Vi phạm quảng cáo, loạt thực phẩm chức năng bị 'tuýt còi'
Chỉ trong 4 tháng đầu năm, nhiều thực phẩm bảo vệ sức khoẻ (TPBVSK) đã bị Cục An toàn thực phẩm cảnh báo, xử lý vi phạm quảng cáo không đúng công dụng của sản phẩm, không đúng nội dung cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận, gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.
Vietnamnet đưa tin, ngày 28/4 vừa qua Cục An toàn thực phẩm (ATTP) đã phát đi cảnh báo TPBVSK Gluzabet hỗ trợ giảm nguy cơ biến chứng do tiểu đường đã quảng cáo vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo, gây nhầm lẫn là thuốc chữa bệnh, không đúng với nội dung đã được Cục An toàn thực phẩm xác nhận. Sản phẩm do công Ty cổ phần KD-TM Dragon (Hà Nội) chịu trách nhiệm chất lượng sản phẩm.
Cũng với lỗi vi phạm tương tự, ngày 21/4, Cục An toàn thực phẩm ban hành Quyết định số 14/QĐ-XPHC xử phạt Công ty cổ phần dược phẩm quốc tế Taphaco (tên cũ: Công ty cổ phần quốc tế TCG, tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) số tiền 75.000.000 đồng đối với 02 hành vi: Quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Nutrizabet gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh tiểu đường; quảng cáo TPBVSK Nutrizabet không phù hợp với Giấy xác nhận nội dung quảng cáo đã được cấp.
Cùng với phạt tiền, Cục ATTP buộc Công ty cổ phần dược phẩm quốc tế Taphaco tháo gỡ nội dung quảng cáo vi phạm.
Trước đó, ngày 24/3, Cục ATTP cảnh báo TPBVSK Nutrizabet vi phạm Luật quảng cáo. Đơn vị chịu trách nhiệm chất lượng sản phẩm còn sử dụng hình ảnh các bác sĩ, nghệ sĩ để quảng cáo sản phẩm, như bác sĩ Nguyễn Chí Bình, Nguyên trưởng khoa nghiên cứu thuốc Bệnh viện Trung ương Việt Nam; PGS TS Trần Đình Toán, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Lâm sàng, Nghệ sĩ Chí Trung...
Cùng ngày, cơ quan chức năng cũng cảnh cáo TPBVSK Tensicare hỗ trợ giảm biểu hiện tăng huyết áp, do công ty TNHH Nature Origin (huyện Nhà Bè, TPHCM) công bố, đăng ký nội dung quảng cáo và chịu trách nhiệm sản phẩm đã vi phạm quy định của pháp luật, quảng cáo không đúng công dụng của sản phẩm, không đúng nội dung cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận, quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, trong khi thực tế đây chỉ là các thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Ngày 16/3, Cục ATTP cảnh báo TPBVSK men vi sinh Medispores Biota do Công ty TNHH Dược Phẩm Tâm Mỹ An (quận Ba Đình, TP Hà Nội) chịu trách nhiệm chất lượng sản phẩm, người đại diện công ty là bà Lê Thị Huyền, “nổ” công dụng chống ung thư, tiêu diệt vi khuẩn H.pylori, điều trị viêm đại tràng mãn tính, viêm túi thừa.... dù chưa được cơ quan chức năng cấp phép.
Bên cạnh đó, ngày 16/3, Cục ATTP cảnh báo gần 20 TPBVSK quảng cáo sản phẩm khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung, vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm, gồm 9 sản phẩm chủ yếu là các sản phẩm men vi sinh được quảng cáo duy trì sức khỏe hệ miễn dịch, hỗ trợ hệ vi sinh vật đường ruột, như: Life-Space Broad Spectrum Probiotic, Life-Space Probiotic Powder For Baby, Life-Space Probiotic Powder For Children, Life-Space Shape B420 Probiotic...
Đồng thời, 9 sản phẩm khác được nhiều trang web như https://nhathuocminhchau.com/; https://www.lazada.vn/products; https://parapharmacy.vn/product... và một số website đang quảng cáo vi phạm quy định của pháp luật cũng bị cảnh báo. Cụ thể: Calcium active Denk; Denk Electrolyte; Libido Lady Denk; Ostesan Junior Denk; Digest Active Denk; Arthro Active Denk; Brain Active Denk; Recharge Active Denk; Vitactive B12 Denk.
Ngày 2/3, TPBVSK Phục Thần Đan do công ty TNHH Health Promotion (thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm bị cảnh báo vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo, chỉ là TPCN nhưng quảng cáo là “vị thuốc cổ truyền cho bệnh rối loạn thần kinh thực vật”....
Theo tìm hiểu, năm 2022, Cục ATTP đã gửi 17 văn bản (với 72 link Facebook, 41 link website) tới Bộ Thông tin và Truyền thông; 13 văn bản (với 76 link quảng cáo trên trang thương mại điện tử và sàn thương mại điện tử) tới Bộ Công Thương để xử lý các đường link vi phạm quảng cáo, đóng đường link vi phạm hoặc xóa sản phẩm tại các gian hàng kinh doanh điện tử.
Trước thực trạng này, Cục Cục An toàn thực phẩm cũng khuyến cáo người dân trước khi mua và sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe, cần phải lưu ý rằng đây không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời.
Trước khi sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe, cần đọc kỹ nhãn sản phẩm, trên nhãn thực phẩm bảo vệ sức khỏe luôn ghi dòng chữ: “thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”; xem rõ về thành phần, tác dụng của sản phẩm để sử dụng cho phù hợp và bảo đảm sức khỏe.
Ngoài ra, chọn mua các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tên, địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm và nhà sản xuất sản phẩm rõ ràng. Khi mua sản phẩm, cần yêu cầu người bán đưa hóa đơn/đơn hàng để làm bằng chứng cho việc mua bán hàng hoá giữa hai bên.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất