Bé 3 tuổi nguy kịch vì ăn lá lộc mại chữa tiêu chảy
Các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An vừa điều trị cho một bệnh nhi 32 tháng tuổi bị ngộ độc lá lộc mại, gây tan máu cấp, thiếu máu nặng.
Cách đây một tuần, cháu L.T.K. (32 tháng tuổi, trú ở huyện Quế Phong, Nghệ An) nhập viện trong tình trạng da xanh, mệt mỏi kèm khó thở, xét nghiệm huyết sắc tố hạ thấp ở mức 32g/l.
Theo người nhà cháu bé, trước khi vào viện một ngày, trẻ bị đi ngoài, người nhà đã cho uống lá lộc mại để chữa trị. Sau khi uống, trẻ xuất hiện tình trạng mệt mỏi nhiều, chán ăn, tiểu đỏ, da xanh nhợt và được gia đình đưa vào Bệnh viện Sản nhi Nghệ An.
Sau quá trình khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán trẻ bị ngộ độc lá lộc mại gây tan máu cấp, thiếu máu nặng và lập tức cho trẻ nhập viện, truyền máu cấp cứu.
Tại bệnh viện, trẻ được truyền 2 đơn vị khối hồng cầu, hiện sau 5 ngày điều trị tích cực, tình trạng của bệnh nhi đã ổn định.
Từ đầu năm 2022 đến nay, Khoa hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Sản nhi Nghệ An) đã tiếp nhận 5 ca ngộ độc do sử dụng lá lộc mại để chữa bệnh. Các bệnh nhi khi vào viện hầu hết đều rơi vào tình trạng nguy kịch do tan máu cấp, dẫn tới thiếu máu nặng.
Cây lộc mại có tên khoa học là Mercurialis indica Lour (thuộc họ Thầu dầu Euphorbiaceae). Ở Việt Nam, cây có nhiều tên gọi khác nhau như: Lộc mại, lục mại, mọ trắng, rau mại, rau mọi. Cây này có nhiều loại như: Lộc mại trái láng, lộc mại lá dài, lộc mại nhỏ. Loại cây này thường mọc hoang phổ biến ở rừng núi và đồng bằng các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hà Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hòa Bình...
Việc sử dụng lá lộc mại và một số lá cây khác đã được cảnh báo, tuy nhiên nhiều người dân do thiếu hiểu biết vẫn sử dụng để chữa bệnh. Chính vì vậy, người dân cần nâng cao hiểu biết của mình, khi trẻ bị bệnh cần đem đến các cơ sở y tế để khám và điều trị, không nghe theo lời mách bảo, tự ý sử dụng những loại lá cây để chữa bệnh, dễ dẫn đến hậu quả khôn lường.
Theo Dantri.com.vn
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất