Cách xử lý khi trẻ bị bỏng
Phụ huynh xử lý bằng cách ngâm vết bỏng vào nước mát, loại bỏ quần áo gần vết bỏng, che phần tổn thương bằng gạc mềm, giảm đau cho trẻ.
Trẻ em chưa nhận thức được những nguy hiểm từ môi trường xung quanh, khi chơi dễ gặp phải tai nạn như ngã, bỏng, dị vật vào mắt, mũi... Trong đó các vết thương khi trẻ bị bỏng thường phức tạp, cách sơ cứu tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra vết bỏng.
Theo WebMD, có 4 bước xử lý vết bỏng được khuyến khích áp dụng.
Ngâm vết bỏng: đặt vùng bị bỏng vào nước mát (không quá lạnh) hoặc dưới vòi nước, giữ vết thương trong nước ít nhất từ 5-15 phút. Người lớn lưu ý không sử dụng đá chườm vào vết bỏng.
Loại bỏ quần áo bị cháy: nếu trẻ bị bỏng quần áo bị dính vào da, phụ huynh không được bóc ra mà phải giữ nguyên, tiến hành cắt bỏ quần áo xung quanh vết bỏng, tránh tổn thương do va quệt.
Che vết bỏng: sử dụng gạc không dính hoặc một miếng vải sạch, mềm che vào vết bỏng nhẹ. Nếu trong nhà có thuốc mỡ kháng sinh, phụ huynh có thể bôi lên cho trẻ. Người lớn lưu ý không bôi dầu, mỡ hoặc kem đánh răng lên vết phồng rộp vì chúng dễ dẫn đến nhiễm trùng.
Giảm đau: dùng thuốc giảm đau cho trẻ để giảm bớt cơn đau cho trẻ. Phụ huynh nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc.
Theo Bộ Y tế, tùy vào nguyên nhân gây ra bỏng, cách xử lý vết bỏng sẽ khác nhau.
Bé bỏng nước sôi, bỏng lửa: phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi nguồn gây bỏng, tiến hành làm mát vết bỏng khoảng 15-10 phút. Nước sạch có tác dụng giảm nhiệt, giảm đau, giảm phù nề, viêm nhiễm, giảm độ sâu của vết thương. Tiếp đến, phụ huynh tháo bỏ những vật cứng trên vùng bỏng, che phủ vùng bỏng bằng gạc vô khuẩn. Nếu không có gạc người lớn có thể dùng vải sạch, làm biện pháp tâm lý cho trẻ bớt hoảng sợ. Sau đó, phụ huynh cho trẻ uống nước, đặt bé ở tư thế nằm. Nếu vết bỏng nặng hơn, cần chuyển trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ điều trị kịp thời.
Bỏng bô xe máy: Tương tự bỏng nước sôi, phụ huynh cần an ủi để trẻ hợp tác khi xử lý vết bỏng. Tiếp đó, làm mát vùng da bị bỏng dưới vòi nước trong vài phút, bôi thuốc mỡ lên vết bỏng. Những ngày sau đó, phụ huynh nên băng vết bỏng lại, thoa thuốc bôi vào bông băng trước khi băng sẽ giúp bé đỡ đau hơn. Phụ huynh nên thay băng thường xuyên và rửa vết thương bằng nước muối một lần mỗi ngày. Trong trường hợp nghi ngờ nhiễm trùng hoặc trẻ gặp phải bất thường về sức khỏe, phụ huynh nên đưa bé đến cơ sở y tế.
Bỏng nắng: da trẻ nhạy cảm với các tia cực tím có hại, phơi nắng lâu khiến bế có nhiều nguy cơ bị bỏng da trên vùng rộng, gây nguy hiểm. Vào mùa hè, khi phụ huynh cho con đi chơi nên chuẩn bị sẵn sàng các loại kem chống nắng, mặc quần áo dài tay khi ra nắng. Nếu không may bị bỏng, phụ huynh cần đưa trẻ vào chỗ râm mát hoặc phòng lạnh, cho trẻ uống nước mát, làm dịu những vùng da bị bỏng đỏ bằng thuốc bôi ngoài da hoặc kem thoa sau khi đi nắng. Phụ huynh lưu ý không để trẻ tiếp xúc với ánh nắng trực tiếp ít nhất 48 tiếng, nếu bị rộp da hoặc có dấu hiệu say nắng hãy gọi bác sĩ.
Đối với những trường hợp trẻ bị bỏng do hóa chất, do điện giật, khu vực bị đốt cháy có màu trắng vết bỏng ở mặt, bàn tay, bàn chân, bộ phận sinh dục hoặc khớp, vết bỏng bao phủ 10% cơ thể trở lên... phụ huynh phải đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa bỏng để được chăm sóc, không tự ý xử lý khi chưa có hướng dẫn.
Theo VnEpress.vn
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất