00:00 22/01/2023

Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa: 'Chung tâm, chung trí, chung sức bảo vệ quyền trẻ em'

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Thu Hà

Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa nhấn mạnh, trong năm 2023, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện sứ mệnh, trách nhiệm góp phần cùng Nhà nước thực hiện tốt nhất quyền trẻ em tại Việt Nam.

Thưa Chủ tịch Nguyễn Thị Thanh Hòa, có thể nói năm 2022 là một năm có nhiều sự kiện liên quan tới trẻ em. Xin bà chia sẻ một số kết quả nổi bật mà Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã đạt được trong công tác trẻ em năm qua?

Năm 2022 là năm chúng ta vừa tiếp tục phòng chống dịch bệnh vừa phục hồi kinh tế và chịu ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu. Từ tình hình thực hiện và căn cứ chỉ đạo của Chính phủ, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tập trung vào thực hiện có kết quả một số nhiệm vụ như sau:

Thứ nhất: Tiếp tục tham gia góp ý về xây dựng và thực hiện chính sách pháp luật có liên quan đến trẻ em.

Với nhiệm vụ kết nối, thu thập thông tin, kiến nghị của trẻ em, Hội đã tham gia tư vấn, góp ý 7 văn bản pháp luật, chính sách. Chỉ tính riêng việc góp ý cho dự thảo Luật phòng chống bạo lực gia đình sửa đổi, Hội đã có 4 văn bản và phát biểu trực tiếp tại các hội nghị, hội thảo, tập trung đề xuất dự thảo luật cần có những quy định đặc thù để bảo vệ trẻ em khỏi bị bạo lực gia đình.

Hội cũng đã thúc đẩy các hoạt động tham vấn ý kiến trẻ em về các vấn đề liên quan tới các em để góp ý chính sách, văn bản pháp luật như tổ chức tham vấn hơn 600 trẻ em về dự thảo Thông tư Hướng dẫn về tổ chức các hoạt động có sự tham gia của trẻ em tại các cơ sở ngoài nhà trường và cơ sở giáo dục của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; nhận thức và hành vi liên quan tới đồ uống có đường và thuốc lá điện tử; sức khỏe tâm thần trong thời gian bị giãn cách do Covid-19 tại nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, Thái Nguyên, Điện Biên, Đắk Lắk, Cần Thơ, Bạc Liêu.

tr7-11. anh 1
Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa (Ảnh: Hội BVQTEVN).

Thứ hai: Với các vụ việc vi phạm quyền trẻ em khi công dân gửi đơn thư, Hội đã có văn bản gửi các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý và cử luật sư thuộc Chi hội Luật sư vì quyền trẻ em hỗ trợ 8 trường hợp trẻ em bị xâm hại, bạo lực và gia đình trẻ như: Bé gái 8 tuổi bị bố và người tình bạo lực dẫn tới tử vong tại TPHCM; tranh chấp nuôi con có yếu tố nước ngoài tại TPHCM; bố dượng xâm hại tình dục con gái tại Nhơn Trạch, Đồng Nai; trẻ em tử vong không rõ nguyên nhân tại Đan Phượng, Hà Nội; lừa đảo trẻ em trên môi trường mạng tại nhiều tỉnh/thành phố;...

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Bắc Từ Liêm đã chủ động liên hệ đề nghị Hội tham gia, đóng góp ý kiến trong quá trình giải quyết vụ án bé gái sinh năm 2015 bị bố đánh trong lúc học bài dẫn tới tử vong tại quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội.

Trên cơ sở đề nghị, Hội đã cử Luật sư tham gia đồng hành để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em.

Thứ ba: Về công tác giám sát thực hiện quyền trẻ em, trong năm qua, Hội cũng được mời tham gia đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống đuối nước trẻ em” tại 6 tỉnh, thành phố: Gia Lai, Đắk Lắk, Bạc Liêu, An Giang, Nam Định và Yên Bái do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức nhằm xem xét, đánh giá, thực trạng thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống đuối nước trẻ em và việc thực hiện trách nhiệm của các cơ quan liên quan; đề xuất, kiến nghị nội dung giải pháp tăng cường hiệu quả thực hiện công tác phòng, chống đuối nước trẻ em.

tr7-11. anh 3
Phiên tòa giả định phổ biến kiến thức pháp luật cho phụ huynh và học sinh (Ảnh: Hội BVQTEVN).

Trực tiếp tham gia cùng đoàn giám sát, tôi nhận thấy cần phải tìm hiểu rõ nguyên nhân về tỉ lệ đuối nước ở các địa phương, cần có sự chia sẻ và học hỏi việc triển khai những mô hình, cách thức thực hiện công tác phòng, chống đuối nước hiệu quả ở một số địa phương đã có những kết quả đáng kể. Tôi cho rằng, để giải quyết được vấn đề bảo đảm an toàn cho trẻ em dù ở môi trường gia đình, nhà trường, hay cộng đồng đều rất cần sự chung tay của toàn xã hội và chính trẻ em để chúng ta không còn thấy những trường hợp thương tâm trẻ em là nạn nhân trước những nguy cơ, rủi ro mà chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh được.

Thứ tư: Công tác truyền thông về quyền trẻ em tiếp tục được đẩy mạnh.

Đặc biệt năm 2022 cũng là năm đánh dấu sự ra đời của Tạp chí Trẻ em Việt Nam, cơ quan ngôn luận, thông tin, nghiên cứu lý luận của Hội, điều này đã tạo thuận lợi cho công tác truyền thông, công tác nghiên cứu về quyền trẻ em một cách hiệu quả và kịp thời. Bên cạnh đó, Hội đã truyền thông mạnh các sản phẩm truyền thông thân thiện cho các nhóm đối tượng như cha mẹ, người chăm sóc trẻ, cán bộ tư vấn, cán bộ y tế, cán bộ thực thi pháp luật… Đồng thời, Hội đã tổ chức truyền thông trực tiếp các nội dung liên quan tới quyền trẻ em, các kỹ năng cần thiết để phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em cho người lớn và trẻ em.

tr7-11. anh 2
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa trao quyết định và tặng hoa chúc mừng Tạp chí Trẻ em Việt Nam ra mắt bạn đọc (Ảnh: Hội BVQTEVN).

Bên cạnh đó, Hội cũng tham gia trả lời phỏng vấn, phát biểu chính kiến về các nội dung liên quan đến bạo hành trẻ em, bảo vệ sức khỏe tâm thần trẻ em trong đại dịch Covid-19, văn hóa mạng Internet và quyền sống của trẻ em… trên các đơn vị báo chí Trung ương và chuyên ngành. Thông qua đó, Hội cũng có những nhận định và chia sẻ tâm huyết từ những người làm công tác trẻ em để kêu gọi cộng đồng cùng chung tay bảo vệ quyền trẻ em.

Thứ năm: Hưởng ứng Chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương” và “Mẹ đỡ đầu” của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, năm qua, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tiếp tục tổ chức Chương trình “Thắp sáng những ước mơ” hỗ trợ thường niên… cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Thông qua các chương trình do Hội phát động và triển khai đã trao học bổng cho hơn 4.500 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại 15 tỉnh/thành phố như Trà Vinh, Bến Tre, Bạc Liêu, Ninh Thuận, Đồng Tháp, Bình Thuận, Điện Biên, Thái Nguyên, Bắc Giang, Đà Nẵng, Thái Bình, Huế, Hải Phòng, Kon Tum… với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng.

tr7-11. anh 5
Trao quà cho trẻ em khuyết tật tại chương trình Thắp sáng những ước mơ lần thứ 7 (Ảnh: Hội BVQTEVN).

Cuối cùng là kiện toàn Chi hội Luật sư vì quyền trẻ em: Năm 2022, Hội cũng đã kiện toàn lại Chi hội Luật sư vì quyền trẻ em trực thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam với hơn 20 thành viên tham gia. Nhằm cung cấp thông tin và chia sẻ những kỹ năng cần thiết cho các luật sư trong quá trình bảo vệ trẻ em, Hội đã tổ chức hội thảo - tập huấn chuyên đề về bảo vệ trẻ em để các hội viên mới tham gia Chi hội được cập nhật thông tin về các văn bản liên quan tới bảo vệ trẻ em hiện nay và những kỹ năng cần thiết trong quá trình làm việc với trẻ em bị bạo lực, xâm hại. Bên cạnh đó, Hội tiếp tục cùng phối hợp với các luật sư thuộc Chi hội để tư vấn, hỗ trợ các vụ việc vi phạm quyền trẻ em khi có đơn thư của công dân gửi tới.

Trong năm qua, Hội đã có những nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ được quy định trong Luật Trẻ em 2016 và đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Vậy, đâu là những yếu tố quan trọng để Hội thực hiện tốt công tác quyền trẻ em, thưa bà?

Năm qua, cùng với những khó khăn chung của cả nước trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thiên tai, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cũng gặp nhiều thách thức trong công tác bảo vệ trẻ em như việc phát triển tổ chức Hội còn gặp nhiều cản trở, nhận thức của cán bộ Hội về một số nhiệm vụ như góp ý, tư vấn chính sách, kịp thời nắm bắt tình hình trẻ em, việc lên tiếng về các vụ việc vi phạm quyền trẻ em còn hạn chế; nguồn ngân sách cho công tác bảo vệ trẻ em rất hạn hẹp.

Trước những khó khăn, thách thức đó, Hội đã bằng nhiều hình thức vận động lãnh đạo các địa phương quan tâm việc phát triển tổ chức Hội phù hợp với tình hình, tập trung mở rộng nguồn nhân lực địa phương thông qua kết nối, vận động các cộng tác viên, tình nguyện viên trong các lĩnh vực liên quan tới trẻ em như các luật sư, các cán bộ tư vấn tâm lý tại cộng đồng tham gia hoạt động tình nguyện với Hội. Bên cạnh đó, Hội cũng tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ chủ chốt của cơ sở Hội tại địa phương và các mạng lưới xã hội tham gia bảo vệ trẻ em tại hai khu vực miền Nam và miền Bắc về các nội dung liên quan tới quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em, tăng cường năng lực trong góp ý chính sách, tư vấn bảo vệ trẻ em.

Bên cạnh đó, Hội đã nỗ lực vận động nguồn lực, tranh thủ sự hỗ trợ về ngân sách và chuyên môn từ các đối tác, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ của Hội đã được quy định trong Luật Trẻ em, nâng cao năng lực về chuyên môn và kỹ năng làm việc với trẻ em cho cán bộ tổ chức Hội trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Thông qua nhiều cuộc khảo sát lấy ý kiến, nhận thấy rằng việc truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng và trẻ em về quyền trẻ em cũng vô cùng quan trọng. Các nội dung về quyền trẻ em được quy định trong Luật pháp, chính sách; kỹ năng về bảo vệ trẻ em… cần phải được truyền thông thông qua các hình thức thân thiện, gần gũi với công chúng và trẻ em.

Chính bởi vậy, Hội đã chia sẻ và hướng dẫn sử dụng các sản phẩm truyền thông như video, cẩm nang hướng dẫn về phòng chống xâm hại, bạo lực trẻ cho các cơ sở hội để truyền thông, góp phần bảo vệ trẻ em tại cộng đồng thông qua nhiều hình thức đa dạng như tổ chức buổi tuyên truyền pháp luật và mô hình “Phiên tòa giả định” trong nhà trường và khu chung cư; treo băng rôn tuyên truyền và sử dụng hệ thống loa truyền thanh từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em tại địa phương.

Sự hiểu biết và tham gia tích cực của tất cả mọi người trong chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em là yếu tố quan trọng nhất để mọi trẻ em được hưởng quyền, để không có trẻ em nào bị bỏ lại phía sau. Đó cũng chính là yếu tố quan trọng mà Hội chúng tôi luôn huy động, kết nối sức mạnh cộng đồng hướng tới một mục tiêu chung là bảo vệ quyền cho mọi trẻ em Việt Nam.

Vào tháng 9/2022, Chính phủ Việt Nam đã có phiên đối thoại với Ủy ban về Quyền trẻ em của Liên hợp quốc về Báo cáo việc thực hiện quyền trẻ em tại Việt Nam chu kỳ 5, 6. Với vai trò là tổ chức về bảo vệ quyền trẻ em, Hội đã có những hoạt động gì liên quan tới báo cáo việc thực hiện quyền trẻ em tại Việt Nam?

Thời gian qua, Hội đã có nhiều chương trình, hoạt động phối hợp với các bên liên quan để thực hiện quyền trẻ em tại Việt Nam. Hội cũng là đơn vị kết nối mạng lưới với các tổ chức xã hội trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế làm việc về trẻ em tại Việt Nam để thúc đẩy việc thực thi và ghi nhận của cơ quan Nhà nước đối với các hoạt động vì trẻ em của các tổ chức làm việc về trẻ em.

Với tư cách là đồng chủ trì Nhóm công tác về quyền trẻ em (CRWG), Hội đã cùng các thành viên nhóm xây dựng và hoàn thiện Báo cáo bổ sung của các tổ chức xã hội về việc thực hiện Công ước quốc tế về Quyền trẻ em chu kỳ 5, 6 và đã gửi tới Ủy ban Quyền trẻ em của Liên hợp quốc (CRC) trước khi Ủy ban có phiên đối thoại với đoàn đại biểu của Chính phủ Việt Nam vào tháng 9/2022. Đặc biệt, Hội cũng tiếp tục huy động các tổ chức tham gia xây dựng kế hoạch thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban Quyền trẻ em với Báo cáo của Chính phủ việc thực hiện Công ước Quyền trẻ em chu kỳ 5, 6.

Tháng 11 vừa qua, tại Văn phòng UNICEF, Chủ tịch Hội đã được mời tham gia chủ trì trong phiên Đối thoại bàn tròn cùng Đại diện đặc biệt của Tổng thư ký Liên hợp quốc về tăng cường hành động và chấm dứt bạo lực đối với trẻ em tại Việt Nam với các lãnh đạo, quản lý cấp cao của các tổ chức trong nước và quốc tế làm việc về trẻ em tại Việt Nam.

1
Chủ tịch Nguyễn Thị Thanh Hòa đồng chủ trì với Đại diện đặc biệt của Tổng thư ký LHQ trong buổi Đối thoại bàn tròn về phòng chống bạo lực trẻ em tại trụ sở của UNICEF Việt Nam (Ảnh: Hội BVQTEVN).

Thông qua buổi đối thoại, nhiều vấn đề về bảo vệ trẻ em khỏi bị bạo lực, xâm hại trong gia đình, nhà trường, trên mạng internet… cũng đã được thảo luận và khuyến nghị để góp phần đưa tiếng nói và vai trò của các tổ chức làm việc về trẻ em được ghi nhận trong kế hoạch của Chính phủ trong thực hiện các Kết luận quan sát của CRC tại Việt Nam trong thời gian tới.

Xin bà cho biết một số nhiệm vụ ưu tiên của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam trong năm 2023?

Năm 2023 là năm tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ IV Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028 với những mục tiêu và chiến lược hoạt động cụ thể.

Nội dung của Đại hội lần thứ IV sẽ tập trung vào đánh giá kết quả hoạt động thực hiện Nghị quyết Đại hội III, nhiệm kỳ 2018-2023 và đề xuất Kế hoạch hoạt động của Hội nhiệm kỳ 2023-2028; đặc biệt chú trọng đến việc thảo luận kế hoạch hoạt động, xác định từng giai đoạn, các giải pháp và nguồn lực đảm bảo tính khả thi cao. Các ủy viên Ban chấp hành sẽ thảo luận, quyết định bổ sung, sửa đổi Điều lệ Hội và bầu Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra theo quy định của Điều lệ Hội.

Bám sát vào đường lối các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về công tác trẻ em, những bài học kinh nghiệm trong hoạt động Hội nhiệm kỳ 2018-2023; Chiến lược phát triển tổ chức và hoạt động Hội giai đoạn 2023-2033 để xây dựng báo cáo trình Đại hội, bám sát vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác trẻ em, những bài học kinh nghiệm trong hoạt động Hội nhiệm kỳ III.

1. Hội xác định, nhiệm vụ xây dựng, củng cố nâng cao chất lượng hoạt động là nhiệm vụ ưu tiên, sống còn của tổ chức Hội, tiếp tục tập trung vào phát triển hội viên, xây dựng mạng lưới các tổ chức hoạt động về bảo vệ trẻ em. Nâng cao năng lực và kỹ năng cho cán bộ, hội viên về quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em. Bên cạnh đó, Hội sẽ tăng cường vận động, khai thác nguồn lực, tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để thực hiện các đề án, chương trình bảo vệ trẻ em. Đặc biệt năm 2023 sẽ tập trung phối hợp xây dựng đề án giáo dục làm cha mẹ theo phương pháp kỷ luật tích cực, không sử dụng bạo lực.

2. Tập trung nghiên cứu, thu thập ý kiến trẻ em để thực hiện tốt nhiệm vụ góp ý, tư vấn chính sách pháp luật về bảo vệ trẻ em. Ứng dụng công nghệ để nghe được nhiều ý kiến, nguyện vọng của trẻ.

3. Cùng với đó, các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng và trẻ em về quyền trẻ em, các kỹ năng cần thiết để phòng tránh bạo lực, xâm hại trẻ em cũng sẽ được Hội triển khai ở nhiều tỉnh thành với các hình thức phong phú, lồng ghép để tiếp cận dễ dàng và dễ hiểu đối với người lớn và trẻ em như truyền thông trên Tạp chí Trẻ em Việt Nam, tổ chức “Phiên tòa giả định”, các buổi tuyên truyền pháp luật, hoạt động tham vấn ý kiến trẻ em ở nhà trường và ngoài cộng đồng; phối hợp với các đơn vị báo chí để tuyên truyền về việc thực hiện quyền trẻ em.

6
Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổ chức nhiều chương trình thiết thực (Ảnh: Hội BVQTEVN).

4. Phát triển mô hình luật sư tham gia bảo vệ quyền trẻ em của Hội tại một số địa phương và thực hiện tốt công tác an sinh xã hội.

Hội sẽ tiếp tục huy động nguồn lực tặng quà và trao học bổng cho trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, góp phần thực hiện các mục tiêu Chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương” và “Mẹ đỡ đầu”. Tổ chức hội nghị biểu dương những tấm gương tiêu biểu trong công tác trẻ em.  

5. Thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ lên tiếng bảo vệ những trẻ em bị xâm hại, bạo lực và theo dõi kết quả giải quyết các vụ việc vi phạm quyền trẻ em của các cơ quan có thẩm quyền.

Với tinh thần “Chung tâm, chung trí, chung sức bảo vệ quyền trẻ em”, trong năm 2023, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện sứ mệnh, trách nhiệm góp phần cùng Nhà nước thực hiện tốt nhất quyền trẻ em tại Việt Nam.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận