Bệnh do virus Adeno từng bùng phát thành dịch tại Việt Nam nguy hiểm ra sao?
Adeno được biết đến là loại virus gây bệnh cúm. Tuy nhiên, gần đây, nhiều ca bệnh viêm gan bí ẩn được ghi nhận có liên quan tới virus này.
Bệnh viện Nhi Trung ương vừa có cảnh báo về số lượng trẻ nhập viện do mắc virus Adeno trong thời điểm giao mùa gia tăng đột biến.
Tính đến ngày 12/9/2022, tổng số ca nhiễm Adenovirus được ghi nhận tại bệnh viện là 412 ca, nhiều hơn cả năm 2021 và tăng hơn 44,1% so với cùng kỳ, trong đó đã có 6 trường hợp bệnh nhi tử vong có nhiễm virus Adeno.
Chỉ tính riêng trong tuần từ 5 - 11/9, bệnh viện đã ghi nhận 151 trường hợp dương tính với Adenovirus, tăng gần 2,2 lần so với tuần trước đó.
Thông tin lưu trữ từ Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: Bệnh do virus Adeno lưu hành rộng rãi trên toàn thế giới. Ở vùng ôn đới, bệnh xảy ra trong suốt năm, nhưng tần số mắc cao hơn vào mùa Xuân.
Đã có các vụ dịch sốt viêm họng - kết mạc do virus Adeno trong mùa Hè, liên quan đến bể bơi, xảy ra ở nhiều nơi. Dịch viêm kết mạc xuất huyết do virus Adeno cũng đã xảy ra lần đầu ở Ghana năm 1969 và Indonesia năm 1970. Sau đó, đã có một số vụ dịch xuất hiện ở vùng nhiệt đới Châu Á, Châu Phi, Trung và Nam Mỹ, vùng Caribe, các đảo Thái Bình Dương và một số nơi của Florida và Mexico. Một số vụ dịch nhỏ cũng xảy ra ở châu Âu và những người tị nạn Đông Nam Á ở Hoa Kỳ.
Tại Việt Nam, bệnh do virus Adeno lưu hành rộng rãi ở nhiều nơi trong cả nước. Bệnh thường xảy ra tản phát trong suốt năm, có năm xảy ra dịch và tần số mắc bệnh thường tập trung vào những tháng Xuân - Hè nên rất dễ nhầm lẫn với bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus khác vào mùa Xuân hoặc với bệnh sốt dengue vào đầu mùa Hè, khi bệnh không có thể viêm kết mạc cấp (đau mắt đỏ) nổi trội.
Số mắc trung bình năm của thời kỳ 1996-2000 ở Việt Nam là 17.486 với tỷ lệ 23/100.000 dân, không có tử vong.
Trong số đó, miền Bắc mắc 15.945 với tỷ lệ 47,3/100.000 dân; miền Trung mắc 438 với tỷ lệ 4/100.000 dân; miền Nam mắc 932 với tỷ lệ 3,4/100.000 dân và Tây Nguyên mắc 170 với tỷ lệ 6,1/100.000 dân.
Những năm xảy ra dịch lớn như năm 1994 có tỷ lệ mắc là 70,5/100.000 dân; năm 1996 với tỷ lệ 35,9/100.000 dân và năm 1999 với tỷ lệ mắc là 30,7/100.000 dân.
Nguồn truyền nhiễm, thời gian ủ bệnh và thời kỳ, phương thức lây truyền của virus Adeno, theo Cục Y tế dự phòng được xác định như sau:
- Ổ chứa Adenovirus là người. Bệnh nhân là nguồn truyền nhiễm trong suốt thời kỳ mắc bệnh.
- Thời gian ủ bệnh: Khoảng từ 5 - 12 ngày, trung bình là 8 ngày, nhưng cũng có thể dài hơn 12 ngày.
- Thời kỳ lây truyền. Bệnh bắt đầu lây truyền vào cuối thời kỳ ủ bệnh và kéo dài đến 14 ngày sau khi phát bệnh, hoặc có thể lâu hơn khi cơ thể vẫn còn đào thải virus ra ngoài.
Phương thức lây truyền:
Bệnh lây truyền do tiếp xúc trực tiếp giữa người với người qua đường hô hấp; có thể lây qua niêm mạc do bơi lội hoặc nguồn nước rửa bị ô nhiễm dịch tiết từ mắt, mũi hang, phân của bệnh nhân hoặc tiếp xúc gián tiếp qua đồ dùng của bệnh nhân bị nhiễm virus Adeno.
Sự lây truyền của bệnh thường xảy ra ở phòng khám bệnh, đặc biệt là ở phòng khám mắt. Các nhân viên y tế dễ bị lây bệnh và từ đó có thể là nguồn lây truyền sang những thành viên khác trong gia đình và những người xung quanh. Bệnh cũng có thể lây truyền qua giọt nước bọt như những hạt khí dung (aerosol) bằng đường hô hấp hoặc lây truyền qua bể bơi bị nhiễm virus Adeno.
Để giảm thiểu lây nhiễm virus Adeno, người dân cần lưu ý:
- Luôn sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt.
- Vào mùa mưa, lũ lụt, nên tiến hành khử trùng nước giếng bằng cloramin B.
- Chú ý giữ gìn vệ sinh cá nhân và nơi ở, tránh sử dụng chung khăn mặt với người khác. Bạn nên thường xuyên giặt khăn mặt bằng xà phòng.
- Thường xuyên rửa tay với xà phòng hay dung dịch sát khuẩn.
- Kiểm tra thường xuyên tiêu chuẩn vệ sinh nước, vệ sinh môi trường, nhất là ở những bể bơi công cộng.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất