15:02 22/05/2023

Làm thế nào để trẻ chăm đọc sách?

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Vũ Hải Nam

Trong thời đại hiện nay, không ít trẻ nhỏ mải mê với các thiết bị công nghệ mà lười đọc sách. Điều này khiến không ít người lo ngại về văn hóa đọc của thế hệ trẻ.

Theo Zing, ông Lê Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, dẫn một bảng xếp hạng, theo đó, trong Top 61 quốc gia đọc sách nhiều nhất thế giới có 3 quốc gia Đông Nam Á là Singapore, Malaysia và Indonesia, không có Việt Nam.

Ông chỉ ra tỷ lệ đọc của một số quốc gia Đông Nam Á cao vì có chính sách phát triển thói quen đọc. Chẳng hạn ở Malaysia, học sinh tiểu học luôn đọc sách 15 phút trước khi vào giờ học. Ở Hàn Quốc, cha mẹ đọc sách cùng con ít nhất 3 ngày/tuần, mỗi lần khoảng 30 phút.

Ở Thái Lan, một khảo sát trên 55.000 người chỉ ra thời gian đọc trung bình ở các độ tuổi lần lượt là: 71 phút/tuần với trẻ em, 94 phút/tuần với thanh niên, 61 phút/tuần với người lao động…

tre-luoi-doc-sach

Bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng - “đầu mối” cung cấp sách thiếu nhi của cả nước, cho biết: “Thực ra số lượng đầu sách tăng lên nhưng số lượng bản in giảm đi. Điều đó cho thấy sự lựa chọn đa dạng của người đọc và cũng cho thấy việc đọc mới chỉ tập trung ở một số thành phố lớn. Trước đây, một cuốn sách chúng tôi có thể in từ 20 đến 30 nghìn bản, còn hiện nay chỉ in từ 2 đến 5 nghìn bản. Như vậy, tính trên số trẻ em thì số lượng đó còn rất khiêm tốn”, bà Liên chia sẻ.

Phân tích rõ hơn về việc trẻ em lười đọc sách, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục (trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ trên báo Công an nhân dân rằng, Gen Z (sinh từ năm 1997 đến năm 2012) được định nghĩa là một thế hệ sáng lập, thế hệ đam mê tốc độ, một thế hệ bị ám ảnh với các màn hình, dành nhiều thời gian tương tác với màn hình hơn là tương tác với người trong tình huống thực.

Cùng với hội chứng FOMO (sợ bị bỏ lỡ), trường chú ý của Gen Z ngày càng ngắn lại so với các thế hệ trước, thậm chí chỉ chú ý khoảng 8s cho một thông tin họ tiếp cận được. Nó tạo ra một thách thức với văn hóa đọc truyền thống, đọc nghiền ngẫm nội dung để phát triển tư duy phản biện.

Trẻ em lười đọc sách gây ra nhiều hệ lụy mà nhiều bậc phụ huynh còn chưa nghĩ đến. PGS.TS Trần Thành Nam cảnh báo, những khảo sát dịch tễ học gần đây cho thấy tỷ lệ trẻ bị tăng động giảm chú ý thuộc thế hệ Gen Z đã tăng cao hơn so với thế hệ trước (khoảng 11%). Việc ưu tiên tốc độ khiến Gen Z có xu hướng giao tiếp bằng hình ảnh biểu tượng nhiều hơn, từ tin nhắn đến mạng xã hội.

Với các bản tin, họ hình thành thói quen đọc lướt, chỉ đọc các tiêu đề, các từ khóa theo phong cách vuốt xuống liên tục. Chính vì vậy, họ rất dễ dàng hiểu sai hoặc hiểu chệch hướng các nội dung đang được tiếp cận. Nhiều người trở nên quá lệ thuộc vào thiết bị công nghệ và ngày càng yếu hơn trong nhận thức về tình huống xã hội thường nhật… Điều này cũng tạo ra một thế hệ Gen Z dễ vỡ và dễ bị tổn thương bởi các vấn đề tâm lý và sức khỏe tâm thần nhất.

Làm thế nào để khuyến khích trẻ em đọc sách?

Để hỗ trợ phát triển văn hóa đọc gia đình, tạo cảm xúc và duy trì thói quen đọc sách cho trẻ, thời gian qua đã có nhiều Câu lạc bộ đọc sách ra đời và đã thu hút được sự quan tâm của các gia đình, như “Đọc sách cùng con”, “Sách ơi mở ra”... Tuy nhiên, theo bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng, điều quan trọng nhất là bố mẹ, thầy cô phải là người gương mẫu đọc sách cùng con cũng như tạo niềm hứng khởi để các con đọc sách. “Trẻ em có tính “bắt chước” rất cao, vì thế khi thấy cha mẹ, thầy cô lướt điện thoại thì trẻ em cũng chẳng tha thiết gì với việc đọc sách”, bà Liên nhấn mạnh.

tre-luoi-doc-sach
Cha mẹ cần làm gương để con hình thành thói quen đọc sách (Ảnh minh hoạ).

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, muốn trẻ con chăm đọc sách, trước hết phải chữa bằng được bệnh lười đọc sách của người lớn (bố mẹ, anh chị, thầy giáo…); ngăn chặn không để nó lan sang giới trẻ, nhất là trẻ em. Chúng ta vẫn từng nghe nói “chiếc lược văn học cho thiếu nhi” nhưng liệu có khiến các em ham mê đọc sách, trong lúc mà cha mẹ, thầy cô không dành thời gian cho sách, chỉ chăm chú vào chuyện cơm áo gạo tiền.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh, đọc sách có thể không đem tiền bạc đến cho chúng ta, nhưng làm tâm hồn ta thanh lọc, làm cho cuộc đời có ý nghĩa hơn. Những điều đó thì tiền bạc không thể thay thế.

Trong khi đó, TS Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Thái Hà Books - cho rằng điều quan trọng nhất để đọc nhiều sách là bản thân mỗi người phải yêu thích sách và tìm được cảm hứng mỗi khi cầm cuốn sách, tiếp đến mới là kỹ năng đọc. “Chúng ta phải xem đọc là một công việc mang tính chất chủ động. Con người có những thói quen tự nhiên, không cần cố gắng như ăn uống, hít thở, quan sát xung quanh. Nhưng để có được thói quen đọc, phải trải qua thời gian, sự kiên trì và nỗ lực”, ông Hùng nhấn mạnh.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận