08:57 09/10/2022

Yếu tố nguy cơ và biến chứng viêm tai giữa cấp ở trẻ

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Lan Phạm

Viêm tai giữa cấp có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất là trẻ em từ 6 - 36 tháng tuổi, do hệ miễn dịch ở lứa tuổi này còn yếu và vòi Eustache có cấu trúc và chức năng chưa trưởng thành.

Viêm tai giữa cấp là một trong những bệnh phổ biến thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi. Nghiên cứu cho thấy có đến 70% trẻ nhỏ dưới 2 tuổi có ít nhất một đợt viêm tai giữa cấp tính. Triệu chứng phổ biến là đau tai và thường có đi kèm các triệu chứng toàn thân. Nếu không được xử lý kịp thời và đúng cách, có thể sẽ gây biến chứng mất thính lực. Bệnh được chẩn đoán dựa trên soi tai.

Nguyên nhân gây viêm tai giữa cấp ở trẻ

Viêm tai giữa cấp là bệnh nhiễm trùng khởi phát đột ngột, nguyên nhân phổ biến do vi khuẩn hoặc virus xâm nhập ở tai giữa, thường đi cùng với viêm nhiễm ở vùng mũi họng. Tình trạng tai giữa (khu vực phía sau màng nhĩ) bị viêm niêm mạc gây sưng, đau, sốt, chảy dịch và trạng thái này kéo dài dưới 3 tháng được gọi là viêm tai giữa cấp tính.

Nguyên nhân viêm tai giữa cấp thường do virus hoặc vi khuẩn.

Trẻ sơ sinh thường do gram âm như E. Coli, Staphylococcus Aureus

Trẻ nhỏ dưới 14 tuổi thường do Steptococcus Pneumonia, Moraxella Catarrhalis, Haemophilus Influenzae

Trẻ lớn hơn 14 tuổi phổ biến nhất là Steptococcus Pneumonia, liên cầu Beta tan máu nhóm A và Staphylococcus Aureus, sau đó là Haemophilus Influenzae.

79b22cee11a3f8fda1b2
Viêm tai giữa cấp là bệnh nhiễm trùng khởi phát đột ngột, nguyên nhân phổ biến do vi khuẩn hoặc virus xâm nhập ở tai giữa.

Yếu tố nguy cơ viêm tai giữa cấp ở trẻ

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm tai giữa cấp như: Trẻ bú bình, sử dụng núm vú giả; Trẻ đi nhà trẻ; Trẻ dị tật bẩm sinh vùng mũi họng; Trẻ có tiền sử gia đình hay bị viêm tai giữa; Trẻ thường xuyên tiếp xúc môi trường ô nhiễm, khói thuốc; Trẻ hay bị nhiễm trùng đường hô hấp, cảm cúm, viêm xoang gây tắc nghẽn cửa mũi sau, vùng họng và vòi nhĩ…

Dấu hiệu khi trẻ mắc viêm tai giữa cấp

Tùy theo tuổi, vi khuẩn, cơ địa bệnh nhân, sẽ có các biểu hiện khác nhau, khởi phát thường nhanh chóng và biểu hiện bệnh đa dạng, thông thường là đau tai (cấp tính trong vòng 48h) và giảm sức nghe.

- Trẻ sơ sinh: Trẻ có biểu hiện quấy khóc, bỏ bú, chảy mủ tai.

- Trẻ nhỏ: Sốt, quấy khóc, mất ngủ, bứt tai, đau tai, chảy mủ tai, rối loạn tiêu hóa.

- Trẻ lớn hơn: Đau tai, nghe kém hoặc phản ứng kém với âm thanh, chảy mủ tai.

- Trẻ thường có các biểu hiện của viêm mũi họng kèm theo như: Ngạt tắc mũi, chảy dịch mũi, ho đờm, nôn trớ.

Khi có các biểu hiện, trẻ cần được đưa đi khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.

7844887b63398a67d328
Viêm tai giữa cấp là một trong những bệnh phổ biến thường gặp ở trẻ.

Chẩn đoán viêm tai giữa cấp ở trẻ

Kết hợp giữa biểu hiện lâm sàng và khai thác bệnh sử để chẩn đoán xác định bệnh.

Khám nội soi tai mũi họng để đánh giá tình trạng tổn thương trong tai, màng nhĩ, khi viêm sẽ xung huyết hay bên trong hòm nhĩ xuất hiện dịch gây màng nhĩ phồng, ứ mủ hay thủng màng nhĩ làm mủ chảy ra ống tai ngoài, đồng thời đánh giá các dấu hiệu nhiễm trùng đường hô hấp kết hợp.

Đo nhĩ lượng và đo thính lực đánh giá chức năng tai, kiểm tra người bệnh có bị mất thính lực hay không.

Biến chứng viêm tai giữa cấp ở trẻ

Viêm tai giữa cấp nếu không được điều trị sẽ gây ra các biến chứng sau:

- Viêm xương chũm cấp: Nếu tình trạng nhiễm trùng không được điều trị hoặc không đáp ứng tốt với điều trị, có thể lây lan sang các mô lân cận gây viêm xương chũm, dẫn đến tổn thương xương, lây lan sang mô khác trong hộp sọ, gây ra biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, áp xe não, viêm tĩnh mạch, liệt mặt ngoại biên...

- Viêm tai giữa mạn tính: Gây chảy mủ tai, nghe kém, ù tai, chóng mặt. Giảm và mất thính lực. Chậm nói, chậm phát triển kỹ năng giao tiếp xã hội và phát triển.

e980a99a63d88a86d3c9
Viêm tai giữa cấp nếu không được điều trị sẽ gây ra nhiều các biến chứng. Ảnh minh họa

Điều trị viêm tai giữa cấp ở trẻ

Tùy theo trường hợp mà các bác sĩ sẽ chỉ định cụ thể, với nguyên tắc:

Nội khoa: Điều trị bằng thuốc là lựa chọn phổ biến nhất.

- Toàn thân: Thuốc kháng sinh, chống viêm giảm phù nề, giảm đau, hạ sốt.

- Tại chỗ: Nhỏ mũi, hút rửa mũi, nhỏ tai và làm thuốc tai khi màng nhĩ thủng, để ngăn tình trạng bít tắc ống tai do mủ.

Thời gian dùng thuốc từ 1 đến 2 tuần.

Dùng thuốc chuyên khoa theo chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không lạm dụng kháng sinh khi chưa được bác sĩ chỉ định, vì sẽ gây tác dụng phụ, ảnh hưởng đến trẻ sau này. Việc dùng thuốc cần căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh và các bệnh liên quan như viêm họng, cúm, viêm xoang, viêm mũi.

Chích nhĩ sẽ được chỉ định trong các trường hợp:

- Viêm tai giữa cấp ứ mủ gây sốt cao, quấy khóc nhiều.

- Viêm tai giữa cấp ứ mủ đã điều trị không đáp ứng.

- Viêm tai giữa cấp ứ mủ giai đoạn dọa vỡ mủ.

- Viêm tai giữa cấp ứ mủ đe dọa biến chứng viêm xương chũm cấp.

Đặt ống thông khí được chỉ định trong các trường hợp:

- Viêm tai giữa cấp tái diễn nhiều lần (>= 4 lần trong 6 tháng)

- Viêm tai giữa cấp tính dai dẳng.

- Viêm tai giữa cấp tính mà bệnh nhân không thể điều trị được kháng sinh toàn thân (dị ứng thuốc).

- Viêm tai giữa cấp gây các biến chứng: Viêm xương chũm cấp, liệt mặt, biến chứng nội sọ.

Phẫu thuật điều trị ngoại khoa như nạo VA, cắt Amidan trong trường hợp là nguyên nhân gây viêm tai giữa tái phát nhiều lần, điều trị nội khoa không đạt kết quả ảnh hưởng đến khả năng nghe và sức khỏe lâu dài của trẻ.

Lời khuyên thầy thuốc

Viêm tai giữa cấp ở trẻ là bệnh hay gặp, để phòng ngừa bệnh cần cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, giữ ấm cơ thể vào mùa lạnh, vệ sinh sạch sẽ các vật dụng xung quanh, vận động khoa học để tăng cường sức đề kháng. Tránh tiếp xúc với môi trường ô nhiễm khói bụi và thuốc lá.

Tiêm phòng đầy đủ theo chương trình tiêm chủng mở rộng, tiêm phòng cúm, phế cầu là các bệnh hay mắc, phòng ngừa nhiễm trùng hô hấp cấp tính ở trẻ. Trẻ sơ sinh nên bú sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu, không nên ngủ và bú sữa bình tránh sặc, trớ.

Khi xuất hiện các triệu chứng cần đến khám tại cơ sở y tế để có biện pháp điều trị phù hợp, không để bệnh diễn biến nặng sẽ điều trị khó khăn và khó phục hồi.

Theo BS.Minh Thu/ Sức khỏe và Đời sống​

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận