Top 10 Công ty uy tín ngành Thực phẩm - Đồ uống năm 2024
Ngày 17/9, Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) chính thức công bố Top 10 Công ty uy tín ngành Thực phẩm - Đồ uống năm 2024.
Top 10 Công ty uy tín ngành Thực phẩm - Đồ uống năm 2024 được xây dựng dựa trên các nguyên tắc khoa học và khách quan. Các công ty được đánh giá, xếp hạng dựa trên 3 tiêu chí chính: (1) Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất (2) Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding (mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng); (3) Khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan được thực hiện trong tháng 08/2024.
Trong đó, Vinamilk, Nestlé, Masan, Acecook, C.P Việt Nam, Heineken, Pepsico, Golden Gate, Trung Nguyên Legend là 9 công ty đứng đầu các Bảng xếp hạng trong Top 10 Công ty uy tín ngành Thực phẩm - Đồ uống năm 2024.
Theo ông Phùng Hoàng Cơ - Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietnam Report, Bảng xếp hạng lần này được công bố theo 9 nhóm ngành hàng.
Cụ thể gồm Top 10 Công ty Thực phẩm uy tín nhóm ngành: Sữa và sản phẩm từ sữa; Đường, bánh kẹo và sản phẩm dinh dưỡng; Nước chấm, gia vị, dầu ăn; Thực phẩm khô, đồ ăn liền; Thực phẩm tươi, đông lạnh và Top 10 Công ty Đồ uống uy tín nhóm ngành: Đồ uống có cồn; Đồ uống không cồn.
Cùng với đó là Top 5 Công ty Dịch vụ ăn uống uy tín nhóm ngành: Chuỗi nhà hàng, dịch vụ đồ ăn, nhượng quyền; Chuỗi cửa hàng café, dịch vụ đồ uống, nhượng quyền.
Top 10 Công ty Thực phẩm uy tín năm 2024
Tổng quan về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ngành Thực phẩm - Đồ uống
Năm 2023 được xem là một năm đầy biến động khi tình hình thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp khó lường. Xung đột Nga - Ukraine chưa có hồi kết, lại xuất hiện xung đột giữa Hamas – Israel tại Trung Đông làm cho bức tranh kinh tế thế giới càng chìm sâu vào khủng hoảng, lạm phát. Giá cả đầu vào tăng cao, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nước ta do nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất gặp nhiều khó khăn, gây đứt gãy chuỗi cung ứng.
Trong bối cảnh đầy biến động này, ngành Thực phẩm - Đồ uống (F&B) Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng ảnh hưởng. Sự gia tăng chi phí nguyên liệu đầu vào do khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu đã đặt nhiều áp lực lên các doanh nghiệp trong ngành. Nguồn cung ứng nguyên liệu từ nước ngoài trở nên khó khăn, làm tăng chi phí sản xuất, từ đó ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa và biên lợi nhuận. Tuy nhiên, đứng trước những thách thức và rào cản trên, các doanh nghiệp F&B Việt Nam vẫn kiên cường đối mặt với thách thức, tìm cách điều chỉnh chiến lược, tối ưu hóa quy trình sản xuất và tìm kiếm các giải pháp thay thế nhằm giảm thiểu tác động từ ngoại cảnh. Những nỗ lực này không chỉ giúp các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, mà còn tạo đà cho sự tăng trưởng trong năm 2023.
Theo khảo sát của Vietnam Report, năm 2023, nhiều doanh nghiệp đã đạt được kết quả tích cực với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng ấn tượng. Tỷ lệ doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng doanh thu tăng mạnh từ 66,7% lên 93,3%. Đặc biệt, tỷ lệ doanh nghiệp ghi nhận tăng lợi nhuận đạt tới 86,7%, vượt qua cả tỷ lệ của năm 2022.
Theo số liệu của Statista, thị trường thực phẩm Việt Nam trong năm 2023 đạt mức 96,47 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2022. Trong đó, phân khúc bánh kẹo và đồ ăn nhẹ chiếm tỉ trọng lớn nhất là 14,6%, với khối lượng thị trường đạt khoảng 14,13 tỷ USD trong năm 2023. Xét trên phân khúc đồ uống, doanh thu thị trường đồ uống Việt Nam trong năm 2023 đạt mức 27,121 tỷ USD, trong đó, phân khúc đồ uống không cồn đóng góp tỷ trọng cao nhất ở mức 37,7%, cũng là phân khúc có tốc độ tăng trưởng cao nhất.
Năm 2023 được coi là một năm đầy thách thức đối với ngành F&B Việt Nam khi chịu nhiều tác động từ tình hình kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, thị trường vẫn phát đi những tín hiệu tích cực cho thấy sức hấp dẫn và tiềm năng phát triển mạnh mẽ. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp F&B tại Việt Nam vẫn chứng tỏ khả năng thích ứng và vươn lên trước những biến động từ môi trường bên ngoài.
Bước sang năm 2024, doanh nghiệp F&B duy trì được nhịp tăng trưởng về doanh thu trên hầu hết các kênh phân phối, ngoại trừ kênh tiêu dùng tại chỗ (On-premise) ghi nhận tỷ lệ doanh nghiệp tăng doanh thu giảm nhẹ (-4,4%). Đáng chú ý, kênh thương mại điện tử (e-Commerce) vẫn thể hiện sự tăng trưởng tương đối ổn định so với mặt bằng chung và là kênh duy nhất không ghi nhận tỷ lệ sụt giảm doanh thu khi có tới 90,5% doanh nghiệp có doanh thu từ kênh này tăng so với cùng kỳ năm trước.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất