10:13 15/07/2025

Cảnh báo viêm mũi xoang dị ứng ở trẻ: Đừng chủ quan với mạt bụi nhà

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam An Nhiên

Bé trai 9 tuổi bị viêm mũi xoang dị ứng kéo dài suốt 2 năm, nguyên nhân đến từ một “thủ phạm” phổ biến nhưng thường bị bỏ qua: mạt bụi nhà.

Bé N.Q.H (TP. Hồ Chí Minh) thường xuyên bị hắt hơi, sổ mũi, ngứa mũi, đặc biệt khi thời tiết thay đổi hoặc tiếp xúc với khói bụi, khói thuốc. 1 tháng gần đây, tình trạng bé nặng hơn với nghẹt mũi hai bên, phải há miệng thở khi ngủ, kèm theo mệt mỏi, đau đầu và ho đờm.

viemxoang
Nếu trẻ có biểu hiện hắt hơi, nghẹt mũi, chảy nước mũi trong kéo dài, ho đêm... hãy đưa trẻ đi khám chuyên khoa Tai mũi họng hoặc Dị ứng miễn dịch. Ảnh minh họa.

Sau khi thăm khám và thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán tại Phòng khám MEDLATEC Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh), bác sĩ xác định bé bị viêm mũi xoang dị ứng quanh năm. Kết quả xét nghiệm cho thấy, chỉ số IgE đặc hiệu tăng cao với dị nguyên mạt bụi nhà – một sinh vật không nhìn thấy bằng mắt thường, thường sống trong chăn, nệm, gối, thảm… Nếu không được phát hiện và xử lý, mạt bụi có thể gây dị ứng kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe trẻ em có cơ địa mẫn cảm.

Sau gần 1 tháng điều trị theo đúng phác đồ, các triệu chứng của bé H. đã thuyên giảm rõ rệt. Trẻ ăn ngủ tốt hơn, không còn nghẹt mũi hay ho đêm, chất lượng cuộc sống cải thiện đáng kể.

Theo ThS.BS Trần Minh Dũng – chuyên khoa Tai Mũi Họng (Phòng khám MEDLATEC Gò Vấp), viêm mũi xoang dị ứng là bệnh lý khá phổ biến, ảnh hưởng đến 10-30% dân số, trong đó trẻ em chiếm tỷ lệ không nhỏ. Dù không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng bệnh kéo dài gây khó chịu, giảm tập trung học tập, sinh hoạt và làm tăng nguy cơ biến chứng hô hấp.

Làm gì để phòng tránh?

Để ngăn ngừa viêm mũi xoang dị ứng, đặc biệt do mạt bụi nhà, bác sĩ Dũng khuyến cáo:

  • Giữ không gian sống sạch, khô thoáng, độ ẩm dưới 50%;
  • Giặt giũ chăn, gối bằng nước ≥55°C mỗi tuần, dùng bọc ngăn bụi cho nệm, gối;
  • Hạn chế thảm trải sàn, thú nhồi bông, rèm vải trong phòng ngủ;
  • Hút bụi bằng máy có lọc HEPA; sử dụng máy lạnh hoặc hút ẩm thay vì máy phun sương;
  • Đưa trẻ đi khám khi có triệu chứng kéo dài như hắt hơi, nghẹt mũi, ho đêm…

Cha mẹ cần trang bị kiến thức để nhận biết sớm các dấu hiệu bất thường và chủ động đưa trẻ đi khám chuyên khoa khi cần thiết. Nếu trẻ có biểu hiện hắt hơi, nghẹt mũi, chảy nước mũi trong kéo dài, ho đêm... hãy đưa trẻ đi khám chuyên khoa Tai mũi họng hoặc Dị ứng miễn dịch. Trong đó, việc lựa chọn cơ sở y tế uy tín đóng vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán đúng nguyên nhân và xây dựng phác đồ điều trị phù hợp.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận