17:42 08/09/2022

Hậu quả đáng tiếc khi tự trị bỏng cho trẻ tại nhà bằng thuốc nam

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Tâm An

Ngay sau khi sơ cứu trẻ bị bỏng, gia đình cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa bỏng để được khám và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không đắp các loại lá, loại thuốc không đúng lên vết thương gây nguy hiểm cho trẻ.

Ngày 8/9, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tiếp nhận điều trị cho bệnh nhi H.T.B. (5 tuổi, trú tại huyện Nghi Lộc, Nghệ An) bị nhiễm trùng, nhiễm độc do gia đình đắp thuốc nam trị bỏng cho con.

Trước đó, bé được đưa vào bệnh viện trong tình trạng bỏng nước sôi 33% vùng ngực bụng, lưng, 2 tay, 2 đùi, bộ phận sinh dục, toàn bộ đều đắp thuốc lá và có mùi hôi.

Gia đình cho biết, sau khi bé bị bỏng, gia đình không đưa con đến bệnh viện mà cho bé đắp thuốc lá của một thầy lang vườn. Sau 1 tuần đắp thuốc lá, bệnh tình bé không thuyên giảm, thể trạng trẻ yếu, nằm mệt, vùng bỏng không khỏi xuất hiện mủ kèm theo nôn ra máu, đi ngoài phân đen. Ngay lập tức, gia đình đưa con đi cấp cứu.

benh
Vết thương của bệnh nhi bị nhiễm độc, nhiễm trùng do gia đình đắp thuốc nam trị bỏng. Ảnh: phunuvietnam

Sơ cứu bỏng sai cách – Nguyên nhân khiến tình trạng bỏng nặng thêm

Theo BSCKII. ThS Phùng Công Sáng – Phụ trách Đơn vị Bỏng – Phó Trưởng khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Dù đã có rất nhiều cảnh báo về các biến chứng nặng nề có thể gặp phải khi đắp lá cây theo kinh nghiệm mà chưa được khoa học kiểm chứng để xử lý vết thương, vết bỏng, tuy nhiên vẫn nhiều gia đình tự ý điều trị tại nhà, dẫn đến các hậu quả đáng tiếc đã xảy ra.

Da trẻ em mỏng và liên kết giữa các lớp lỏng lẻo hơn người lớn nên vết bỏng thường nặng và sâu hơn. Đặc biệt, trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, hệ miễn dịch còn yếu nên nguy cơ nhiễm trùng vùng bỏng cũng như sốc bỏng cao hơn dù diện tích bỏng không lớn. Do đó, khi trẻ bị bỏng cần được sơ cứu sớm và đúng cách.

- Nếu trẻ bỏng do nước sôi, bỏng hơi, cháo: Ngay khi trẻ bị bỏng cần ngâm bộ phận bị bỏng (tay, chân) vào trong nước sạch, mát (từ 16 đến 20 độ C, tốt nhất trong 30 phút đầu sau khi bị bỏng).

Nếu trẻ bị bỏng vùng mặt thì dùng khăn ướt mềm đắp vào mặt, nếu diện bỏng rộng thì cần chú ý giữ ấm cho trẻ ở những phần không bị bỏng.

thuocnam
Ảnh minh họa. Nguồn: BV Nhi TƯ

- Đối với trẻ bị bỏng điện: Nhanh chóng tách nạn nhân với nguồn điện (ngắt cầu dao, dùng gậy gỗ gạt dòng điện cao) và đưa người bệnh đến nơi thoáng mát.

Gia đình cần tiến hành đánh giá hô hấp tuần hoàn, ý thức trẻ và tìm xem các chấn thương khác nếu có ngã kèm theo, để tìm cách sơ cứu cho đúng, tránh làm tổn thương cột sống cổ hoặc các chi của trẻ. Nếu trẻ ngừng tuần hoàn thì tiến hành ép tim ngoài lồng ngực đúng cách đồng thời gọi y tế hỗ trợ.

-  Đối với trẻ bị bỏng hóa chất: Rửa ngay vùng bị bỏng bằng nước sạch càng nhiều càng tốt. Nếu bỏng mắt do hóa chất cần được rửa mắt bằng cách ngụp mặt vào chậu nước và chớp mắt liên tục cho hoá chất trôi ra hết.

Nhanh chóng tháo bỏ ngay quần áo bị dính hóa chất. Không cởi quần áo người bị bỏng rất dễ gây lột da, tốt nhất là nên cắt, xé bỏ quần áo dính hoá chất.

Bác sĩ lưu ý, ngay sau khi sơ cứu, gia đình cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa bỏng để được khám và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không nghe theo lời mách bảo của những người không có chuyên môn, đắp các loại lá, loại thuốc không đúng lên vết thương gây nguy hiểm cho trẻ.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận