06:00 14/09/2024

Giá trị giáo dục văn hóa từ đồ chơi Trung thu truyền thống

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Lại Cường

Những món đồ chơi truyền thống trong Tết Trung thu đã và đang trở lại mang ý nghĩa giáo dục văn hóa rất lớn. Trao đổi với Tạp chí Trẻ em Việt Nam, nghệ nhân Phùng Đình Giáp chia sẻ, đồ chơi truyền thống là di sản cần được bảo tồn.

Bài viết này thuộc chuyên đề Trung thu yêu thương 2024

Tết Trung thu là dịp người lớn tự nhắc nhở mình quan tâm hơn tới trẻ em bằng tình yêu, trách nhiệm và hành động thiết thực, đặc biệt là các cháu hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi bão lũ… để mọi trẻ em được đón Tết Trung thu ấm áp yêu thương.

Xem thêm
images

Trong những năm gần đây, đồ chơi truyền thống trong ngày Tết Trung thu đang dần chiếm lại vị thế trong lòng người tiêu dùng. Đặc biệt, các bậc phụ huynh rất quan tâm đến việc giáo dục văn hóa cho con cái.

Đồ chơi truyền thống giúp nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ

Sự hồi sinh của những chiếc đèn lồng, tò he và các loại mặt nạ giấy bồi đã thu hút sự chú ý của cộng đồng, cha mẹ học sinh và chính các em nhỏ.

Mùa Trung thu 2024, tại phố Hàng Mã (Hoàn Kiếm, Hà Nội), số lượng đồ chơi Trung thu truyền thống được bày bán chiếm đa số thay vì sự đổ bộ, lấn át của đồ chơi hiện đại như các năm trước.

Các bậc phụ huynh, thay vì chiều theo thị hiếu của con với những đồ chơi nhập ngoại, hiện nay đã chọn và giáo dục các con về văn hóa Trung thu qua đồ chơi truyền thống.

z5838368373225_3decc199ac
Đồ chơi trung thu truyền thống được bày bán trên phố Hàng Mã. Ảnh: LC

Chị Nguyễn Thu Trang (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi rất thích mua đèn lồng và tò he cho con trong dịp Trung thu. Những món đồ này không chỉ an toàn, không chứa các chất độc hại như nhiều loại đồ chơi nhựa nhập khẩu, mà còn giúp các bé hiểu thêm về văn hóa Việt Nam. Các cháu luôn hào hứng mỗi khi được tự tay lắp ráp đèn ông sao hay xem nghệ nhân nặn tò he”.

Tương tự, anh Trần Minh Hưng, một phụ huynh tại Hải Phòng cho biết: "Trung thu là dịp để cả nhà quay về với truyền thống. Tôi nhận thấy, đồ chơi truyền thống rất phù hợp để các con tiếp cận với văn hóa dân tộc. Thay vì những món đồ công nghệ hiện đại, tôi luôn ưu tiên mua đèn kéo quân, trống ếch cho các con. Chúng tôi cùng nhau làm những chiếc đèn lồng từ tre và giấy màu. Tôi nghĩ, đó là cách giáo dục văn hóa rất hiệu quả”.

nh 1
Những chiếc đèn cù, trống cơm, mặt nạ giấy bồi truyền thống trở lại trong ngày Tết Trung thu. Ảnh: LC

“Gia đình tôi mua cho các con đèn kéo quân, tò he hay phỗng đất. Sau đó, gia đình cũng dạy cho trẻ không chỉ học cách chơi mà còn hiểu thêm về văn hóa và lịch sử của dân tộc. Những món đồ chơi này thường mang trong mình các câu chuyện dân gian, truyền thuyết hoặc các hình tượng quen thuộc từ làng quê Việt Nam. Qua đó, trẻ nhỏ dần hiểu và yêu quý các giá trị văn hóa truyền thống, hình thành lòng tự hào dân tộc từ sớm.

Hình tượng các nhân vật trong tò he hay phỗng đất gợi nhắc về những bài học đạo đức từ các câu chuyện cổ tích hay truyền thuyết Việt Nam. Thông qua những trò chơi này, trẻ học cách phân biệt đúng sai, biết yêu thương, sẻ chia và trân trọng các giá trị gia đình và cộng đồng.

Cũng qua dịp này, chúng tôi kể cho các con về Trung thu của bố mẹ ngày xưa… Đó cũng là cách kết nối với các con trong ngày sum vầy”, chị Hồ Thị Dung (Quảng An, Tây Hồ) chia sẻ với PV khi đang tìm lồng đèn cho con trên phố Hàng Mã.

Đồ chơi truyền thống là di sản cần được bảo tồn

Nghệ nhân Phùng Đình Giáp (thôn Đông Khê, xã Song Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh) là một trong những số ít nghệ nhân làm phỗng đất truyền thống ở Bắc Ninh vẫn còn đang trăn trở với đồ chơi truyền thống.

Trao đổi với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, nghệ nhân Phùng Đình Giáp cho biết: "Phỗng không chỉ là một món đồ chơi, mà còn là biểu tượng của sự tinh tế trong văn hóa Việt. Mỗi chiếc phỗng là một tác phẩm nghệ thuật thể hiện nét đẹp của sự mộc mạc, giản dị. Trẻ em chơi với phỗng không chỉ để giải trí mà còn để học cách trân trọng những giá trị tinh thần mà ông bà, cha mẹ đã truyền lại".

Nghệ nhân dân gian đã vào tuổi xưa nay hiếm còn trăn trở với phỗng kể rằng, trước kia cứ mỗi độ Trung thu, cả ngôi làng lại rộn ràng với tiếng giã chày đập bột.

Khu chợ nhỏ bên bờ sông Đuống lại được tô điểm bởi những sắc màu  rực rỡ của những ông phỗng đất truyền thống.

z5838368428913_5328f2719d
Những ông phỗng đất truyền thống lại được rực rỡ trở lại trong đêm hội trăng rằm. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ông kể, bộ phỗng đất truyền thống gồm năm hình: Con chim bay trên trời thể hiện cho khát vọng hoà bình, con rùa gắn liền với biển cả bao tượng trưng cho sự mạnh mẽ của sinh vật bé nhỏ trong không gian rộng lớn, em bé ôm bông hoa đại diện cho thế hệ con cháu, ông phỗng đứng là đại diện của thế hệ người già và ở giữa hai bức phỗng là hình phỗng ông sư tượng trưng cho lương tâm, đạo đức.

Theo thời gian, việc làm phỗng đất không thể để đáp ứng nhu cầu kinh tế. Vì thế mà không chỉ những người lớn bỏ nghề làm phỗng đất truyền thống sang làm vàng mã.

Phỗng đất từ đó dường như đã không còn là thứ đồ chơi dân gian Việt Nam bị lãng quên mỗi độ trăng rằm.

Tuy nhiên, những năm gần đây, việc giáo dục truyền thống qua các đồ chơi dân gian đã được quan tâm, công việc của ông Giáp cũng đã bận rộn hơn với những công việc truyền bá văn hóa dân gian. Ông Giáp vui vì được đi giao lưu với lớp trẻ, bảo tang…

Nói về nghề làm phỗng đất, ông Giáp hào hứng kể về việc Đại sứ quán Iran đã cử đoàn đại biểu đã đến thăm và tìm hiểu về nghệ thuật phỗng đất, đánh giá cao những nỗ lực gìn giữ văn hóa truyền thống của ông.

z5838368277748_761e65ae48
Nghệ nhân Phùng Đình Giáp trao phỗng cho một vị khách nước ngoài. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nghề làm đồ chơi Trung thu truyền thống giờ đây không chỉ là kế sinh nhai, mà còn là cách để gìn giữ những giá trị văn hóa lâu đời.

Trao đổi với PV Tạp chí trẻ em Việt Nam, nhà văn hóa Đỗ Thành Công nhận định: "Đồ chơi truyền thống không chỉ dạy trẻ về kỹ năng thủ công mà còn khơi gợi niềm tự hào về văn hóa dân tộc. Khi trẻ tự tay làm hoặc tham gia vào quá trình tạo ra những chiếc đèn lồng, chúng không chỉ phát triển khả năng sáng tạo mà còn học được bài học về sự kiên nhẫn, tỉ mỉ. Đây là những giá trị không thể có được từ các loại đồ chơi công nghiệp hiện đại".

Có thể thấy rằng, sự trở lại của đồ chơi truyền thống Trung thu không chỉ là sự hồi sinh của một phần văn hóa vật chất mà còn mang theo giá trị tinh thần, giáo dục cao.

Phụ huynh, nghệ nhân và chuyên gia đều nhất trí rằng việc trẻ em chơi với các món đồ này không chỉ giúp nuôi dưỡng tâm hồn trong sáng, mà còn giúp các em thêm gắn kết với văn hóa dân tộc. Đồ chơi truyền thống là cầu nối giữa thế hệ hôm nay và những giá trị văn hóa lâu đời, và đây là điều mà chúng ta cần gìn giữ và phát huy.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận