Ngậm ngùi đọc thư học sinh lớp 11 gửi Bộ trưởng giáo dục
“Cháu sợ khi chứng kiến cảnh tượng anh chị sinh năm 2000 thi cử, sợ từ khi bước chân vào trường cấp ba, chưa năm nào kỳ thi THPT quốc gia ổn định”, Minh Anh viết.
Trên diễn đàn học nhóm dành cho thí sinh thi THPT quốc gia, tâm sự của Minh Anh (tên đã thay đổi) – học sinh lớp 11 tại Đà Nẵng – gửi Bộ trưởng GD&ĐT nhận được sự quan tâm của dư luận.
Trao đổi với PV, Minh Anh cho biết em viết bức thư này trong một buổi tối lo lắng khi không biết năm sau sẽ học và ôn thi như thế nào. Mọi thay đổi của giáo dục đều ảnh hưởng trực tiếp đến học sinh nhưng học sinh thường không được lấy ý kiến, lên tiếng.
Sợ thi cử ngay từ khi bước chân vào trường phổ thông
Cháu là học sinh khóa 2001, một thế hệ mới, một tương lai mới của đất nước. Thế hệ của cháu có thành đạt hay không đều phụ thuộc vào quá trình giáo dục và đào tạo mà thi cử giữ vai trò quyết định.
Trước tiên, cháu cảm thấy sợ khi chứng kiến cảnh tượng các anh chị khóa 2000 thi cử với những câu hỏi không thể khó hơn. Khó vì phạm vi ôn tập quá rộng. Khó vì thời gian làm bài quá ít. Khó vì phải dồn 3 môn vào một tổ hợp trong một buổi. Khó vì phải làm trắc nghiệm mà như làm tự luận, giải cả trang giấy vẫn chưa ra kết quả. Khó bởi vì cả giáo viên lẫn giáo sư cũng không thể làm được hết đề thi trong thời gian quy định.
Thực ra, cháu sợ ngay từ khi đặt chân vào trường THPT, khi chưa năm nào kỳ thi THPT quốc gia ổn định. Mỗi năm thay đổi một chút. Có năm thay đổi cách thức tổ chức thi, năm thay đổi giới hạn ôn tập, năm thì thay đổi độ phân hóa.
Chỉ một thay đổi nhỏ trong khối rubic đã làm cả hệ thống xô lệch, dạy và học phải chạy theo thi cử, giáo viên và học sinh đua nhau luyện đề, thi thử để ứng phó. Cả một bộ máy giáo dục xoay như chong chóng để chạy theo thi cử.
Cháu tự hiểu học là để thi. Nếu học không để thi, cháu không còn biết thêm ý nghĩa nào khác nữa. Nội dung cháu học, vở ghi chép cháu ghi, sách vở cháu có đều là luyện đề, giải đề, các dạng đề, cấu trúc làm đề, mẹo làm đề sao cho đạt điểm cao, giải bài sao cho đơn giản, nhanh nhất. Học sinh ngày nay chỉ biết sách vở, cái thực tế trong sách vở cũng chỉ là thực tế của những con chữ vô hồn.
Đơn giản như việc cháu nhớ công thức và giải rất tốt, rất nhanh các bài toán khó về tính lãi suất ngân hàng trong mọi tình huống. Đây là bài toán xuất hiện trong mọi mã đề thi THPT vừa qua, nhưng lý do vì sao có hàng trăm sinh viên có trình độ cao vẫn bị lừa vay tiền đóng học phí với lãi suất lên tới 180%/1 năm? Học nhiều tình huống giáo dục công dân mà không biết đó là hành vi trái pháp luật.
Đơn giản vì trong mục đích của việc học không có chỗ cho học để sống. Có 200.000 sinh viên ra trường không có việc làm, làm trái ngành nghề. Đơn giản vì trong cái mục đích của việc học không có chỗ cho học để làm.
Về mục đích của thi cử, học phải thi, đó là điều tất yếu, nhưng phải là học gì thi nấy chứ không phải thi gì học nấy. Thi để đánh giá kết quả của quá trình học tập, xem quá trình dạy và đã hiệu quả chưa. Thi cử đâu phải để hơn thua, để khóc và cười, để tạo áp lực cho học sinh.
Xét tuyển vào đại học phải dựa vào đam mê, năng khiếu của từng ngành, còn kiến thức phổ thông chỉ là nền tảng. Kiến thức phổ thông chỉ là điều kiện, môn năng khiếu mới quyết định bạn có khả năng thành công với nghề nghiệp đó hay không.
Vì vậy, đáng ra, mỗi trường đại học phải có chính sách thi tuyển riêng chứ không phải phụ thuộc một kỳ thi để rồi biến nó trở thành trò chơi sinh tử.
Công nhân làm việc 8 tiếng mỗi ngày, học sinh học 20 tiếng những ngày gần thi
Chương trình học có áp lực, quá tải không, cả xã hội này đều biết. Thế giới đấu tranh cho công nhân có 8 tiếng làm việc, còn học sinh chúng cháu có 12 tiếng, gần tháng thi là 20 tiếng để học mỗi ngày, 7 ngày học một tuần.
Vấn đề ở chỗ nếu chương trình hợp lý, chúng cháu chỉ cần học ở trường, lớp với 45 phút một tiết là đủ. Nếu phải học thêm ở ngoài, điều đó có nghĩa kiểm tra đánh giá đã vượt quá chương trình mà chúng cháu học ở trường, vượt quá sách giáo khoa.
Bộ GD&ĐT có nói đề thi không vượt quá chương trình học nhưng trong chương trình học, sách giáo khoa, không có quy định học sinh lớp 12 phải học kiến thức lớp 11, lớp 10. Đề thi để kiểm tra học sinh lớp 12 mà ôm đồm cả kiến thức lớp 11 và lớp 10 là vượt quá chương trình rồi ạ.
Bộ GD&ĐT quy định 20% kiến thức lớp 11, 10 % kiến thức lớp 10 nhưng các bác có biết để làm tốt 20% kiến thức lớp 11 và 10, chúng cháu vẫn phải học chuyên sâu, nâng cao 100% kiến thức lớp 11, lớp 10.
Các anh/chị khóa 2000 phải học cả chương trình lớp 11 chỉ để làm tốt 0,5 điểm trong đề thi môn Văn. Với một giáo viên, giới hạn đó có thể vừa sức, vì mỗi thầy cô cũng chỉ giỏi một môn chứ không phải thi và giỏi cả 6 môn như học sinh.
Cháu không tưởng tượng được khóa 2001, chúng cháu phải làm một đề thi chứa đựng khối lượng kiến thức lớn. Cháu phải nắm vững địa lý cả thế giới, lịch sử bốn nghìn năm và kho tàng văn học đồ sộ.
Cháu cũng không biết trên thế giới có nền giáo dục nào yêu cầu học sinh lớn đến như vậy. Một chiếc xe máy không thể chở quá 3 người, một ổ cứng máy tính cũng có lúc đầy, có lúc quá tải, đầu óc con người cũng vậy.
Thi cử là một chuyện, nhưng điều gì còn đọng lại sau thi cử? Những chứng chỉ ngoại ngữ hay bất cứ chứng chỉ học vấn nào trên thế giới đều có giới hạn khoảng 2 năm. Có nghĩa là sau 2 năm kiến thức không còn nguyên vẹn nữa, người học phải trau dồi lại.
Sinh viên năm nhất không thể giải được đề thi đại học, những người đi làm không thể giải được đề thi đại học vì có nhồi nhét kiến thức như thế nào vào đầu óc học sinh thì kiến thức cũng không thể đọng lại.
Hãy trả lại mục đích của việc học
Cuối cùng là nguyện vọng của cháu cũng như các bạn học sinh khóa 2001 và nhiều khóa sau đó. Chúng cháu cần giảm nhiệt tất cả kỳ thi, chuyển trọng tâm chú ý của giáo dục vào dạy và học.
Các đề thi khó nhằn, đánh đố không cần thiết, chúng cháu không cần thiết phải học nâng cao và chuyên sâu đến như vậy. Chúng cháu mong muốn Bộ GD&ĐT không mở rộng phạm vi ôn tập, bắt học sinh lớp 12 phải thi ôm đồm kiến thức lớp 11 và 10 như hiện nay.
Điều chúng cháu cần không phải đề minh họa với những dạng đề, câu hỏi định hướng luyện thi, mà là hướng dẫn giải chi tiết, phương pháp tư duy, con đường đi đến đáp án.
Nếu Bộ GD&ĐT có hướng dẫn giải chi tiết các bước làm 50 câu hỏi trong 90 phút, có hướng dẫn giải chi tiết một câu hỏi cấp độ cao trong 1,8 phút, hãy nghĩ đến việc ra một đề thi mà học sinh phải lắc đầu khoanh bừa.
Nếu Bộ GD&ĐT “nhét” được kiến thức lớp 11 và lớp 10 vào chương trình, sách giáo khoa lớp 12 của chúng cháu, có kế hoạch ôn tập kiến thức lớp 11 và lớp 10 vào 32 tuần của học sinh lớp 12 thì hãy nghĩ đến việc ra một đề thi cả 3 khối.
Nếu Bộ GD&ĐT làm được cho giáo viên toán dạy được luôn cả Khoa học Tự nhiên, giáo viên Văn dạy được luôn cả Sử, Địa, Giáo dục Công dân thì hãy nghĩ đến việc ép chúng cháu học giỏi cả 6 môn và thi 3 môn trong một buổi.
Cháu không biết mỗi lần thi cử tiết kiệm được bao nhiêu tiền nhưng cháu chỉ biết mỗi năm học sinh mất 3-4 tỷ để du học nước ngoài.
Nguồn tienphong.vn
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất