Giữ mạch nguồn Soọng cô trong dòng chảy đương đại từ thế hệ trẻ
Soọng cô là nét văn hóa truyền thống của dân tộc Sán Dìu tỉnh Thái Nguyên. Những năm qua, người dân cùng chính quyền nơi đây chú trọng trao truyền văn hóa Soọng cô cho thế hệ trẻ, nhất là các bạn học sinh.
Đem Soọng cô vào trường học
Xã Bàn Đạt, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên có đến 50% dân số là người dân tộc Sán Dìu, nên năm 2012 xã Bàn Đạt, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã thành lập CLB Soọng cô, với 67 thành viên, ở 4 xóm Đồng Quan, Đá Bạc, Bờ Tấc, Cầu Mành.
Tuy nhiên, các thành viên trong CLB đều từ 50-70 tuổi. Trong khi đó, các thế hệ thanh niên, học sinh dân tộc ít người biết nói tiếng dân tộc và hát Soọng cô.
Bà Trương Thị Hải Nguyên, Hiệu trưởng trường THCS Bàn Đạt cho biết, trước thực trạng trên, để bảo tồn và lưu giữ làn điệu Soọng cô, truyền dạy cho thế hệ trẻ biết yêu, trân trọng và lưu truyền bản sắc văn hóa của dân tộc mình, nhà trường đã thực hiện dạy học sinh tiếng Sán Dìu, sau khi học sinh biết tiếng Sán Dìu sẽ dạy học sinh hát Soọng cô.
Theo khảo sát năm học tại khối 6,7,8, nhà trường có hơn 30 học sinh, thì có hơn 150 học sinh là người dân tộc Sán Dìu, trong số này chỉ có 50% học sinh biết nói tiếng Sàn Dìu (20% số học sinh biết nói thông thạo và có 6 em biết hát Soọng cô).
Là người được giao đảm nhận việc dạy tiếng Sán Dìu và hát Soọng cô cho học sinh trong trường, bà Mã Thị Hằng - giáo viên trường THCS Bàn Đạt cho biết, ngay khi có kết quả khảo sát tháng 4.2022, Nhà trường đã thành lập CLB nói tiếng Sán Dìu, bước đầu thành lập CLB có 25 học sinh tham gia, gồm cả học sinh là người dân tộc Sán Dìu và dân tộc Kinh.
CLB sinh hoạt 02 lần/tháng, bằng cả hình thức trực tiếp và gián tiếp tùy theo tình hình thực tế và có sự giám sát của giáo viên. Khi sinh hoạt, học sinh trong CLB sẽ dạy nhau theo hình thức: Bạn biết nhiều dạy bạn biết ít. Đến nay, CLB đã thu hút 53 học sinh của trường tham gia.
Sau khi các em học sinh đã nói được tiếng dân tộc thành thạo, tháng 9/2022, trường THCS Bàn Đạt thành lập CLB hát Soọng cô, với 08 thành viên ban đầu. Khi mới thành lập, hàng tuần nhà trường tổ chức cho thành viên đến nhà các nghệ nhân trong xã để học hát Soọng cô.
Bà Đặng Thị Năm, nghệ nhân hát Soọng cô ở xóm Đồng Quan, xã Bàn Đạt cho biết, trong các buổi sinh hoạt này chúng tôi cho các cháu học nghe các làn điệu Soọng cô; giúp các cháu tìm hiểu về ý nghĩa của những lời ca, câu hát, được luyện tập cách hát; bước đầu học những từ đơn giản và nâng dần độ khó; sau đó là giúp các cháu tự tin biểu diễn làn điệu Soọng cô.
Em Đặng Thị Liên, người tham gia câu lạc bộ chia sẻ,“Giờ đây em đã tự tin hát Soọng cô trong các hoạt động ngoại khóa, các hoạt động tập thể của trường và tham gia cùng CLB Soọng cô của xã khi giao với các CLB Soọng cô của các địa phương khác”.
Để phục vụ cho việc tìm hiểu, học hát Soọng cô của học sinh, hiện CLB nhà trường đã sưu tầm được 15 bài hát (12 bài lời cổ, 3 bài lời mới), ghi âm, ghi 10 file các bài hát do các nghệ nhân trong xã trình diễn. Các tài liệu sưu tầm được, nhà trường đã lưu giữ trong thư viện trường và đẩy lên trang fanpage của trường, của Liên đội.
Bà Trương Thị Hải Nguyên, Hiệu trưởng trường THCS Bàn Đạt chia sẻ thêm, những kết quả bước đầu trong việc giữ gìn, bảo tồn làn điệu Soọng cô của nhà trường còn khiêm tốn. Tuy nhiên, “vạn sự khởi đầu nan”, những kết quả bước đầu là những định hướng cơ bản, nền móng để Nhà trường tiếp tục duy trì và nhân rộng hoạt động của các CLB nói tiếng dân tộc Sán Dìu và hát Soọng cô. Thời gian tới nhà trường sẽ tổ chức cho học sinh biểu diễn Soọng cô trong các hoạt động ngoại khóa của trường, đặc biệt là trong các tiết học giáo dục địa phương.
Trợ lực từ chính quyền
Để mạch nguồn Soọng cô chảy mãi trong dòng chảy văn hóa đương đại, những năm qua, chính quyền các cấp luôn giành sự quan tâm “trợ lực” cho văn hóa truyền thống.
Những năm gần đây Đảng, Nhà nước có nhiều quan tâm thiết thực tới nét đẹp văn hóa hát Soọng cô. Minh chứng bằng Đề án “Bảo tồn, phát triển, phát huy giá trị di sản văn hóa, danh thắng, làng nghề và du lịch, giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2035”.
Trong Đề án có phần tổ chức lớp truyền dạy thực hành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia hát Soọng cô cho con em đồng bào dân tộc Sán Dìu. Theo đó, lớp trẻ hôm nay được truyền dạy kỹ thuật trình diễn, luyện giọng, âm điệu; kỹ năng hát đối đáp giao duyên; nghệ thuật sáng tác vần điệu trên nền cổ, rèn luyện khả năng ứng đối trong các cuộc hát.
Giá trị di sản văn hóa phi vật thể hát Soọng cô đang được quan tâm bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị. Cho dù xã hội hiện đại có nhiều dòng văn hóa thâm nhập vào đời sống của đồng bào, nhưng câu hát Soọng cô vẫn cất lên mỗi ngày, khẳng định sự tồn tại, phát triển không ngừng của đồng bào dân tộc Sán Dìu.
Với giá trị tốt đẹp của mình, năm 2015, hát Soọng cô của đồng bào dân tộc Sán Dìu, tỉnh Thái Nguyên được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm vinh dự, tự hào không chỉ của riêng đồng bào Sán Dìu, mà của nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên. Chính vì thế, hát Soọng cô cần được bảo tồn và phát huy giá trị.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất