09:49 05/11/2022

Định kiến 'cha mẹ đưa đón, con thiếu tự lập'

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Lan Phạm

Việc đưa đón của phụ huynh không phải là vấn đề khiến những đứa trẻ lớn lên bị lệ thuộc vào ba mẹ.

Mỗi lần đi ngang qua một số trường học, tôi thường thấy cảnh khá nhiều phụ huynh đang đưa con đi học hoặc đứng đợi con ra về trên những chiếc xe máy, ôtô lúc sáng sớm và xế chiều. Những lúc như vậy khiến tôi lại nhớ về hình ảnh những năm tháng đi học của mình, cũng được ba đưa đi đón về trong suốt những năm học dài đằng đẵng hồi đó.

Đại gia đình của tôi có đông con cháu. Mỗi gia đình nhỏ sẽ lại có một cách giáo dục con cái khác nhau. Nhưng sự an toàn luôn được đặt lên hàng đầu trong mỗi chúng tôi. Ba tôi từng kể rất nhiều về những ngày lúc ba còn đi học. Ba nói hồi đó đa số những đứa trẻ sẽ được học trường gần nhà vậy nên hàng xóm hay rủ nhau cùng đi bộ đến trường mỗi ngày. Hoặc chăng nếu ở xa và gia đình có điều kiện thì xe đạp là phương tiện tối ưu thời đó.

Hồi đó, ba kể đường phố thông thoáng và trật tự hơn bây giờ. Lúc ấy đâu có nhiều xe máy, ôtô, xe tải hay giao thông hỗn loạn, kẹt xe tắc đường như ngày nay. Tất nhiên, thành phố cũng không đông đúc, phồn hoa như hiện tại. Chính vì vậy, học sinh thời đó thường sẽ tự đi bộ cùng nhau đến trường mà không có ba mẹ đi theo.

Về sau, cùng với sự phát triển ngày càng hiện đại, đường phố cũng đông đúc người và xe cộ cá nhân hơn, vậy nên ba tôi luôn không yên tâm khi cho tôi đi học một mình. Ba đã đưa đón chúng tôi trong suốt những năm học, bởi ba đặt sự an toàn của con cái lên hàng đầu. Khi ấy, chúng tôi còn thường tâm sự chuyện trên lớp mỗi lần ngồi sau chiếc xe máy cũ kỹ với ba.

Sau này, khi lên đại học và đi làm, tôi đã tiếp cận các phương tiện công cộng và tự túc trên con đường riêng của mình. Thế nhưng, tôi vẫn nhớ những ngày được cùng ba tâm sự và đi về trên con đường đến trường. Những lần đưa đón đó có thể trở thành những hồi ức tốt đẹp giữa cha mẹ và con cái của họ. Đối với mỗi bậc làm cha làm mẹ, thứ họ quan tâm nhất có chăng chính là sự an toàn của mỗi đứa con của mình.

Mỗi lần đi ngang qua những cánh cổng trường đông đúc phụ huynh đang đứng chờ con kia, tôi lại thấy rất cảm động cho tình yêu thương con cái đó. Với họ, dành cho con điều tốt nhất, an toàn nhất không bao giờ là lãng phí thời gian cả. Có người dậy sớm, sắp xếp cân bằng thời gian bản thân phù hợp với lịch học của con; có người tranh thủ làm việc nhà nhanh gọn; có người lại cố gắng phấn đấu hoàn thành công việc của họ nhanh chóng, tất cả chỉ là để có thể đưa đón những đứa trẻ của mình an toàn đến trường hay về nhà.

Có người nhận xét "nếu cứ đưa đón những đứa trẻ như thế thì làm sao chúng lớn lên học cách tự lập được". Tôi là một người con từng được đưa đón hàng ngày, thế nhưng tôi hiện vẫn đang tự lập và độc lập với mỗi quyết định cuộc sống của bản thân mình. Việc đưa đón của phụ huynh không phải là vấn đề khiến những đứa trẻ lớn lên bị lệ thuộc vào ba mẹ, mà quan trọng chính là cách dạy dỗ của mỗi gia đình. Cũng giống như một người không giỏi giao tiếp nên họ ít nói, nhưng người ít nói thì chưa chắc đã không thành thạo về giao tiếp.

Việc đưa đón trẻ đi học và tính cách tự lập cũng như vậy. Nếu như mỗi gia đình có cách dạy bảo đúng đắn, tôi tin chắc mỗi đứa trẻ được đưa đón hàng ngày, khi lớn lên chúng sẽ vẫn độc lập, tự tin và tự trưởng thành trên đường đời bản thân. Còn đối với những bậc phụ huynh, an toàn của con cái chính là nỗi bận lòng lớn nhất của họ. Chỉ cần con cái an toàn, cha mẹ sẵn lòng bỏ thời gian, công sức để những đứa trẻ ấy trưởng thành trong bình an. Đối với họ, khoảng thời gian bỏ ra đó không được gọi là lãng phí.

Theo VnExpress

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận