08:15 14/03/2023

Bệnh thủy đậu ở trẻ: Những điều cha mẹ cần biết

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Tuệ Anh

Trẻ em là đối tượng thường xuyên mắc bệnh thủy đậu, có tới 90% số bệnh nhân là trẻ em trong độ tuổi từ 1-14 tuổi. Đối với trẻ sơ sinh có hệ miễn dịch chưa trưởng thành thường có các triệu chứng nặng hơn những đối tượng khác.

Bài viết này thuộc chuyên đề Các bệnh thường gặp ở trẻ em

Trẻ nhỏ có hệ miễn dịch yếu, các hệ thống trong cơ thể chưa phát triển hoàn thiện như ở người lớn. Khi chuyển mùa, nhiệt độ đột ngột thay đổi, độ ẩm trong không khí tăng cao, môi trường bụi bẩn, độc hại tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus

Xem thêm

NỘI DUNG:

  1. Nguyên nhân gây bệnh thủy đậu
  2. Các giai đoạn phát triển bệnh
  3. Trẻ có thể lây bệnh từ đâu?
  4. Bệnh thủy đậu ở trẻ có tái phát không?

Bệnh thủy đậu ở trẻ em bùng phát chủ yếu vào mùa đông xuân, lây lan nhanh qua đường hô hấp và tiếp xúc với người bệnh. Triệu chứng của bệnh thủy đậu ở trẻ em sẽ thể hiện qua 4 giai đoạn phát triển, các dấu hiệu của bệnh cũng khác nhau ở mỗi giai đoạn.

Bệnh thủy đậu là gì? 

Theo bác sĩ chuyên khoa II Lê Thanh Cẩm - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng chia sẻ trên website Vinmec.com, bệnh thủy đậu (hay còn gọi là trái rạ) là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thủy đậu có tên Varicella - Zoster gây ra. Loại virus này là tác nhân gây ra bệnh thủy đậu ở trẻ em và bệnh zona ở người lớn. 

Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm và lây truyền từ người sang người bằng cách tiếp xúc trực tiếp, lây lan qua không khí từ các giọt nước bọt nhỏ li ti được tiết ra từ đường hô hấp (ho, hắt hơi, nói chuyện) hoặc lây từ các chất dịch ở những nốt phỏng. 

benh-thuy-dau-o-tre-em-1
Có tới 90% số bệnh nhân là trẻ em trong độ tuổi từ 1-14 tuổi mắc bệnh thủy đậu (Ảnh: Internet).

Đây là bệnh có khả năng lây lan nhanh chóng, xảy ra phổ biến ở trẻ em, tuy nhiên người lớn vẫn có thể mắc bệnh. Tuy nhiên, cha mẹ không nên quá lo lắng vì bệnh thủy đậu được đánh giá là bệnh lành tính.

Mùa xuân thời tiết nồm ẩm là thời điểm bệnh thủy đậu bùng phát mạnh nhất. Lúc này, thời tiết giao mùa dễ tạo điều kiện, môi trường cho virus phát triển, lây lan. 

Các giai đoạn phát triển bệnh

Thông thường, bệnh thủy đậu sẽ có thời gian ủ bệnh rơi vào khoảng từ 10 - 20 ngày trước khi chính thức phát bệnh. Trong giai đoạn ủ bệnh, người bị thủy đậu sẽ không có bất kỳ biểu hiện bất thường nào. 

Khi đã phát bệnh, các triệu chứng của thủy đậu sẽ gây ra các nốt phát ban có độ phồng rộp, khiến trẻ có cảm giác ngứa ngáy khó chịu, cùng đó trẻ có thể bị sốt và cảm thấy mệt mỏi. 

Có rất nhiều dấu hiệu để nhận biết con mắc bệnh thủy đậu, trong đó có những dấu hiệu điển hình và dấu hiệu không điển hình. Bệnh thủy đậu có 4 giai đoạn phát triển, mỗi giai đoạn có dấu hiệu khác nhau, cụ thể: 

Giai đoạn ủ bệnh: (Từ 10 - 20 ngày sau khi nhiễm virus Varicella – Zoster) Ở giai đoạn này, cha mẹ chưa thể nhận biết con mắc thủy đậu. Bởi bệnh chưa có những biểu hiện rõ ràng.

Giai đoạn khởi phát: Thời điểm bắt đầu khởi phát bệnh, trẻ sẽ xuất hiện những triệu chứng như sốt nhẹ, nhức đầu, cơ thể mệt mỏi. Trẻ bắt đầu có triệu chứng phát ban đỏ trong khoảng 24 - 48 tiếng đầu khi bệnh bắt đầu khởi phát. Một số trẻ có thể xuất hiện hạch sau tai kèm viêm họng.

bệnh thủy đậu
Ở giai đoạn khởi phát, trẻ bắt đầu có dấu hiệu nổi ban đỏ, sốt cao và mệt mỏi (Ảnh: Internet).

Giai đoạn toàn phát: Lúc này, trẻ bắt đầu có dấu hiệu sốt cao, chán ăn, buồn nôn, mệt mỏi, đau đầu và cơ,... Các nốt ban đỏ bắt đầu có những nốt phỏng nước hình tròn, đường kính từ 1 - 3 mm. Các mụn nước gây ngứa và rát, rất khó chịu.

Những nốt mụn nước này xuất hiện toàn thân, mọc kín trên cơ thể bệnh nhân. Mọc cả vào niêm mạc miệng gây khó khăn trong việc ăn uống. Một số trường hợp trẻ bị nhiễm trùng mụn nước có kích thước lớn hơn, dịch bên trong mụn nước màu đục do chứa mủ.

Giai đoạn lui bệnh (hồi phục): Sau từ 7 - 10 ngày phát bệnh, các mụn nước sẽ tự vỡ ra, khô lại, bong vảy và dần dần hồi phục. Trong giai đoạn này, cha mẹ cần vệ sinh các vết thủy đậu cho trẻ một cách cẩn thận, tránh để nhiễm trùng. Kết hợp sử dụng các loại thuốc trị sẹo, thuốc trị thâm. Bởi thủy đậu rất dễ để lại sẹo rỗ (lõm) cho trẻ sau khi chúng biến mất.

Trẻ có thể lây bệnh từ đâu?

Theo thông tin từ Bệnh viện Hồng Ngọc, bệnh thủy đậu có thể xảy ra đối với trẻ em ở mọi lứa tuổi. Từ 1-3 tuần sau khi tiếp xúc với bệnh thủy đậu, trẻ có thể cảm thấy ổn trước khi các dấu hiệu của bệnh bắt đầu khởi phát.

Trước khi có dấu hiệu bị bệnh từ một ngày đến sau khi xuất hiện phát ban trên da khoảng năm ngày chính là thời điểm trẻ em có thể lây virus qua các con đường chính như sau:

  • Trẻ tiếp xúc với người bị bệnh thủy đậu
  • Hít thở không khí từ người bị bệnh khi hắt hơi hoặc ho.
  • Tiếp xúc với chất lỏng từ mắt, mũi hoặc miệng của trẻ bị nhiễm trùng.

Bệnh thủy đậu ở trẻ có tái phát không?

Trên thực tế, rất hiếm trường hợp trẻ bị tái phát bệnh thủy đậu. Vì sau khi bị thủy đậu lần đầu tiên, cơ thể đã tự tạo miễn dịch với loại bệnh này. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng virus gây bệnh thủy đậu đi sâu và tồn tại trong các rễ thần kinh sẽ tái hoạt động trở lại một khi hệ miễn dịch của trẻ suy yếu và gây nên bệnh zona thần kinh.

20221105_thuy-dau-o-tre-em-1
Các em nhỏ chưa đủ độ tuổi tiêm phòng vắc-xin thủy đậu, hệ miễn dịch còn non yếu là đối tượng rất dễ mắc bệnh thủy đậu (Ảnh: Internet).

Ngoài ra, đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi hoặc người bị thủy đậu lần đầu ở mức nhẹ, sau lần mắc bệnh các kháng thể sinh ra chưa đủ để tiêu diệt sự tấn công của virus thủy đậu trong những lần tiếp theo thì khả năng tái nhiễm vẫn xảy ra nhưng bệnh ở mức độ nhẹ và nhanh khỏi hơn, các triệu chứng cũng bớt nghiêm trọng hơn so với lần đầu tiên. 

Tổng hợp

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận