhà trường, từ đó, thực hiện hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 theo hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo./.
CÁC HOẠT ĐỘNG “UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN”
Đoàn viên, học sinh tham gia thăm hỏi và tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng
Học sinh tham gia chăm sóc khu di tích lịch sử Miếu Bà Chúa Xứ
Thắp nến tri ân nhân dịp kỉ niệm Ngày
Thương binh – Liệt sĩ 27/7
Thăm hỏi, làm cỏ, vệ sinh xung quanh nhà người có công với cách mạng
Độc giả like theo dõi fanpage để biết kết quả bình chọn
Lễ Vinh danh cuộc thi viết và bình chọn “Trường học hạnh phúc” năm 2024 đã trở thành một ngày hội của các em học sinh khi nhận giải, niềm vui của các bậc phụ huynh và sự ghi nhận của các thầy cô giáo đã tạo nên một không khí thật ấm áp và ý nghĩa.