17:37 16/09/2022

Lời con muốn nói

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Lan Phạm

Khi bước vào tuổi dậy thì, con trẻ bắt đầu thay đổi về tâm sinh lý. Lúc này, thay vì lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ, nhiều phụ huynh lại tự cho mình cái quyền được cáu gắt, mắng mỏ, ngăn cấm. Những hành động mang tính áp đặt này vô tình làm tổn thương tình cảm đôi bên và tạo ra khoảng cách ngày càng lớn giữa con cái và bố mẹ.

1
Khi con bước vào tuổi dậy thì, phụ huynh cần dành nhiều thời gian để lắng nghe và thấu hiểu. Trong ảnh: Các em học sinh lớp 12A5 Trường THPT Nguyễn Huệ trong giờ ra chơi.

Mong ba mẹ thấu hiểu

Ngày 11/9 vừa qua, nhiều phụ huynh của lớp 11A5, Trường THPT Nguyễn Huệ (TP.Vũng Tàu) đã trải qua buổi họp phụ huynh đầy cảm xúc. Đó là khi cô giáo chủ nhiệm dành thời gian khá dài cho một nội dung đặc biệt, phần kết nối yêu thương giữa cha mẹ và con cái. Cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Hồng Anh đề nghị các phụ huynh xem những bức “tâm thư” của con mình gửi gắm cho ba mẹ.

Trong thư gửi phụ huynh, các em đã thể hiện tâm tư, nguyện vọng, gửi những thông điệp cho ba mẹ mình mà trước đây các em chưa dám nói ra. Khi được nghe, được đọc những bức thư ấy, nhiều phụ huynh lặng người hoặc không khỏi nghẹn ngào, xúc động khi được nghe những lời tâm sự của con.

“… Ba ạ, con biết ba luôn muốn con đạt thành tích cao trong học tập, muốn con thực hiện những ước mơ mà ngày xưa ba bỏ lỡ. Vì vậy, con chưa bao giờ được sống cuộc sống của con, ước mơ của con. Ba chưa một lần hỏi con muốn gì, mỗi lần con học được điểm 9 điểm 10 con muốn được ba khen nhưng thay vào đó là một câu khiến con rất tổn thương: “Con người ta thi học giỏi quốc gia kia kìa. 10 điểm là cái gì đâu…”. Ba đâu biết con buồn lắm, con đã khóc không biết bao nhiêu lần vì ba mẹ cứ đem so sánh con với con nhà người ta… Ba mẹ đừng đặt quá nhiều áp lực vào việc học con.

Một lá thư khác của một bạn nữ: “Con muốn nói là con rất yêu mẹ nhưng mẹ luôn càu nhàu, quát mắng con. Nếu con nói lại thì mẹ lại cho rằng con hỗn hào khiến con rất ức chế. Chẳng lẽ con không có quyền nói lên suy nghĩ của mình sao? Con chỉ muốn mẹ hiểu con hơn”. “Con muốn ba mẹ cho con có quyền lựa bạn để chơi và đừng can thiệp quá sâu vào đời sống của con. Ba mẹ đừng so sánh con với các bạn khác, thay vào đó hãy lắng nghe con để ủng hộ những quyết định và ước mơ của con. Mong ba mẹ hãy lắng nghe và hiểu được tâm tư của con!”…

Đọc xong những dòng chữ của con gái, chị Vũ Thúy Hương không giấu được sự xúc động: Tôi cũng như các phụ huynh khác không ngờ rằng một hành động, một câu mắng trong khi tức giận, một lời so sánh con với bạn khác, những kỳ vọng quá lớn đặt vào con... lại khiến các con mang một tâm trạng nặng nề, tổn thương đến thế.

2
Cô chủ nhiệm Nguyễn Thị Hồng Anh cùng với học sinh lớp 12A5 tại lễ nhận Giấy khen năm học 2021-2022.

Hãy là “điểm tựa” tinh thần cho con

Một phụ huynh khác cũng cho biết, mỗi một lá thư là một bức thông điệp để người lớn suy ngẫm và tự vấn. Dù rằng, những suy nghĩ của trẻ còn phiến diện, và các con chưa lớn để hiểu rằng đằng sau những lời trách mắng, những kỳ vọng, lo âu là tấm lòng của ba mẹ. Vì thế, qua những bức thư, phụ huynh sẽ nghiêm túc nhìn nhận lại việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con mình. Và thay vì quản con thì nên dành thời gian lắng nghe và thấu hiểu con hơn.

Cô Nguyễn Thị Hồng Anh chia sẻ, để giúp phụ huynh học sinh thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của các con, cô đã gợi ý mỗi học sinh sẽ viết một bức thư “Lời con muốn nói” để gửi tới ba mẹ. Nhờ đó, các em đã mạnh dạn chia sẻ những lời yêu thương, những mong muốn, tâm tư… rất khó nói trực tiếp với phụ huynh. Cách làm này, sẽ giúp phụ huynh có thể lắng nghe trọn vẹn những tâm tư, tình cảm của con mình. Qua những “Lời con muốn nói”, phụ huynh sẽ nhận ra mình cần phải thay đổi, gần gũi để hiểu con hơn, thấu hiểu những cảm xúc, tâm trạng, mong muốn của con, là chỗ dựa tinh thần để tiếp thêm động lực cho con vượt qua mọi khó khăn.

Ở một góc nhìn khác, anh Nguyễn Trung Kiên cho rằng: “Người lớn đã từng là trẻ em, nhưng trẻ em thì chưa từng làm người lớn”, nên việc các con cứ mặc định rằng ba mẹ không hiểu con cũng chưa đúng. Có trường hợp phụ huynh không thể thấu hiểu con vì không phải đứa con nào cũng dễ dàng bày tỏ nỗi lòng với ba mẹ. Nhiều đứa trẻ không muốn nghe ba nói và cho rằng bản thân đang bị áp đặt. Với trường hợp này, người lớn thực sự phải thấu hiểu trẻ cần gì để không đánh mất dần cơ hội lắng nghe con, cũng như yêu cầu con cái phải lắng nghe mình.

Cuối buổi họp, cô giáo đã trao cho các bậc phụ huynh tấm thiệp nhỏ, để ba mẹ gửi gắm những tâm tư, tình cảm yêu thương đến các con. Những bức thư đong đầy cảm xúc và chứa chan tình yêu thương sau đó được đặt ngay ngắn trên mặt bàn, đúng vị trí của từng bạn. Để sáng hôm sau khi bước vào lớp các bạn sẽ vô cùng bất ngờ và hạnh phúc với món quà đặc biệt này.

Theo Báo Bà Rịa Vũng Tàu

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận