17:03 23/09/2022

Béo phì ở trẻ em và những điều cần biết

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Tâm An (t/h)

Béo phì ở trẻ nhỏ là một vấn đề thường gặp gây khó khăn cho việc vận động và đặc biệt ảnh hưởng tới sức khỏe khi con trẻ trưởng thành, gây các bệnh tim mạch, huyết áp, đái tháo đường type 2, kháng Insulin, sức khỏe tâm thần…

BS Bùi Thu Phương - Khoa Nhi – Bệnh viện Trung ương quân đội 108 chia sẻ về tình trạng béo phì ở trẻ:

Cơ chế bệnh sinh của béo phì?

Các yếu tố di truyền, xã hội, văn hóa, thần kinh tâm thần, môi trường… tương tác lẫn nhau, vai trò của các hormone như GH, leptin, GH rleptin neuropeptide Y, melanocortin và các yếu tố khác tham gia vào quá trình gây béo. Điều hòa của vùng dưới đồi, lipogenesis, lipolysis đối với quá trình phát triển và tăng trưởng.

Sau bữa ăn, nồng độ plasma, glucose, insulin, dạ dày ruột căng kích thích cùng với bài tiết adrenalin kích thích trung tâm no của vùng dưới đồi. Kích thích lên vỏ não ức chế ăn.

Ngoài các yếu tố xã hội, di truyền, văn hóa, môi trường cũng ảnh hưởng lên vỏ não điều khiển việc ăn uống. Thường những trẻ béo phì đều háu ăn, ăn nhiều hơn trẻ bình thường.

beophi
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Phân loại béo phì

Béo phì thường được chia làm hai loại: Đơn thuần và bệnh lý.

Với béo phì đơn thuần (còn gọi là béo phì ngoại sinh) hay gặp trong lâm sàng và cộng đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do thay đổi cân bằng năng lượng: năng lượng thu vào tăng, năng lượng tiêu hao giảm đưa đến hậu quả tăng tích lũy mỡ.

Nguyên nhân của béo phì đơn thuần rất phức tạp. Nó là hậu quả của nhiều yếu tố kết hợp, là sự tương tác giữa di truyền và yếu tố môi trường tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ bị béo phì. Yếu tố di truyền trong đó kiểu gen đóng góp 40% trong nguyên nhân gây béo phì. Nếu bố mẹ béo, con dễ bị béo hơn trẻ mà bố mẹ không béo; một trong hai bố mẹ béo phì, nguy cơ con bị béo tăng lên gấp 3 lần; nếu cả hai bố mẹ béo, nguy cơ này tăng lên gấp 10 lần. Và vai trò của bố mẹ không ngang nhau, mẹ béo dễ làm con nhỏ béo hơn là bố béo.

Một số yếu tố nguy cơ khác như: Trẻ có cân nặng lúc sinh trên 4 kg, số lượng thức ăn quá nhiều so với nhu cầu, thành phần các chất trong thức ăn không cân đối (nhiều mỡ đường, ít rau quả); ở các nước phát triển trẻ có mức sống thấp có tỷ lệ béo phì tăng.

Tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ thành thị béo phì cao hơn nông thôn và nội thành cao hơn ngoại thành. Trẻ ngủ nhiều, xem nhiều ti vi, chơi game tăng nguy cơ béo phì hơn nhóm khác.

Điều trị béo phì đơn thuần

Việc điều trị tuân theo nguyên tắc: Giảm tốc độ tăng cân, để trẻ phát triển chiều cao.

Điều chỉnh chế độ ăn là một việc làm quan trọng, trẻ nhỏ nên được bú sữa mẹ, calo và protein đủ, giảm mỡ.

Trẻ lớn nên cho uống sữa không đường, hạn chế các món xào, ăn đều các bữa, không bỏ bữa và không nên ăn quá no, không ăn nhiều về đêm, tăng hoa quả, rau.

Cần đặc biệt chú ý: Không cho trẻ uống nhiều nước ngọt có ga, hạn chế dùng bánh kẹo, sữa đặc có đường; trước khi đi ngủ, không nên cho trẻ ăn.

Tăng cường thể dục thể thao, cho trẻ làm việc nhà, hạn chế xem ti vi và trò chơi điện tử. Cần theo dõi quá trình điều trị bằng việc theo dõi cân nặng, chiều cao của trẻ định kỳ; giám sát chế độ ăn, chế độ hoạt động, thể dục của trẻ.

Về loại béo phì bệnh lý, đây thường là triệu chứng hay gặp trong các bệnh lý về bệnh di truyền và nội tiết như: Hội chứng Prader – Willi; Hội chứng Laurence-Moon-Biedl; Hội chứng Cohen; Hội chứng Klinerfelter; cường năng vỏ thượng thận…Trong các bệnh lý này, biểu hiện béo phì thường đi kèm các triệu chứng khác, thường phải đi khám các chuyên gia nội tiết và di truyền để có tư vấn về chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Hậu quả trẻ béo phì

Trẻ em bị béo phì có nguy cơ các bệnh giống như người lớn nhưng nặng hơn vì thời gian bệnh kéo dài và ảnh hưởng tới nội tiết, tinh thần.

1. Ảnh hưởng tâm lý xã hội

Trẻ bị béo phì lúc nhỏ thường kéo dài cho đến hết thời gian thiếu niên, có chức năng tâm lý xã hội kém, giảm thành công trong học tập và thường không khỏe mạnh.

2. Các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch

Rối loạn lipid máu, tăng huyết áp và kháng insulin thường thấy ở trẻ em béo phì và rối loạn lipid máu xuất hiện liên quan tới tăng tích lũy mỡ trong ổ bụng. Những rối loạn lipid máu, huyết áp và insulin máu ở trẻ em sẽ kéo dài đến thời kỳ thanh niên.

3. Biến chứng gan

Các biến chứng gan ở trẻ em béo phì đã được đưa ghi nhận, đặc biệt đặc tính nhiễm mỡ gan và triệu chứng tăng men gan (transaminase huyết thanh). Các bất thường men gan cũng có thể liên quan với bệnh sỏi mật, nhưng bệnh này thường hiếm gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên.

4. Các biến chứng về giải phẫu, xương khớp

Trẻ em bị béo phì có thể bị các biến chứng về mặt giải phẫu. Nghiêm trọng là bệnh Blount (một dị dạng xương chày do phát triển quá mạnh), dễ bị bong gân mắt cá chân.

5. Các biến chứng khác: Nghẽn thở khi ngủ và bệnh giả u não. Nghẽn thở khi ngủ có thể gây chứng thở quá chậm và thậm chí ở những trường hợp nặng có thể gây tử vong. Bệnh giả u não là một bệnh hiếm gặp liên quan đến tăng áp suất trong sọ não, đòi hỏi cần phải đi khám ngay.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam
Trẻ em Việt Nam

Bình luận