16:16 27/07/2022

Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa: 'Tạp chí Trẻ em Việt Nam phải luôn vì quyền và lợi ích của trẻ'

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Lan Phạm

“Hội mong muốn Tạp chí Trẻ em VN sẽ thực hiện tốt tôn chỉ, nhiệm vụ được giao, giúp Hội tăng tính chủ động, chuyên biệt trong truyền thông về thực thi quyền trẻ em, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ quyền trẻ em”, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa – Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam nêu yêu cầu đối với Tạp chí Trẻ em VN nhân dịp Tạp chí ra mắt độc giả.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa – Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa – Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam

PV: Thưa bà, xin bà cho biết, đối với Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, công tác truyền thông có tầm quan trọng ra sao?

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa: Là một tổ chức xã hội hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ quyền trẻ em, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam vô cùng coi trọng công tác truyền thông.

Hội truyền thông bằng nhiều hình thức, trong đó nổi bật là truyền thông trên báo chí và truyền thông trực tiếp trong cộng đồng.

Hội tổ chức tư vấn thông qua các buổi tọa đàm, lớp học, tờ rơi, tư vấn viên tại địa phương,…; xây dựng, cung cấp và hướng dẫn sử dụng các tài liệu, cẩm nang hướng dẫn liên quan tới bảo vệ trẻ em, phát trực tiếp tới các bậc cha mẹ, trẻ em, người chăm sóc trẻ và cộng đồng.

Thực tế cho thấy, nhiều ý kiến của Hội đã được các cơ quan chức năng tiếp thu, trả lời và xử lý kịp thời.  

Đơn cử như trong vụ án tranh chấp quyền nuôi con sau ly hôn tại TP Hồ Chí Minh. Lo ngại sau khi cha mẹ ly hôn, trẻ sống với mẹ sẽ có nguy cơ bị bạn trai của mẹ xâm hại tình dục, Toà án nhân dân quận 5 đã ra quyết định buộc người mẹ phải giao con cho bố đẻ của trẻ. Tuy nhiên 10 tháng sau đó, Toà án nhân dân quận 5 lại ban hành văn bản huỷ quyết định trên và yêu cầu ông bố trả trẻ về cho người mẹ nuôi dưỡng, mặc kệ những phản ứng mạnh mẽ của trẻ: viết thư yêu cầu được ở với bố; sợ hãi khóc lóc khi bị yêu cầu quay về với mẹ; trẻ tiếp tục kể lại những hành vi xâm hại tình dục của bạn trai mẹ,... Khi Toà án ra quyết định này, người mẹ vẫn đang tiếp tục sống cùng người bạn trai mà trẻ kể là có hành vi xâm hại mình. Căn cứ vào đơn của người bố và bức thư do trẻ gửi tới, Hội đã có công văn đề nghị Tòa án nhân dân quận 5 – TP Hồ Chí Minh xem xét các nội dung sau: khi ra quyết định về quyền chăm sóc và nuôi dưỡng cần lắng nghe ý kiến và nguyện vọng của trẻ; xem xét về sự an toàn của trẻ trong quá trình sống cùng mẹ; xem xét về yếu tố tâm lý của trẻ khi ban hành quyết định yêu cầu người bố trao trả con về cho người mẹ và từ đó đề xuất kiến nghị việc thay đổi Chánh án xử lý vụ việc có kinh nghiệm làm việc với trẻ em để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho trẻ và bảo vệ trẻ trước nguy cơ bị xâm hại tình dục; đồng thời để người bố tiếp tục nuôi dưỡng trẻ cho tới khi bản án cuối cùng vụ án tranh chấp quyền nuôi con có hiệu lực pháp luật. Những kiến nghị của Hội đã được Tòa án nhân dân quận 5 - TP Hồ Chí Minh tiếp thu.

Một vụ việc nữa vào cuối tháng 12/2021, bé gái 8 tuổi bị bạn gái của bố bạo hành dẫn tới tử vong tại TP Hồ Chí Minh đã gây xôn xao dư luận. Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh đã cử luật sư Trần Thị Ngọc Nữ hỗ trợ gia đình thực hiện các thủ tục pháp lý và đã có công văn gửi tới các cơ quan liên quan tại TP Hồ Chí Minh đề nghị tăng cường các biện pháp bảo vệ trẻ em và xử lý nghiêm vụ việc. Ngày 29/12/2021, Hội cũng đã có công văn gửi tới Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Bình Thạnh kiến nghị thay đổi tội danh đối với bị can thực hiện hành vi bạo hành trẻ đến tử vong và khởi tố bố đẻ của cháu bé với tư cách là đồng phạm trong vụ việc. Kiến nghị của Hội đã được cơ quan điều tra tiếp thu;... Hiện nay, Luật sư Ngọc Nữ vẫn đang tiếp tục đồng hành cùng gia đình của trẻ trong quá trình thực hiện các thủ tục pháp lý.

Từ những ý kiến của Hội và phản ánh của báo chí, dư luận xã hội càng quan tâm hơn tới công tác đảm bảo quyền trẻ em, giúp phòng ngừa những trường hợp vi phạm quyền trẻ em tương tự có thể xảy ra. Chúng tôi ghi nhận và rất cảm ơn các cơ quan báo chí, truyền thông đã giúp việc thực thi quyền trẻ em ngày càng tốt hơn.

Cán bộ Hội đang giới thiệu về các tài liệu truyền thông của Hội
Cán bộ Hội đang giới thiệu về các tài liệu truyền thông của Hội

PV: Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam được thành lập từ năm 2008 và với nhận thức về tầm quan trọng của cơ quan báo chí như vậy, nhưng tới nay, theo sự cấp phép của Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội mới thành lập được cơ quan báo chí với tên gọi Tạp chí Trẻ em Việt Nam. Xin bà cho biết sự cần thiết của việc thành lập Tạp chí?

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa: Không riêng tôi và các cán bộ lãnh đạo Hội nhiệm kỳ này, mà các vị lãnh đạo Hội nhiều nhiệm kỳ trước cũng đã có mong muốn thành lập một cơ quan báo chí để thực hiện công tác truyền thông chuyên biệt cho Hội và công tác Hội, trong đó trọng tâm truyền thông về thực thi quyền trẻ em ở Việt Nam. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân khách quan, đến nay Hội mới thành lập cơ quan báo chí riêng của mình.

Thực tế, thông tin về trẻ em từ lâu luôn là chủ đề nóng trên các báo, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Nhất là những vấn đề về xâm hại, bạo lực, trẻ em vi phạm pháp luật, rồi các vấn đề trong gia đình liên quan đến nuôi dạy trẻ, những vấn đề xã hội liên quan đến cuộc sống của trẻ em;...

Những năm gần đây, nhiều bài viết trên báo chí, mạng xã hội liên quan đến trẻ em đã góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi, hành động của các cấp, các ngành, của mỗi người dân trong xã hội. Bởi, mục đích chính của thông tin này nhằm tác động rộng rãi đến các tổ chức, cá nhân trong xã hội, thậm chí là các nhà hoạch định chính sách, vì quyền và lợi ích của trẻ em. Đây cũng là một trong những nội dung truyền thông chính của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.

Vì những điều đó, bên cạnh việc tiếp tục tăng cường hợp tác hiệu quả với các cơ quan báo chí nói chung, các kênh truyền thông phi truyền thống trên internet, Hội Bảo vệ quyền Trẻ em Việt Nam cần có một cơ quan báo chí riêng, để tăng tính chủ động, chuyên biệt trong truyền thông về thực thi quyền trẻ em, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ quyền trẻ em.

PV: Vậy bà và lãnh đạo Hội kỳ vọng, gửi gắm gì đối với đội ngũ cán bộ phóng viên của Tạp chí Trẻ em Việt Nam?

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa: Như tôi đã chia sẻ, Hội mong muốn Tạp chí Trẻ em Việt Nam sẽ thực hiện tốt tôn chỉ, nhiệm vụ được giao, giúp Hội tăng tính chủ động, chuyên biệt trong truyền thông về thực thi quyền trẻ em, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ quyền trẻ em.

Tạp chí mới được thành lập, đội ngũ cán bộ phóng viên đang hình thành nhưng tôi tin tưởng lãnh đạo và các cán bộ phóng viên, nhân viên của Tạp chí sẽ làm tốt nhiệm vụ công tác được giao.

Tôi có suy nghĩ như thế này, xin gửi tới các biên tập viên, phóng viên của Tạp chí Trẻ em Việt Nam nói riêng và các cơ quan báo chí, truyền thông nói chung. Trẻ em luôn là đối tượng trong sáng, dễ bị xâm hại, cần được bảo vệ. Đưa tin, phản ánh liên quan đến trẻ em là một trong những thách thức không nhỏ đối với mỗi cơ quan báo chí. Tôi mong muốn, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, các biên tập viên, phóng viên cũng cần giữ vững đạo đức nghề nghiệp, cái tâm của người làm báo. Phải luôn đặt lợi ích của trẻ lên trên hết, để bài báo mang đúng nghĩa “bảo vệ trẻ em”. Tuyệt đối tránh để trẻ em “vô tình” bị xâm hại một lần nữa bởi bài viết thiếu cân nhắc.

Tôi cũng mong rằng, Tạp chí Trẻ em Việt Nam sẽ trở thành cánh tay nối dài của Hội Bảo vệ quyền trẻ em trong công tác truyền thông bảo vệ trẻ em. Các nội dung đăng tải trên Tạp chí phải có tính thiết thực, hấp dẫn, thu hút bạn đọc, trong đó có cả bạn đọc là trẻ em, góp phần làm thay đổi nhận thức, hành vi của tổ chức, cá nhân, để trẻ em luôn được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh và phát triển toàn diện.

Nhân dịp ra mắt Tạp chí Trẻ em Việt Nam, tôi chúc Tạp chí thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh của mình, mọi hoạt động luôn với mục tiêu vì quyền và lợi ích của trẻ em.

PV: Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!

Phạm Lan thực hiện

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận