07:55 28/08/2022

Kết nối các tổ chức xã hội bảo vệ quyền trẻ em

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Song Hà

Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã có nhiều hoạt động cụ thể, huy động sức mạnh cộng đồng, mạng lưới cùng chung tay bảo vệ quyền trẻ em tại Việt Nam.

Góp ý xây dựng chính sách

Tại Khoản 4 Điều 92 Luật Trẻ em 2016 quy định về các tổ chức xã hội, có quy định trách nhiệm của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam: “… có trách nhiệm tổ chức việc kết nối, thu thập thông tin, kiến nghị của các tổ chức xã hội và của trẻ em chuyển đến các cơ quan nhà nước để góp ý, tư vấn cho việc xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật về quyền trẻ em; tham gia giám sát thực hiện quyền trẻ em; phát biểu chính kiến và kiến nghị của Hội đối với các cơ quan nhà nước có liên quan về các vấn đề về trẻ em và việc vi phạm pháp luật về trẻ em”.

Thực hiện theo quy định trách nhiệm mình, Hội đã có nhiều hoạt động cụ thể huy động sức mạnh cộng đồng, mạng lưới cùng chung tay bảo vệ quyền trẻ em tại Việt Nam trong thời gian qua. Đó là tăng cường sự phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội thông qua các Chương trình như: Ký kết chương trình phối hợp giữa Hội với TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, TW Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và thực hiện quyền, bổn phận của trẻ em giai đoạn 2017-2022; ký chương trình phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam giai đoạn 2016-2018 tổ chức các hoạt động truyền thông về pháp luật liên quan đến trẻ em thúc đẩy cuộc vận động xã hội tham gia bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, thực hiện quyền trẻ em; tăng cường trao đổi thông tin, phát hiện điển hình tập thể, cá nhân làm tốt công tác trẻ em, phối hợp lên tiếng bảo vệ trẻ em bị xâm hại...

anh 3
Nhóm CRWG tham gia phiên giải trình về Báo cáo bổ sung CRC.

Với vai trò điều phối Mạng bảo vệ quyền trẻ em (Crnet) có hơn 40 tổ chức, cá nhân làm việc trong lĩnh vực trẻ em, Hội đã tổ chức những hội thảo, tập huấn chuyên môn và tổ chức thành công 4 Diễn đàn với tham dự của đại diện các Bộ, ngành, cơ quan Nhà nước và các tổ chức xã hội. Sau mỗi Diễn đàn, Hội tổng hợp thành một bản khuyến nghị tùy theo nội dung và chủ đề Diễn đàn gửi tới các cơ quan Nhà nước có liên quan để góp ý xây dựng chính sách phù hợp nhằm bảo vệ quyền của trẻ em.

Tham vấn báo cáo bổ sung

Đặc biệt, với vai trò đồng Chủ tịch của nhóm Công tác về quyền trẻ em (CRWG), Hội đã tham gia tích cực trong xây dựng Báo cáo bổ sung về việc thực hiện Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em lần thứ 5+6. Đây là bản báo cáo bổ sung của các tổ chức làm việc về trẻ em đưa ra những đánh giá còn thiếu trong báo cáo quốc gia của Chính phủ, nhằm xác định các khoảng trống trong hệ thống luật pháp và trong việc thực thi các quan sát kết luận của Ủy ban Quyền trẻ em giai đoạn 2012-2017 đối với Việt Nam. Báo cáo do CRWG thực hiện cũng được cập nhật, bổ sung thêm thông tin về những thay đổi trong chính sách, văn bản pháp luật và việc thực thi quyền trẻ em trong giai đoạn từ 2019-2022 đặc biệt là trong bối cảnh trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và cũng được gửi tới Ủy ban Quyền trẻ em của Liên hợp quốc (Ủy ban CRC).

Để báo cáo có chất lượng và phản ánh đúng thực tiễn trong việc thực hiện quyền trẻ em tại Việt Nam, Hội đã chủ trì tổ chức nhiều hội thảo tham vấn ý kiến đóng góp của các TCXH làm trong công tác trẻ em tại 3 miền Bắc, Trung, Nam. Cùng với đó, Báo cáo bổ sung cũng đã được chuyển thể sang phiên bản thân thiện với trẻ em và  Hội đã tổ chức tham vấn lấy ý kiến của khoảng 400 trẻ em tại nhiều tỉnh/thành phố về những nội dung liên quan tới quyền trẻ em được đề cập trong báo cáo, từ đó có những ý kiến, đề xuất của trẻ em về vấn đề thực hiện quyền trẻ em tại Việt Nam.

Bản báo cáo cũng đã được chia sẻ với các cơ quan Nhà nước như Bộ LĐTB&XH, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội… thể hiện được vai trò và trách nhiệm của các TCXH trong công tác bảo vệ quyền trẻ em tại Việt Nam.

Năm 2019, Báo cáo bổ sung đã được gửi tới Ủy ban CRC và Hội cũng đã tham gia phiên điều trần trực tuyến trước Ủy ban CRC về các nội dung trong báo cáo vào năm 2020. Có thể nói rằng báo cáo bổ sung do các TCXH gửi tới Ủy ban sẽ góp phần thể hiện được sự tham gia tích cực của các tổ chức trong thực hiện và tham gia giám sát việc thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban CRC mà Việt Nam đã chấp nhận.

Trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục có những hoạt động để thúc đẩy hơn nữa sự tham gia có hiệu quả của các tổ chức xã hội làm về trẻ em, phát huy sức mạnh cộng đồng cùng “Chung tâm - Chung trí - Chung sức bảo vệ quyền trẻ em”.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận