Tạo điều kiện để trẻ miền núi tiếp cận thông tin sức khỏe sinh sản hiệu quả
Trẻ vị thành niên sinh con có xu hướng báo động ở các vùng dân tộc thiểu số. Để kéo giảm tỷ lệ trẻ em gái mang thai, cần cải thiện dịch vụ y tế và giáo dục, tăng cường truyền thông phù hợp văn hóa và huy động sự hợp tác giữa các tổ chức xã hội giúp trẻ miền núi được tiếp cận thông tin sức khỏe sinh sản.
Tỷ lệ sinh con ở tuổi vị thành niên vùng dân tộc thiểu số chiếm cao nhất
Ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số cho biết: “Tại Việt Nam, số liệu mới đây cho thấy, tỷ suất sinh con ở phụ nữ độ tuổi vị thành niên (từ 15-19 tuổi) vẫn còn cao. Trên toàn quốc con số này là 42 trẻ sinh ra sống/1.000 phụ nữ; con số này cao nhất là ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc (115 trẻ) và Tây Nguyên (76 trẻ), đây đều là những nơi tập trung chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số”.
Trên phạm vi cả nước, các nghiên cứu trong và ngoài nước cho thấy khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên - nơi tập trung nhiều dân tộc thiểu số, là nơi có tỷ lệ sinh con khi đang ở tuổi vị thành niên hoặc nam giới làm cha khi chỉ mới 15, 18 tuổi... cao nhất cả nước. Cụ thể, tỷ suất phụ nữ trong tuổi vị thành niên (15-19 tuổi) sống tại khu vực Trung du và miền núi phía Bắc sinh con là 115 trẻ/1.000 phụ nữ, trong khi ở Tây Nguyên là 76. Chỉ số này ở phụ nữ nhóm dân tộc Kinh/Hoa là 28, trong khi ở dân tộc Mông là 210 trẻ.
Một chỉ số khác là làm cha ở độ tuổi 15-19. Trên cả nước, tỷ lệ này là gần 1% nhưng tập trung chủ yếu ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Đáng lưu ý, có tới gần 32% nam giới tuổi vị thành niên dân tộc Mông đã làm cha, 8% nam giới người dân tộc này trong độ tuổi 20-24 làm cha trước sinh nhật 18 tuổi. Trong khi đó tỷ lệ tảo hôn trước 15 tuổi và trước 18 tuổi ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc cao nhất trong các vùng kinh tế - xã hội trên cả nước, lần lượt là 3,3% và 34,3%.
Theo các chuyên gia, mang thai và phá thai có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống, tương lai của nhiều người trẻ tuổi, thậm chí, ảnh hưởng cả chất lượng giống nòi. Mang thai, phá thai ở tuổi vị thành niên có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng, như sức khỏe kém, có thể gây ra các biến chứng như nhiễm trùng, chảy máu, đau đớn và thậm chí tử vong. Ngoài các vấn đề tâm lý như căng thẳng, lo lắng, trầm cảm, phá thai có thể làm tăng nguy cơ vô sinh, sảy thai và sinh non ở những lần mang thai sau này…
Kiến thức về sức khỏe sinh sản của trẻ em dân tộc thiểu số còn hạn chế
Theo ông Đinh Huy Dương, nguyên Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục, Cục Dân số (Bộ Y tế), tuổi quan hệ tình dục ngày càng thấp, nhưng kiến thức, thái độ và kỹ năng liên quan sức khỏe sinh sản của vị thành niên còn khá hạn chế.
Mặc dù đã có nhiều giải pháp, nhưng tình trạng tảo hôn và mang thai ở độ tuổi vị thành niên vẫn tiếp diễn tại huyện miền núi Con Cuông, phía tây tỉnh Nghệ An. Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Con Cuông, trong 8 tháng đầu năm 2024, ghi nhận 28 trường hợp tảo hôn hoặc mang thai ở tuổi vị thành niên. Đáng chú ý, phần lớn các trường hợp mang thai đều chưa lập gia đình và đang trong độ tuổi 15 - 16.
Bà Nguyễn Hồng Nhung, Trưởng phòng Dân số, Trung tâm Y tế huyện Con Cuông cho biết, hàng năm, các viên chức dân số của xã đều vào các trường học, bản làng để tuyên truyền về vấn đề tảo hôn và sức khỏe sinh sản vị thành niên. Tuy nhiên, với đặc thù đông đồng bào dân tộc thiểu số, cùng với đó điều kiện kinh tế, nhận thức của bà con còn hạn chế.
Nhiều em đang trong độ tuổi đi học nhưng đã bỏ học để đi làm xa. Vì vậy, khi các em lập gia đình và sinh con, địa phương rất khó nắm bắt và hỗ trợ kịp thời. Điều này tạo ra không ít khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hồng, Phòng Truyền thông - Giáo dục - Chi cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Nghệ An cho biết, các cán bộ đã từng đến một trường miền núi và khám sức khỏe cho các học sinh nữ. Qua siêu âm các bác sĩ đã phát hiện được một số trường hợp học sinh mang thai, ngay cả chính các em cũng không biết. Khi đó, bản thân các em rất hoang mang, lo lắng. Có thể thấy, việc thiếu kiến thức và biện pháp tự bảo vệ bản thân về sức khỏe sinh sản đã dẫn đến việc mang thai sớm khi đang ở độ tuổi vị thành niên, thanh niên.
Lồng ghép văn hoá bản địa vào giáo dục sức khỏe sinh sản
Trao đổi với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, bà Lê Thị Thùy Dương - Giám đốc Chiến lược, Chất lượng và Hiệu quả chương trình, Tổ chức Cứu trợ trẻ em (SC) cho biết, trẻ em ở vùng dân tộc thiểu số đối mặt với nhiều khó khăn đặc thù trong việc diễn đạt cảm xúc, suy nghĩ và nhu cầu do rào cản ngôn ngữ, văn hóa, và hạn chế cơ sở hỗ trợ.
Ngôn ngữ giao tiếp hạn chế khiến trẻ khó hiểu và tiếp nhận thông tin sức khỏe sinh sản, đặc biệt khi tài liệu và giảng dạy chủ yếu bằng tiếng Việt, trong khi giáo viên và nhân viên y tế thường không sử dụng ngôn ngữ bản địa. Bên cạnh đó, địa hình cách trở và giao thông kém phát triển khiến việc tiếp cận các cơ sở giáo dục, y tế trở nên khó khăn, trong khi điều kiện kinh tế hạn hẹp khiến gia đình không đủ khả năng đầu tư vào dịch vụ hỗ trợ chuyên biệt. Thiếu dịch vụ hỗ trợ đặc thù ở vùng sâu, vùng xa làm gia tăng nguy cơ trẻ thiếu kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, và dễ bị xâm hại, đồng thời tạo thêm gánh nặng kinh tế, tâm lý cho gia đình. Đặc biệt, hạn chế về thông tin và tập quán coi tình dục là vấn đề cấm kỵ càng làm giảm khả năng truyền đạt kiến thức cho trẻ.
Chăm sóc sức khỏe vị thành niên là một vấn đề xã hội rất quan tâm, nếu không được cung cấp kiến thức đầy đủ sẽ dễ dẫn đến nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến đạo đức lối sống, việc học hành, có khả năng ảnh hưởng đến tương lai của các em, đến chất lượng dân số của toàn xã hội. Ở độ tuổi này, kiến thức, kỹ năng cơ bản để bảo vệ sức khỏe còn hạn chế. Hơn nữa, cha mẹ ở vùng dân tộc thiểu số cũng còn thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản.
“Để khắc phục những vấn đề trên, cần phát triển tài liệu SKSS song ngữ, đào tạo giáo viên bản địa, tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng, và đầu tư vào cơ sở giáo dục, y tế tại các vùng dân tộc thiểu số, nhằm tạo điều kiện để trẻ miền núi hòa nhập và tiếp cận thông tin sức khỏe sinh sản hiệu quả”, bà Lê Thị Thùy Dương nhấn mạnh.
Các tổ chức xã hội, cơ quan chức năng và cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ trẻ em và phụ huynh ở vùng dân tộc thiểu số nâng cao kiến thức và kỹ năng về chăm sóc sức khỏe sinh sản. Có thể kể đến một số các hoạt động như tổ chức các chương trình giáo dục, cung cấp tài liệu và dịch vụ chuyên biệt như tư vấn, khám sức khỏe, và đào tạo giáo viên, phụ huynh.
Đồng thời, cộng đồng góp phần tạo môi trường giáo dục thân thiện, giảm kỳ thị, và phát huy vai trò lãnh đạo địa phương trong việc lồng ghép văn hóa bản địa vào giáo dục sức khỏe sinh sản. Họ cũng có thể huy động nguồn lực, chia sẻ kinh nghiệm, và tổ chức các nhóm hỗ trợ. Sự phối hợp hiệu quả giữa cơ quan chức năng và cộng đồng giúp nâng cao nhận thức, cải thiện dịch vụ và đảm bảo quyền tiếp cận sức khỏe sinh sản của trẻ em tại vùng dân tộc thiểu số.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất