15:22 05/09/2022

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Giáo dục là nền tảng của sự phát triển bền vững, quyết định tương lai dân tộc

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Nam Hà

Sáng 5/9, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự và đánh trống khai giảng năm học mới 2022-2023 tại Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Cùng dự với Chủ tịch nước có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong; Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi tới các thầy giáo, cô giáo, các bậc cha mẹ học sinh, các em học sinh trong cả nước nói chung, Trường THPT Chuyên Khoa học tự nhiên nói riêng những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Chúc toàn thể các thầy cô giáo và các em học sinh bước vào năm học mới đạt nhiều thành tích trong dạy và học.

treemVN
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến dự lễ khai giảng năm học mới tại Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Bộ GD&ĐT

Giáo dục là nền tảng của sự phát triển bền vững

Khẳng định, giáo dục là nền tảng của sự phát triển bền vững, quyết định tương lai của dân tộc, của đất nước; đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai; giáo dục vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự phát triển xã hội, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Từ khi nước nhà giành được độc lập đến nay, Đảng và Bác Hồ đặc biệt quan tâm, chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục, coi đây là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước.

Trong những năm qua, nhất là sau hơn 35 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, nhất là các thế hệ thầy cô giáo, đến nay nền giáo dục nước ta đã có những chuyển biến tích cực, đáng mừng. Chất lượng từng bước được nâng lên, hệ thống giáo dục quốc dân tiếp tục được hoàn thiện, mạng lưới cơ sở giáo dục, đào tạo tiếp tục được mở rộng ở tất cả các cấp học, bậc học, ngành học.

Vai trò, vị trí các cơ sở giáo dục, nhất là giáo dục đại học trong hệ thống dần được khẳng định, tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm được đề cao; chất lượng đào tạo từng bước được cải thiện, hệ thống chương trình đã được đổi mới, chú trọng phát triển các phẩm chất, năng lực cho học sinh; phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực cũng được chú trọng.

Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên được đẩy mạnh, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong giáo dục, đào tạo. Hợp tác quốc tế được tăng cường theo hướng chủ động, tích cực đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành giáo dục, cũng như yêu cầu phát triển bền vững, hội nhập quốc tế của đất nước.

Ghi nhận sự nỗ lực của ngành Giáo dục trong 2 năm học chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, Chủ tịch nước đánh giá: Trong bối cảnh đó, ngành giáo dục đã linh hoạt ứng phó, chuyển trạng thái hoạt động, nỗ lực cố gắng vừa bảo đảm an toàn phòng dịch, vừa hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ của năm học. Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn được giữ vững, có mặt còn tiến bộ hơn. Toàn ngành tiếp tục thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học và chuyển đổi số. Kỳ thi tốt nghiệp THPT trong 2 năm 2021 và 2022 được tổ chức thành công, an toàn, nghiêm túc.

“Trong bảng xếp hạng các quốc gia về lĩnh vực giáo dục năm 2021, Việt Nam xếp thứ 59, tăng 5 bậc so với năm 2020. Đặc biệt, trong nhiều năm qua, các đoàn học sinh nước ta tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế luôn đạt những thành tích cao, góp phần khẳng định vị thế của nền giáo dục Việt Nam trên thế giới.

Thành tựu chung đó có sự đóng góp tích cực của mỗi thầy cô giáo, mỗi em học sinh, của từng trường học, từng cơ sở giáo dục đào đạo, từng cán bộ và đơn vị quản lý giáo dục, cũng như sự quan tâm chăm lo của các bậc phụ huynh, của mỗi gia đình, mỗi dòng họ và toàn xã hội, trong đó có Trường THPT Chuyên Khoa học tự nhiên của chúng ta”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

z36965253321147ec110b90ec
Chủ tịch nước phát biểu tại lễ khai giảng. Ảnh: Bộ GD&ĐT

Bày tỏ sự vui mừng được đến dự lễ khai giảng năm học mới của Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, Chủ tịch nước chia sẻ: Tôi đặc biệt vui mừng về truyền thống và bảng vàng thành tích của các thế hệ thầy trò của 5 khối chuyên Trường Đại học Tổng hợp (trước đây) và Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên (hiện nay) đã dày công vun đắp trong 57 năm qua. Từ yêu cầu bồi dưỡng học sinh năng khiếu, phát hiện nhân tài trong lĩnh vực khoa học cơ bản của những năm 1960, đến nay Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên là ngôi trường giàu thành tích nhất cả nước về đào tạo học sinh giỏi, đang dần khẳng định vị thế trong những trường THPT danh tiếng của khu vực và thế giới, với 224 huy chương trong các kỳ thi Olympic quốc tế.

Đẩy mạnh hơn đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

Hoan nghênh ngành Giáo dục đã xác định chủ đề năm học 2022-2023 là “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo” và đề ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để triển khai thực hiện; để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm học 2022-2023, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị toàn ngành giáo dục nước nhà đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Trong đó, Bộ GD&ĐT tập trung chỉ đạo tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, hướng vào phát triển con người toàn diện cả năng lực và phẩm chất, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ của đất nước, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phấn đấu đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về giáo dục và đào tạo ở khu vực, bắt kịp với trình độ tiên tiến của thế giới, tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế.

Hoàn thiện các cấp học, bậc học trong hệ thống giáo dục quốc dân, phù hợp với từng loại hình đào tạo. Sắp xếp lại hệ thống trường học; phát triển hài hòa giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, giữa các vùng, miền, ưu tiên các vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo và các đối tượng chính sách bảo đảm điều kiện thuận lợi để mỗi người dân đều được thụ hưởng một cách công bằng những thành quả tốt đẹp của nền giáo dục nước ta. Nghiên cứu để hoàn thiện, ổn định hệ thống sách giáo khoa và chế độ thi cử ở các cấp học

khai-giang-chuyen-tn-9535
Học sinh Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên trong lễ khai giảng năm học 2022-2023. Ảnh: Bộ GD&ĐT

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục và đào tạo đúng hướng, hợp lý. Đầu tư thích đáng cho giáo dục và đào tạo chất lượng cao, trình độ cao; có chính sách đầu tư đặc thù cho vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện có hiệu quả các chính sách xã hội trong giáo dục và đào tạo.

Cùng với đề cao vị trí, vai trò và trách nhiệm xã hội, cần đổi mới mạnh mẽ chính sách đãi ngộ, chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt; thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách và giải pháp để cải thiện mức sống, nâng cao trình độ và chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Thực hiện bổ sung đủ biên chế giáo viên trong giai đoạn từ năm 2022 - 2026 theo đúng Kết luận của Bộ Chính trị.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận