12:13 13/07/2022

Bắc Giang: Kịp thời nắm bắt tình hình trẻ em bị bạo lực, tai nạn thương tích và tư vấn bảo vệ quyền trẻ em

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Phạm Lan

6 tháng đầu năm, Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Bắc Giang đã vận động nguồn lực đạt trên 3,6 tỷ đồng, hỗ trợ và động viên gần 24.000 lượt trẻ em.

Ngày 13/7, Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành nhiệm kỳ III mở rộng, kỳ họp thứ 7, sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022.

Dự Hội nghị có bà Nguyễn Thị Thanh Hòa – Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam; bà Dương Thị Lợi – Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Bắc Giang, và các ông/bà trong Ban Thường vụ Tỉnh Hội, các Mạng liên kết, các Huyện Hội,....

duongloiduongloi
Toàn cảnh Hội nghị.

Báo cáo trước Hội nghị, bà Ngô Thị Sinh – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Bắc Giang cho biết, 6 tháng đầu năm, lãnh đạo Hội và cán bộ, hội viên đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong các hoạt động bảo vệ quyền trẻ em, đã cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ công tác và giải pháp thực hiện 2022 phù hợp với thực tiễn. Triển khai đầy đủ các văn bản chỉ đạo hoạt động của Trung ương Hội, của UBND tỉnh và các ngành chức năng có liên quan đến cán bộ, hội viên.

Kết quả 6 tháng đầu năm, Hội đã kết nối, tiếp nhận nguồn tài trợ từ một số nhà hảo tâm ở nước ngoài để trao học bổng cho 77 cháu và xây dựng 2 hệ thống nước sạch ở 2 trường, 1 mái ấm tình thương đã hoàn thành để đảm bảo an toàn cho 2 bé. Kết quả vận động nguồn lực trong 6 tháng đầu năm đã đạt trên 3,6 tỷ đồng (bao gồm cả tiền và vật chất) đã hỗ trợ, động viên kịp thời cho gần 24.000 lượt trẻ em.

Đạt được kết quả vận động nguồn lực trên là do các cấp Hội trong tỉnh đã chủ động phối hợp, đa dạng các hình thức và nội dung truyền thông phù hợp với từng nhóm đối tượng có hiệu quả. Tiêu biểu như tuyên truyền cuộc vận động "Tết vì người nghèo" do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Giang phát động và chương trình "Tết ấm tình thương"  Xuân Nhâm Dần năm 2022 do Hội BVQTE Việt Nam đề ra; phối hợp với Đài phát thanh tỉnh thực hiện có hiệu quả chương trình phát thanh “Vì trẻ em”. Bên cạnh đó, là các buổi truyền thông trực tiếp, các diễn đàn dành cho trẻ em, nhà trường và các bậc phụ huynh.

Đặc biệt, Thường trực tỉnh Hội thường xuyên chỉ đạo các cấp Hội nắm bắt kịp thời tình hình trẻ em bị bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích và tư vấn bảo vệ quyền trẻ em. Trong 6 tháng, các cấp Hội đã nắm tình hình 1.053 trẻ em, đã quan tâm tư vấn, hỗ trợ, chia sẻ, động viên 34 gia đình và trẻ em.

Bên cạnh đó, các cấp Hội đã tổ chức 6 đợt tập huấn cho gần 1.400 lượt cán bộ, hội viên. Riêng tỉnh Hội đã tổ chức 3 đợt cho 200 cán bộ, hội viên, như tập huấn về “Quy trình tố tụng thân thiện với trẻ em” truyền đạt về khái niệm tố tụng thân thiện, những nguyên tắc tố tụng hình sự thân thiện với trẻ em, đặc biệt là trẻ em bị xâm hại tình dục và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình trong ổn định tâm lý trẻ em bị xâm hại tình dục; Tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho trẻ em năm 2022; tổ chức 2 lớp tập huấn “Tham vấn tâm lý và hỗ trợ phục hồi cho trẻ em bị xâm hại tình dục” cho đội ngũ cán bộ Hội Bảo vệ quyền trẻ em 10 huyện, thành phố và cơ sở....

Báo cáo về hoạt động của Mạng liên kết Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh, trong đó Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh với vai trò là Trưởng Ban điều phối, bà Ngô Thị Sinh cho biết, hiện toàn tỉnh có 6 Mạng liên kết, với 109 thành viên. Mạng Liên kết Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh và các huyện, thành phố đã và đang phối hợp hoạt động, mang lại lợi ích thiết thực cho trẻ em, với các đợt truyền thông trực tiếp với các chủ đề như:“Quyền trẻ em”; “Kỹ năng bảo vệ trẻ em”; “Phòng chống xâm hại trẻ em”; “Xây dựng tình bạn đẹp”; “Nói không với bạo lực học đường”; “Phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em”; “Bảo vệ trẻ em trên môi trường Mạng”... với hàng trục nghìn lượt học sinh, thầy, cô giáo, Ban phụ huynh học sinh các nhà trường tham dự.

Trong 6 tháng cuối năm 2022, các cấp Hội tiếp tục đẩy nhanh tiến độ phát triển tổ chức Hội cơ sở, đặc biệt là phát triển Hội ở các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và vùng núi và phát triển Mạng liên kết Bảo vệ quyền trẻ em ở 5 huyện. Tích cực, chủ động xây dựng đề xuất dự án kêu gọi sự tài trợ của các tổ chức phi chính phủ nhằm thúc đẩy việc thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em. Xây dựng tổ chức Hội thực sự là cầu nối tin cậy giữa các nhà hảo tâm với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. 

z3563063957544_3dbceda5078bdbb8a3a0147163376d0e
Bà Nguyễn Thị Minh Hợp - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP. Bắc Giang chia sẻ tại hội nghị

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ các kinh nghiệm trong hoạt động hỗ trợ bảo vệ quyền trẻ em và nêu những khó khăn trong quá trình hoạt động của đơn vị. Bà Nguyễn Thị Minh Hợp - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP. Bắc Giang cho biết, để hoạt động Hội đạt hiệu quả, Hội đã vận dụng đa dạng các công tác truyền thông như phổ biến về Luật trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích, an toàn giao thông cho trẻ em,...

Về hoạt động của Mạng liên kết, bà Hợp cho biết, Mạng phải khảo sát chính xác các đối tượng cần giúp đỡ, phải phối hợp chặt chẽ với các đơn vị khác như Chữ thập đỏ, Cựu chiến binh, Hội phụ nữ để không bỏ sót đối tượng cần giúp đỡ.

Bà Nguyễn Thị Khuê thay mặt Hội BVQTE huyện Lục Ngạn mong muốn, thời gian tới, huyện sẽ thành lập được Chi hội ở các vùng cao, bởi trẻ em ở đó còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, địa bàn Lục Ngạn rất rộng và đi đến vùng cao đường sá rất xa, mà cán bộ Hội phần lớn là những người cao tuổi, hoạt động trên tinh thần tự nguyện nên còn nhiều hạn chế. Đó là khó khăn rất lớn của cán bộ Hội.

Qua báo cáo sơ kết của Tỉnh Hội và các ý kiến phát biểu tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa – Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đánh giá cao kết quả của Tỉnh Hội Bắc Giang đạt được trong 6 tháng đầu năm 2022. Tỉnh Hội đã đi đúng hướng, bám sát chỉ đạo của TƯ Hội và của lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, đạt hiệu quả cụ thể.

Nguyen-Thi-Thanh-Hoa
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa – Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đánh giá cao kết quả của Tỉnh Hội Bắc Giang đạt được trong 6 tháng đầu năm

Chủ tịch TƯ Hội rất ấn tượng về công tác phát triển tổ chức của Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Bắc Giang. Nhiều Hội ở vùng sâu, vùng xa có đề án phát triển Hội đến tận xã với kế hoạch rất chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa cũng đánh giá cao hoạt động của các Hội, nhóm, mạng liên kết trong tỉnh với nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa đồng tình với 7 nhiệm vụ và giải pháp mà Tỉnh Hội đặt ra, đồng thời cũng đề nghị Tỉnh Hội cần quan tâm một số nội dung sau: Thứ nhất, Tỉnh Hội cần quan tâm nhiệm vụ xây dựng, đóng góp ý kiến về Luật pháp, chính sách về bảo vệ trẻ em, gửi đến các cơ quan có thẩm quyền. Hội có thể tham gia đóng góp ý kiến cùng Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên hoặc Mặt trận Tổ quốc tỉnh. Ngoài ra, cần tham gia đóng góp ý kiến gửi đến các cơ quan có thẩm quyền về Luật phòng chống bạo lực gia đình sửa đổi; Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, để nói lên quyền của trẻ em, quyền được nói, được biết, được ý kiến.

Thứ hai, trẻ em bị xâm hại bởi trẻ chưa được trang bị kỹ năng phòng ngừa, nhận biết tình huống nguy hiểm để tự bảo vệ, Hội phải có những tham vấn, đi vào cụ thể.

Thứ ba, nâng cao bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Ở Việt Nam, tỷ lệ trẻ em sử dụng mạng internet rất cao, trong khi kỹ năng sử dụng internet an toàn của trẻ em còn yếu.

Thứ tư, chú trọng chương trình hành động phát triển toàn diện trẻ em về thể chất và tinh thần. Hiện có khoảng chênh về tỷ lệ thấp còi giữa trẻ em người Kinh và trẻ em vùng dân tộc thiểu số.

Thứ năm, cần quan tâm đối tượng trẻ em sử dụng và bị ảnh hưởng bởi thuốc lá, thuốc lá điện tử. Tỷ lệ trẻ em bị phơi nhiễm bởi khói thuốc lá, thuốc lá điện tử ở Việt Nam rất cao.

Thứ sáu, lưu ý phát triển các mô hình dịch vụ bảo vệ trẻ em. Hiện ở TP. Hồ Chí Minh có 2 mô hình rất thành công: Phiên tòa giả định nhằm phổ biến, giáo dục pháp luật cho trẻ em và Chi hội Luật sư Bảo vệ quyền trẻ em TP. HCM.

Phát biểu kết luận Hội nghị, bà Dương Thị Lợi – Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Bắc Giang tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ Việt Nam và các ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự Hội nghị. Trong thời gian tới, Tỉnh Hội Bắc Giang quyết tâm hoàn thành 5 mục tiêu sau:

Thứ nhất, quyết tâm phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, phát triển thêm ít nhất 16 Hội, chi hội cơ sở ở xã, phường, thị trấn, trong đó ít nhất có 5 xã đặc biệt khó khăn.

Thứ hai, thành lập ít nhất 10 Mạng Liên kết ở cấp huyện và cơ sở.

Thứ 3, tổ chức thành công sự kiện truyền thông, chương trình "Chắp cánh ước mơ cho trẻ em nghèo" với số trẻ được nhận học bổng cao hơn năm 2021.

Thứ tư, Tỉnh Hội và Hội BVQTE 10 huyện, thành phố chủ động phối hợp với các thành viên Mạng liên kết BVQTE nắm bắt kịp thời tình hình trẻ em bị bạo lực, xâm hại, bị tai nạn thương tích và có giải pháp tư vấn hỗ trợ, phù hợp.

Thứ năm, phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu vận động nguồn lực với tổng số tiền và vật chất vượt chỉ tiêu đề ra trong năm 2022 là 5 tỷ đồng.

Tại Hội nghị, Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh, Báo Bắc Giang, Hội Khuyến học tỉnh phối hợp tổ chức chương trình “Chắp cánh ước mơ” cho trẻ em nghèo lần thứ 7 năm 2022 tại TP. Bắc Giang. Chương trình dự kiến trao học bổng cho 150 trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có ít nhất 80 cháu được các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài nước nhận đỡ đầu trao học bổng hàng năm.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận