08:00 15/09/2024

Bánh Trung thu và sức khỏe của trẻ: Những điều cha mẹ cần lưu ý

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Kiều Minh

Một mùa trăng mới lại về, mang theo hương vị ngọt ngào và thơm nồng của những chiếc bánh Trung thu truyền thống. Bên cạnh niềm vui khi thưởng thức, các bậc cha mẹ nên lưu ý khi cho bé thưởng thức để có một mùa Trung thu đáng nhớ, an toàn.

Bài viết này thuộc chuyên đề Trung thu yêu thương 2024

Tết Trung thu là dịp người lớn tự nhắc nhở mình quan tâm hơn tới trẻ em bằng tình yêu, trách nhiệm và hành động thiết thực, đặc biệt là các cháu hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi bão lũ… để mọi trẻ em được đón Tết Trung thu ấm áp yêu thương.

Xem thêm

Vào Tết Đoàn viên hàng năm, bánh Trung thu đã trở thành món quà không thể thiếu trong mỗi dịp trăng rằm tháng Tám, gửi gắm những lời chúc tốt đẹp đến người thân, bạn bè. Đặc biệt, bên cạnh những món đồ chơi, bánh Trung thu là thức quà mà trẻ em háo hức mong chờ nhất ngày Trung thu. Tuy nhiên, để có một mùa Tết Đoàn viên trọn vẹn, người tiêu dùng cần cân nhắc các yếu tố liên quan đến sức khoẻ khi cho trẻ thưởng thức bánh Trung thu.

Cần lưu ý đến yếu tố sức khỏe khi cho trẻ tiêu thụ bánh Trung thu.

Tết Trung thu là trên thị trường có rất nhiều dòng sản phẩm bánh Trung thu phục vụ nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, các chủng loại bánh sử dụng cho đối tượng riêng biệt (người tiểu đường, béo phì,...). Người tiêu dùng lại đặt ra những câu hỏi thường trực như về chất lượng sản phẩm, về an toàn thực phẩm, về giá trị dinh dưỡng, nguồn gốc thành phần của nguyên liệu. 

Dù là bánh dẻo hay bánh nướng, bánh Trung thu thường được làm từ các nguyên liệu cơ bản như: Bột mì, đường, dầu mỡ, trứng và nhân bánh đa dạng như đậu xanh, hạt sen, thịt...  Chỉ 1/2 chiếc bánh Trung thu nhân trứng đậu xanh (loại 1 trứng) cũng có năng lượng tương đương gần 5 lon nước ngọt (loại 330ml) hoặc 2,5 miệng bát cơm tẻ. Chính vì vậy, bánh Trung thu cung cấp rất nhiều năng lượng, hàm lượng đường và chất béo trong bánh Trung thu cũng rất cao.

Chia sẻ với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, TS. Nguyễn Quốc Anh - Phó trưởng Khoa Vi sinh thực phẩm & Sinh học phân tử - Viện Dinh dưỡng cho biết, dù ngon và là món ăn không thể thiếu vào mỗi dịp Trung thu, nhưng nếu tiêu thụ quá nhiều, bánh Trung thu sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Calo trong bánh sẽ nhanh chóng tích tụ thành mỡ, khiến cân nặng tăng không kiểm soát, đường tinh luyện cũng hấp thụ nhanh vào máu, làm đường huyết tăng đột biến.

Đặc biệt, đối với những người có bệnh nền tiểu đường, béo phì hoặc có nguy cơ mắc bệnh, nên ưu tiên các loại bánh có hạt, ngũ cốc nguyên cám, ít đường và ít calo. Khi ăn nên kết hợp với các loại thực phẩm khác như trái cây để cân bằng dinh dưỡng và uống nhiều nước để hỗ trợ tiêu hóa.

Đối với trẻ em, tiêu thụ quá nhiều bánh Trung thu có thể khiến trẻ khó tiêu do nhiều chất béo, chất đạm động vật. Vì vậy, cha mẹ chỉ nên cho trẻ ăn một miếng (bằng 1/8 chiếc bánh) sau bữa ăn và súc miệng ngay để tránh sâu răng.

Với trẻ béo phì, nên giới hạn lượng bánh được ăn trong ngày, khẩu phần ăn trong ngày sẽ trừ bớt phần do bánh cung cấp. Nếu ăn ½ bánh dẻo hoặc bánh nướng, cần phải bớt khoảng 1 bát cơm và lượng thức ăn tương ứng, đồng thời tăng rau xanh để tống chất béo ra ngoài và ngăn ngừa tăng đường huyết nhanh. Nếu không giảm phần cơm, nên đi bộ 30 phút để tiêu hao bớt năng lượng dư thừa.

Về góc độ an toàn thực phẩm, quá trình chế biến, sản xuất và bảo quản bánh Trung thu có thể tiềm ẩn những nguy cơ về an toàn thực phẩm. Những nguy cơ này thường xuất phát từ việc vệ sinh an toàn thực phẩm kém trong quá trình sản xuất, sử dụng nguyên liệu không đảm bảo, dụng cụ chế biến không sạch sẽ, người chế biến không đảm bảo vệ sinh, hoặc sử dụng chất phụ gia quá mức để tăng thời hạn sử dụng, cải thiện màu sắc và hương vị.

bánh trung thu 2
Ý nghĩa về văn hoá của bánh Trung thu là không thể phủ nhận, nhưng người tiêu dùng chỉ nên ăn vừa đủ cũng như chú ý mua bánh tại các cơ sở uy tín.

Hiện nay, nhiều gia đình có xu hướng tìm đến bánh Trung thu “handmade” (bánh làm bằng phương pháp thủ công) với tâm lý muốn tránh tiêu thụ các chất bảo quản hoá học trong sản phẩm công nghiệp. Tuy nhiên, đằng sau “lớp vỏ” và lời quảng cáo “đường mật” đầy hấp dẫn về những chiếc bánh Trung thu ít ngọt, “sạch sẽ”, “không chất bảo quản” với nguyên liệu “tự nhiên”, vẫn có thể là những chiếc bánh quá hạn sử dụng, nguồn nguyên liệu không rõ xuất xứ từ các chợ, không cung cấp đầy đủ các thông tin về sản phẩm như nhãn mác, điều kiện bảo quản, ngày sản xuất, hạn sử dụng.

Chính vì vậy, người tiêu dùng cần sáng suốt, ưu tiên lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, nhãn mác đầy đủ thông tin về nhà sản xuất, thành phần và hạn sử dụng. Khi lựa chọn bánh Trung thu, để đảm bảo an toàn thực phẩm, người tiêu dùng cần chú ý:

- Khi mở bánh, hãy kiểm tra bao bì xem có bị rách, móp méo hay không, đồng thời kiểm tra mùi vị của bánh để đảm bảo không có mùi hoặc màu sắc lạ. 

- Bảo quản bánh theo hướng dẫn của nhà sản xuất, thường là nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp và chỉ nên tiêu thụ bánh khi còn hạn sử dụng để đảm bảo hương vị và chất lượng tốt nhất.

- Về nhãn mác: Sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng gồm có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng và bảo quản... Sản phẩm có ngày sản xuất, có thời hạn sử dụng, tốt nhất là sử dụng sản phẩm mới xuất xưởng.

Không thể phủ nhận ý nghĩa của món bánh Trung thu, nhưng để đảm bảo sức khỏe, người tiêu dùng cần lựa chọn chế độ ăn phù hợp và cơ sở uy tín để mua bánh.

 

 

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận