Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam: “Phát triển Hội thành tổ chức chuyên nghiệp bảo vệ quyền trẻ em”
Hoạt động của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam góp phần thúc đẩy việc thực hiện quyền trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, được phát triển hài hòa và tham gia bảo vệ, ngăn chặn mọi hành vi xâm hại quyền trẻ em theo quy định của pháp luật Việt Nam và Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã phê chuẩn.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa – Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với Tạp chí Trẻ em Việt Nam về hoạt động của Hội hiện nay, và định hướng thời gian tới.
PV: Thưa Chủ tịch, bà đánh giá công tác bảo vệ quyền trẻ em của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật nào trong thời gian qua?
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa: Kể từ khi thành lập cho tới nay, đặc biệt là khi Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam được quy định rõ vai trò, trách nhiệm trong Luật Trẻ em tại Khoản 4, Điều 92, Hội xác định nhiệm vụ rất quan trọng là tham gia xây dựng chính sách pháp luật có liên quan tới quyền trẻ em. Thông qua việc kết nối, thu thập thông tin, kiến nghị của các tổ chức xã hội và của trẻ em chuyển đến các cơ quan nhà nước để góp ý, tư vấn cho việc xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật về quyền trẻ em. Với phương pháp tiếp cận và nguyên tắc tổ chức hoạt động dựa trên quyền trẻ em, Hội có nhiều hình thức như nghiên cứu, khảo sát, hội thảo, tọa đàm, tham vấn… để lắng nghe được tâm tư, nguyện vọng, đề xuất và kiến nghị của trẻ em, tiếng nói của các tổ chức xã hội có thực tiễn về công tác trẻ em ở địa phương. Chính bởi vậy, khi góp ý, tư vấn xây dựng các văn bản pháp luật, chính sách, chương trình liên quan tới quyền trẻ em, Hội thường đưa ra những nội dung góp ý sát với thực tiễn cuộc sống, đảm bảo mọi trẻ em đều được hưởng quyền một cách công bằng và hiệu quả khi những chính sách pháp luật, chương trình của Nhà nước được thông qua.
Ví dụ như trong góp ý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi, Hội đã có những kiến nghị, góp ý rất cụ thể về bổ sung từ ngữ “bạo lực gia đình với trẻ em”, bởi trẻ em là đối tượng chịu nhiều hình thức bạo lực gia đình, trẻ chưa phát triển hoàn thiện, sống phụ thuộc, khả năng tự bảo vệ và nhận thức về bạo lực gia đình còn hạn chế. Bên cạnh đó, Hội cũng góp ý dự thảo Luật sửa đổi cần phải bảo vệ thông tin cá nhân của trẻ bị bạo lực gia đình; xem xét vấn đề hòa giải giữa người gây hành vi bạo lực trong trường hợp là cha mẹ với trẻ em; cần nghiêm cấm hành vi cha mẹ sử dụng các hình thức trừng phạt về thể chất và tinh thần đối với trẻ; đẩy mạnh công tác truyền thông về quyền trẻ em và các đầu số hỗ trợ trẻ em bị bạo lực gia đình, giáo dục cha mẹ về phương pháp kỷ luật tích cực; yêu cầu đối với người tư vấn về bạo lực gia đình cần có kiến thức và kỹ năng làm việc thân thiện với trẻ em… Những góp ý đó cũng đã được một số đại biểu Quốc hội quan tâm, xem xét.
PV: Vậy ngoài tham gia góp ý, tư vấn văn bản, chính sách liên quan tới trẻ em, Hội Bảo vệ quyền trẻ Việt Nam còn thực hiện nhiệm vụ nào khác trong bảo vệ trẻ em, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa: Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cũng là một địa chỉ tin cậy mà người dân có thể gửi đơn thư, gọi điện để trao đổi, đề nghị được tư vấn và hỗ trợ trong việc đảm bảo quyền và lợi ích của trẻ em. Hội có bộ phận tiếp nhận và tư vấn, xử lý đơn thư do công dân gửi tới. Tuy nhiên, nhân sự của Hội cũng có hạn vì vậy chúng tôi kết nối, chuyển gửi tới Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 hoặc Ngôi nhà bình yên của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Tuy nhiên, có những trường hợp trẻ em bị vi phạm quyền một cách nghiêm trọng, Hội sẽ trực tiếp tham gia hỗ trợ, tư vấn, có văn bản kiến nghị gửi tới các cơ quan chức năng thể hiện quan điểm, chính kiến của Hội về vụ việc. Đặc biệt, Hội cử luật sư là thành viên của Hội tham gia hỗ trợ và tư vấn miễn phí cho trẻ và gia đình trẻ bị vi phạm quyền.
Trong quá trình hỗ trợ và bảo vệ trẻ em, chúng tôi nhận thấy công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng và chính trẻ em về quyền trẻ em và kỹ năng tự bảo vệ, kỹ năng tìm kiếm sự hỗ trợ trước các vụ vi phạm quyền trẻ em là vô cùng quan trọng. Vì vậy, Hội đã chú trọng biên soạn, in ấn và sản xuất các sản phẩm truyền thông thân thiện với người sử dụng để truyền thông về quyền trẻ em nói chung và những kỹ năng về bảo vệ trẻ em như cuốn “Quyền trẻ em – Quyền của chúng mình”, “An toàn trên môi trường mạng”, cẩm nang dành cho cha mẹ về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em; tài liệu tham khảo cho các cán bộ y tế, luật sư về kỹ năng làm việc thân thiện với trẻ em bị xâm hại tình dục trong quá trình tố tụng, cẩm nang cho các cán bộ cơ sở Hội tại địa phương về tư vấn, hỗ trợ ca vi phạm quyền trẻ em, hoạt hình về phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, phòng chống bạo lực trẻ em…
Chính những sản phẩm này khi được đăng tải và phát hành rộng rãi tại các địa phương và trên mạng xã hội đã góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về quyền và bảo vệ quyền trẻ em, từ đó sẽ thúc đẩy công tác phòng ngừa các hành vi vi phạm quyền trẻ em tại Việt Nam. Bên cạnh đó, khi phát biểu chính kiến của Hội về các vụ việc vi phạm quyền trẻ em trên báo chí bao gồm cả báo in và báo điện tử, truyền hình, phát thanh, Hội cũng đưa ra những phân tích và khuyến nghị những kinh nghiệm dành cho các bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ và cộng đồng để chủ động phòng ngừa trong thực hiện và đảm bảo quyền của trẻ em.
PV: Định hướng phát triển của Hội trong thời gian tới sẽ tập trung vào những nhiệm vụ nào, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa: Để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao trong Luật Trẻ em, Hội sẽ bám sát phương hướng đề ra là phát triển Hội trở thành một tổ chức chuyên nghiệp bảo vệ quyền trẻ em. Mục tiêu này tiếp tục là chiến lược phát triển tổ chức Hội trong 10-15 năm tới. Hội chuyên nghiệp không chỉ ở độ bao phủ cơ sở Hội tại 63 tỉnh/TP, mà cần mở rộng mạng lưới các cộng tác viên, tình nguyện viên, những người có chuyên môn nhưng sẵn sàng tình nguyện hoạt động vì quyền trẻ em như những luật sư trong Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em đang hoạt động rất hiệu quả ở một số địa phương. Hiện Hội đang củng cố, phát triển Chi hội Luật sư ở Hà Nội nhằm thu hút thêm các luật sư có tâm huyết, kinh nghiệm trong bảo vệ quyền trẻ em tham gia mạng lưới bảo vệ trẻ em.
Bên cạnh đó, việc nâng cao năng lực cán bộ làm công tác bảo vệ quyền trẻ em ở cả Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam và các địa phương là đòi hỏi vừa cấp bách, vừa lâu dài mới đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới.
Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác truyền thông về quyền trẻ em và bảo vệ quyền trẻ em tới các cấp, các ngành, các tầng lớp xã hội, ưu tiên thầy cô, cha mẹ, người chăm sóc trẻ và chính trẻ em.
Đồng thời, việc mở rộng và duy trì mối quan hệ với các đối tác quốc tế làm về trẻ em trong và ngoài nước để chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận những vấn đề mới nảy sinh trong bảo vệ quyền trẻ em, tìm kiếm những cơ hội hợp tác, phối hợp vì mục tiêu chung là thực hiện và bảo vệ quyền trẻ em tại Việt Nam cũng sẽ được Hội tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.
Trước mắt còn nhiều khó khăn, thách thức đặc biệt là nhận thức chưa đầy đủ về vai trò của các tổ chức xã hội, của một số cơ quan, tổ chức; trách nhiệm của một bộ phận người dân chưa cao; kiến thức và kỹ năng của người chăm sóc trẻ còn hạn chế… Để góp phần giải quyết hiệu quả những khó khăn, thách thức đó, Hội mong muốn Đảng, Nhà nước và các Bộ, ngành tạo điều kiện và hỗ trợ để Hội thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Huy động sức mạnh cộng đồng sẽ luôn là nguyên tắc ưu tiên trong hoạt động của Hội, bởi chúng tôi hiểu rằng mọi người dân dù ở bất kỳ độ tuổi, trình độ học vấn, cương vị xã hội, điều kiện kinh tế, thành phần dân tộc, giới tính… khi có trái tim yêu thương trẻ thì đều có những đóng góp giá trị cho trẻ em. Khi kết nối sức mạnh cộng đồng cùng Hội hoạt động với phương châm “Chung tâm, chung trí, chung sức bảo vệ quyền trẻ em” thì việc thực hiện quyền trẻ em tại Việt Nam sẽ đạt hiệu quả hơn trong thực tiễn, góp phần tạo môi trường lành mạnh để trẻ em Việt Nam được phát triển một cách toàn diện.
PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất