08:05 19/08/2022

Các giải pháp cần lưu ý bảo vệ quyền trẻ em

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Minh Tâm

Nhiều giải pháp đưa ra để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, bảo vệ trẻ em khỏi các nguy cơ bị bạo lực, xâm hại từ người thân quen trong gia đình

Ngày 18/8, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP. HCM phối hợp cùng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. HCM, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP. HCM tổ chức Hội thảo “Bảo vệ quyền trẻ em - thực trạng và giải pháp”.

Hội thảo có sự tham dự của ông Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban văn hoá, giáo dục của Quốc hội; bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam; ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em; bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP. HCM cùng đại diện các sở, ngành liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM.

img2830-16608137687441527
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: NLĐ

Nhân lực phụ trách công tác chăm sóc trẻ em mỏng

Đại diện nhóm tác giả của HĐND TP. HCM, TS. Nguyễn Minh Nhựt, Phó Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP. HCM cho biết, thống kê toàn TP. HCM có 321 cán bộ làm công tác trẻ em ở cả 3 cấp, trong đó có tới 89,1% là cán bộ ở cấp xã. Đáng chú ý, trong tổng số 321 cán bộ làm công tác trẻ em chỉ có 18 cán bộ chuyên trách, còn lại là kiêm nhiệm.

“Hệ thống bảo vệ trẻ em đặt trọng tâm tại cơ sở, cho nên để công tác này đạt hiệu quả thực chất, có chiều sâu thì TP. HCM nên quan tâm đến chế độ chính sách với nhóm cán bộ làm công tác trẻ em ở cơ sở”, ông Nguyễn Minh Nhựt góp ý.

Ông Đặng Hoa Nam cho biết, hiện cả nước có hơn 11.100 cán bộ làm công tác trẻ em cấp xã, trong đó chỉ có 633 người là chuyên trách. Trong khi đó, vai trò của cấp xã cực kỳ quan trọng, mang tính quyết định đối với công tác này.

Theo ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ LĐTB&XH cho biết, trong lúc ở Việt Nam chưa có nghề công tác xã hội chuyên nghiệp, thì các cán bộ này có vai trò rất quan trọng. Từ đó, ông đề nghị TPHCM tiếp tục xem xét củng cố hệ thống bảo vệ trẻ em, nhất là đội ngũ cán bộ ở cơ sở.

Tại hội thảo, ông Phạm Đình Nghinh - Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP. HCM cho rằng cần phát huy vai trò của các tổ chức xã hội trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Thời gian qua, các tổ chức xã hội đã góp phần không nhỏ cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhưng hệ thống pháp luật quy định về hoạt động này chưa thực sự đồng bộ, nhất quán. Các tổ chức xã hội cũng chưa phát huy được tiếng nói trong xây dựng chính sách pháp luật liên quan tới công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Theo ông Nghinh, có những tổ chức xã hội ra đời nhưng không có chương trình, kế hoạch trợ giúp mang tính bền vững, thậm chí còn có sự nhầm lẫn giữa công tác xã hội và công tác từ thiện. Đó là chưa kể đến hiện tượng lợi dụng công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em để trục lợi từ việc gây quỹ từ thiện, trục lợi khi kêu gọi quyên góp cho các trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, lạm dụng, xâm hại…

Bà Lương Thị Thuận, Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em TP. HCM cho hay, hiện tại, các phường, xã, người phụ trách công tác chăm sóc trẻ em phải kiêm nhiệm 2-3 chức danh khác, hoặc bố trí cho có, một thời gian điều đi chỗ khác.

“Có những người mới về làm 1 đến 3 năm chưa nắm được tình hình trẻ em ở địa bàn ra sao đã chuyển đi nơi khác. Mới tháng trước mời cán bộ triển khai dự án, tháng sau đã đổi người”, bà Thuận nói.

Bà Thuận cũng kiến nghị, thành phố bố trí đúng người và ổn định ở cơ sở để bảo vệ trẻ em. Hiện có tổ chức, mạng lưới chăm sóc trẻ em nhiều nhưng kết nối để chia sẻ công việc, do không có người cầm trịch.

 Bà Thuận cho rằng, việc đảm bảo quyền lợi cho trẻ em nhập cư còn nhiều thiếu sót, nhất là ở những khu vực vùng ven. “Sắp tới nên nghĩ đến những nhóm đối tượng đích, là bộ phận công nhân của thành phố”, bà Thuận đề xuất.

Nhiều giải pháp bảo vệ trẻ em

Bà Nguyễn Thị Lệ - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. HCM cho hay, thời gian qua, HĐND TP. HCM đã gặp gỡ, lắng nghe tiếng nói thiếu nhi và thực hiện nhiều cuộc khảo sát về công tác trẻ em ở nhiều địa phương, đơn vị.

Bà Nguyễn Thị Lệ cũng nêu ra 7 vấn đề cần lưu ý cho hội thảo. Trong đó, Chủ tịch HĐND TP. HCM nhận định bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, bảo vệ trẻ em khỏi các nguy cơ bị bạo lực, xâm hại từ người thân quen trong gia đình… là những vấn đề mới cần được quan tâm.

Chủ tịch HĐND TP. HCM cho hay, qua khảo sát, nhận thấy tình trạng trẻ em lang thang, cơ nhỡ, trẻ em bị chăn dắt, sử dụng làm lao động trái luật vẫn còn tồn tại. Tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại vẫn xảy ra và đang diễn biến theo chiều hướng phức tạp. Vừa qua có những vụ việc đau lòng, rất đáng tiếc đã xảy ra, trong đó có những vụ việc xảy ra tại TP. HCM như bé gái 8 tuổi ở Bình Thạnh bị cha và người sống cùng bạo hành dã man.

"Trong 2 năm đại dịch vừa qua, trẻ em cũng là đối tượng bị ảnh hưởng rất nhiều. Việc giãn cách xã hội, học online để phòng chống dịch khiến trẻ phải đối mặt nhiều hơn với sự căng thẳng, nguy cơ bị xâm hại trên môi trường mạng. Thậm chí có hàng ngàn em đã mất đi cha mẹ, người thân, để lại những vết thương lòng khó xoa dịu", bà Nguyễn Thị Lệ nói và nhấn mạnh công tác bảo vệ trẻ em hiện nay phải tính đến những đặc điểm này.

Với số lượng trẻ em lên tới gần 2 triệu, bà Lệ cho rằng, chăm sóc trẻ em tại TP. HCM chưa khi nào là việc dễ dàng. Muốn làm tốt công tác này đòi hỏi cơ chế phối hợp linh hoạt, hiệu quả giữa các bên liên quan, gồm cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ trẻ em, cơ sở trợ giúp xã hội đối với trẻ em, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em.

Bà Lệ cũng cho rằng, cần tăng cường vai trò của cấp cơ sở trong chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Muốn vậy, đội ngũ làm công tác này ở cơ sở cần được trang bị kỹ năng tốt, có chế độ, chính sách thỏa đáng để họ yên tâm làm việc. Bên cạnh đó, công tác truyền thông về bảo vệ trẻ em cũng phải được nâng cao hơn nữa bằng nhiều hình thức. Những trường hợp vi phạm quyền trẻ em, đăng tin xấu độc trên mạng xã hội gây ảnh hưởng đến tâm sinh lý, hành vi của trẻ em cần được xử lý nghiêm bằng chế tài hành chính, hình sự.

Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu bổ sung quy định bắt buộc lắp đặt camera giám sát tại các cơ sở giáo dục, trung tâm và cơ sở bảo trợ xã hội để góp phần răn đe các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, tăng cường sự giám sát của gia đình, xã hội với công tác chăm sóc trẻ em. Đây cũng sẽ là nguồn chứng cứ để cơ quan công an điều tra, xử lý nếu có vụ việc bạo lực, xâm hại xảy ra.

TP. HCM cũng cần tiếp tục hoàn thiện về tổ chức bộ máy, nhân sự và chính sách đối với cán bộ, cộng tác viên, nhân viên xã hội hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em, nhất là người làm công tác này ở cơ sở. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa trong công tác cho trẻ em, nhằm tạo thêm sân chơi lành mạnh nâng cao thể chất, tinh thần cho trẻ; thêm nguồn lực chăm lo cho những trẻ khiếm khuyết, thiệt thòi. Cùng với đó là tăng cường cơ chế điều phối, kết nối và phối hợp trong hoạt động bảo vệ trẻ em các cấp, ngành, lĩnh vực khác nhau trong việc bảo vệ trẻ em.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận