Tham vấn ý kiến về hoạt động của Chi hội Luật sư vì quyền trẻ em
Ngày 27/9, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổ chức Hội thảo Định hướng hoạt động của Chi hội luật sư Vì quyền trẻ em khu vực phía Bắc.
Tham dự Hội thảo có bà Nguyễn Thị Thanh Hòa – Chủ tịch Hội, ông Hà Đình Bốn – Phó Chủ tịch Hội, ông Võ Anh Dũng - Phó Chủ tịch Hội, cùng đại diện các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tòa án nhân dân tối cao, các hội viên của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam là luật sư ở các tỉnh, thành phía Bắc.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa – Chủ tịch Hội đánh giá, đội ngũ luật sư có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ, bảo vệ trẻ em, nhất là trong quá trình tố tụng. Nhận biết được vai trò đó, Hội đã thành lập 2 Chi hội là Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM và Chi hội luật sư Vì quyền trẻ em khu vực phía Bắc.
Chủ tịch Hội mong muốn, qua Hội thảo, Chi hội sẽ có được kế hoạch hoạt động cụ thể trong thời gian tới, để giúp bảo vệ trẻ em thực hiện các quyền trong pháp luật quy định.
Báo cáo về hoạt động của Chi hội, ông Hà Đình Bốn cho biết, Chi hội Luật sư vì quyền trẻ em được thành lập từ năm 2014 với sự đồng hành của 16 luật sư, đã có nhiều đóng góp trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục và trợ giúp pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em.
Nội dung tư vấn và hỗ trợ pháp lý của Chi hội: Về dân sự: Xác định cha mẹ cho con hoặc xác định con cho cha mẹ; thay đổi người trực tiếp nuôi dưỡng khi ly hôn; hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên. Quyền được khai sinh, giám hộ, chế độ, chính sách. Chia tài sản khi ly hôn, nuôi con, cấp dưỡng, quyền thăm con sau khi ly hôn; Hủy kết hôn trái pháp luật, đăng ký việc nuôi con nuôi, chấm dứt việc nuôi con nuôi.
Về hình sự: Chi hội tư vấn bảo vệ quyền lợi cho 2 nhóm: Nhóm trẻ em bị xâm hại (tư vấn bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp cho trẻ em là nạn nhân của các vụ bị xâm hại tính mạng, nhân phẩm và danh dự; đại diện theo yêu cầu của gia đình và nạn nhân trong quá trình thụ lý vụ việc) và nhóm trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật (tư vấn bảo vệ quyền lợi, nhận bào chữa, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp cho trẻ em tại tòa án, bảo lãnh trẻ em vi phạm pháp luật khi không có người thân).
Phó Chủ tịch Hội mong muốn, thời gian tới, Chi hội tiếp tục củng cố hoàn thiện tổ chức bộ máy, kết nạp thêm thành viên, mở rộng mạng lưới cộng tác viên; về hoạt động, không chỉ tư vấn pháp lý mà còn tư vấn hỗ trợ tâm lý và các hình thức khác.
Chia sẻ về hoạt động của Chi hội thời gian qua, luật sư Phạm Thị Bích Hảo – UV BCH Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết: Thời gian qua, các thành viên trong Chi hội đã có nhiều hoạt động vì quyền trẻ em. Trong đó, tập trung vào 2 nhóm chính: Tuyên truyền pháp luật cho trẻ em (tuyên truyền Luật Trẻ em 2016, tư vấn phòng chống bạo lực học đường và Luật An ninh mạng cho các em học sinh); Trợ giúp pháp lý trong các vụ việc hình sự để bảo vệ quyền lợi trẻ em.
Bên cạnh đó, theo luật sư Hảo, hoạt động của Chi hội gặp một số khó khăn: Chưa huy động được nguồn hỗ trợ từ bên ngoài nên việc thực hiện các chương trình tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý còn hạn chế; công tác tuyên truyền pháp luật của Chi hội chưa có sự phối hợp chặt chẽ của tất cả các thành viên trong Chi hội.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Phạm Thị Thanh – Chủ tịch Liên chi Hội Bảo vệ quyền trẻ em Thanh Hóa đồng tình với việc mở rộng thành viên tham gia Chi hội. Qua đó, các vụ án dân sự hay vụ án bạo hành liên quan đến trẻ em sẽ được kết nối thực hiện hiệu quả hơn tới tận cơ sở. Các thành viên trong Chi hội phải thực hiện tư vấn tâm lý, đồng thời tư vấn cả chính sách pháp luật. Bà Thanh lấy ví dụ, nhiều vụ án xét xử xong, thẩm phán còn trăn trở, bố mẹ đi tù rồi thì những đứa trẻ sống với ông bà cao tuổi thế nào, lúc đó rất cần sự can thiệp về tâm lý xã hội của các chuyên gia.
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã tham gia đóng góp ý kiến vào Quy định về tổ chức hoạt động của Chi hội. Bên cạnh đó, các đại biểu đều nhất trí với việc Chi hội cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để kêu gọi sự tham gia đông đảo của các luật sư ở các tỉnh, thành phố, nhằm trợ giúp kịp thời cho trẻ em ở địa phương cần được bảo vệ khi có sự việc xảy ra; nghiên cứu mở rộng đối tượng trẻ em cần được bảo vệ; xây dựng kinh phí hoạt động của Chi hội.
Tại Hội thảo, Chi hội đã ra mắt Ban Chấp hành Chi hội. Luật sư Trần Thị Bích Hòa – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ 1 Viện Kiểm sát nhân dân tối cao được tiến cử làm Chi hội trưởng; 2 Chi hội phó gồm luật sư Phạm Thị Bích Hảo – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức An và luật sư Lê Thị Hoàng Yến – nguyên Cục phó Cục Con nuôi Bộ Tư pháp.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất