Giới thiệu về trường
Tháng 8/1965, khi đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất, 8 lớp học của trường Cấp III Nguyễn Gia Thiều sơ tán về xã Đình Xuyên, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, lấy tên là trường Cấp III Nguyễn Gia Thiều B. Sau trận lụt lịch sử năm 1971, trường chuyển về địa điểm thị trấn Yên Viên và mang tên Trường Cấp III Yên Viên nay là trường THPT Yên Viên.
Năm 1972, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ 2, thị trấn Yên Viên là một trong những trọng điểm bị đánh phá ác liệt. Trường sơ tán vào xã Ninh Hiệp và xã Phù Đổng. Năm 1973, trường trở về thị trấn Yên Viên, thầy và trò lại san lấp hố bom để dựng phòng dạy học, làm xưởng thực hành. Vượt lên mọi gian nan, các hoạt động giáo dục vẫn được duy trì. Trường cấp III Yên Viên thời đó vẫn đạt được nhiều thành tích cao.
Năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trường tiếp tục xây dựng các phong trào giảng dạy, học tập và lao động sản xuất. Không chỉ hoàn thành các nhiệm vụ về chuyên môn, các hoạt động văn hóa và TDTT cũng được nhà trường quan tâm và tạo khí thế thi đua sôi nổi.
Từ năm 1986, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, trường được đầu tư xây dựng các dãy phòng học và nhà thể chất. Công tác giáo dục đức dục, trí dục và giáo dục thể chất được nâng cao và đạt được nhiều thành tích đáng tự hào.
Năm 2015, trường được UBND thành phố Hà Nội, Sở giáo dục và Đào tạo Hà Nội đầu tư cải tạo và xây dựng các phòng chức năng. Cơ sở vật chất nhà trường khang trang, hiện đại. Khung cảnh sư phạm xanh - sạch - đẹp.
Năm 2017, với đầy đủ các tiêu chí đạt được về kết quả dạy và học, về cơ sở vật chất, trường đã được Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội công nhận là Trường trung học đạt chuẩn quốc gia.
Năm 2022, trường được kiểm định chất lượng đạt mức độ 2 và công nhận chuẩn quốc gia.
Năm 2024 trường đã có 42 lớp với hơn 1900 học sinh.
Trong quá trình xây dựng và phát triển, trường THPT Yên Viên đã có rất nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của thủ đô Hà Nội nói chung và quê hương Gia Lâm nói riêng. Dưới mái trường này, nhiều thế hệ thầy cô đã hoàn thành sứ mệnh của người đưa đò trên dòng sông tri thức, lớp lớp học trò đã nối tiếp nhau ra trường, trưởng thành. Nhiều cựu học sinh của trường đã thành công trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, khoa học kỹ thuật, văn hóa – giáo dục, quân sự… cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Với thành tích đạt được trong các năm học, trường THPT Yên Viên đã được tặng thưởng Huân chương lao động Hạng Ba năm 2010 và Huân chương lao động Hạng Nhì năm 2020
Giới thiệu về các tiêu chí trường học hạnh phúc
a. Trường học an toàn và thân thiện cho trẻ em
Trong phạm vi nhà trường, Trường THPT Yên Viên luôn cố gắng đảm bảo an toàn cho các thầy cô giáo, CBNV và học sinh ngay từ trên đường đến trường cho đến trong môi trường sư phạm. Nhà trường luôn có các hoạt động tuyên truyền về quy định của luật giao thông đường bộ từ đầu mỗi năm học, quán triệt 100% CBGV, CNV và học sinh tuân thủ các quy định của luật giao thông đường bộ. Trong khuôn viên nhà trường, đảm bảo xây dựng nhà trường theo các tiêu chí của khoản 2 Điều 2 Thông tư 18/2023/TT-BGDĐT: người học, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và khách đến làm việc được bảo đảm an toàn về thể chất, tinh thần, không bị bạo lực học đường; được bảo vệ, đối xử công bằng, nhân ái và phát huy dân chủ; giảm thiểu tối đa các yếu tố nguy cơ gây tai nạn thương tích.
b. Trường học không gian học tập và vui chơi xanh
Nhà trường chú trọng đầu tư không gian xanh trong khuôn viên bằng các gốc cây cổ thụ trong sân trường và nhiều cây cảnh, trang trí loại nhỏ được trồng ở hành lang và trong các lớp học, phòng chức năng, mang đến bầu không khí trong lành cho tất cả học sinh, giáo viên sinh hoạt, học tập tại trường. Nhà trường đã trang bị thùng rác phân loại, có phương án xử lý các loại hình rác thải khác nhau để hạn chế tối đa ảnh hưởng tới môi trường. Bên cạnh đó, các nội dung giáo dục dưới cờ hay hoạt động của CLB Môi trường được thành lập bởi chính các em học sinh giúp nâng cao nhận thức của các thành viên của nhà trường, định hướng một lối sống xanh cả trong và ngoài trường học.
c. Trường học có giáo viên thân thiện
Trong giảng dạy và tương tác với học sinh, đội ngũ giáo viên trường THPT Yên Viên luôn nêu cao tinh thần: Tất cả vì học sinh thân yêu. Các thầy cô giáo luôn sẵn sàng, nhiệt tình chia sẻ với học sinh từ những bài giảng, kiến thức trong lớp học cho đến những băn khoăn, câu chuyện trong đời sống, đặc biệt với đội ngũ giáo viên chủ nhiệm để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng riêng của từng em học sinh. Bên cạnh việc duy trì nền nếp kỷ luật, đội ngũ giáo viên nhà trường cũng tạo ra bầu không khí gần gũi, thoải mái để học sinh tự do chia sẻ và phát triển bản thân.
d. Trường học có phương pháp dạy học hấp dẫn
Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ trong môi trường giáo dục, trường THPT Yên Viên đã chủ động nghiên cứu, áp dụng các công cụ, phương pháp dạy học hiện đại, tiên tiến. Nổi bật là các phương pháp dạy học STEM được triển khai trong khoảng 3 năm học qua, tích hợp kiến thức từ nhiều lĩnh vực khác nhau, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, rèn luyện tư duy đa chiều, giúp học sinh tìm hiểu tường tận nguồn gốc của vấn đề bằng cảm nhận tai nghe, mắt thấy, tay làm. Thời lượng thực hành, thí nghiệm, tìm hiểu và khảo sát thực tế trong từng môn học cũng được nâng cao để giúp học sinh có thêm nhiều cảm hứng học tập, tiếp thu tri thức hiệu quả và thực chất hơn.
e. Trường học có nhiều hoạt động ngoại khóa
Trong những năm học qua, nhà trường đã tạo điều kiện tối đa để các em học sinh thành lập các CLB sở thích, đáp ứng nhu cầu phát triển đa dạng của lứa tuổi thanh thiếu niên, bao gồm các CLB thể dục thể thao như bóng rổ, cầu lông, xà kép; CLB kỹ năng như tiếng Anh, thuyết trình – hùng biện, báo chí, mỹ thuật, âm nhạc; CLB hoạt động xã hội như Hội Học sinh, CLB môi trường,… Từ những hoạt động CLB đa dạng, học sinh trường THPT Yên Viên có cơ hội khám phá tiềm năng của bản thân, được thử thách và rèn luyện toàn diện, chuẩn bị hành trang bước vào ngưỡng cửa đại học và xa hơn nữa. Bên cạnh đó, các hoạt động ngoại khoá thường kỳ như tham quan cho từng khối lớp, sinh hoạt dưới cờ hàng tuần được duy trì cũng giúp tăng cường sự gắn kết cho các em học sinh, mở mang trải nghiệm và kiến thức.
g. Học sinh được sáng tạo
Như đã đề cập, trong các hoạt động CLB đa dạng do học sinh tự làm chủ dưới sự theo dõi, định hướng của các thầy cô trong Đoàn trường, học sinh được tự do sáng tạo các hoạt động phù hợp với lĩnh vực hoạt động và điều kiện thực tiễn. Trong các hoạt động học tập, nhờ phương pháp giảng dạy có độ mở cao, học sinh có nhiều cơ hội bày tỏ ý kiến, quan điểm, chủ động tham gia vào bài học, đóng góp thêm ý kiến, góc nhìn mới để làm đa dạng, sâu sắc hơn kiến thức được học.
h. Khối lượng học tập hợp lý
Cùng với việc tạo môi trường học tập, tạo cảnh quan xanh, sạch, thân thiện thì khối lượng học tập phù hợp là rất quan trọng với học sinh. Nhận thức được điều này, trong các năm học, nhà trường luôn thống nhất với đội ngũ giáo viên, khi nhận lớp thực hiện rà soát để phân loại học sinh. Từ đó, thầy cô có kế hoạch tổ chức, giao việc phù hợp với năng lực, đối tượng học sinh. Với cách thực hiện như vậy, từng đối tượng học sinh đều thấy được quan tâm, được chỉ dẫn để phát huy thế mạnh cũng như bù đắp các kiến thức còn chưa vững.