09:17 23/10/2022

Ngộ độc chì ở trẻ em: Những đồ dùng chứa chì, trẻ em nên tránh xa

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Tâm An

Các nghiên cứu khoa học từ lâu đã chỉ ra: Trẻ nhỏ đặc biệt dễ bị tổn thương vì các em có mức phơi nhiễm cao hơn người lớn vì chì ảnh hưởng đến não đang phát triển, có khả năng làm giảm khả năng trí tuệ.

Tuần lễ Quốc tế Phòng chống Nhiễm độc Chì (ILPPW) diễn ra từ 23 – 29/10/2022, “Nói không với nhiễm độc chì” là thông điệp chính của chiến dịch năm nay đánh dấu kỷ niệm 10 năm nỗ lực nhằm nâng cao nhận thức toàn cầu về các nguy cơ nhiễm độc chì.

Được phát động lần đầu tiên vào tháng 10/2013, Tuần lễ Quốc tế Phòng chống Nhiễm độc Chì (ILPPW) diễn ra vào tuần thứ ba của tháng 10 hàng năm là sáng kiến của Liên minh Toàn cầu về Loại bỏ sơn chì (Liên minh Sơn chì), do Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dẫn dắt.

Tuần lễ Quốc tế Phòng chống Nhiễm độc Chì (ILPPW) năm nay, nhấn mạnh nhu cầu cấp bách cần bảo vệ sức khoẻ của trẻ em thông qua hành động loại bỏ việc sử dụng sơn chì.

“Nghiên cứu năm 2022 của Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển và Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (CGFED) cho thấy tất cả 20 trẻ mầm non tham gia nghiên cứu đều có hàm lượng chì máu cao hơn mức độ tham chiếu của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC Mỹ) – là 3,5 µg/dL. Cụ thể hàm lượng chì máu trung bình của trẻ em tham gia nghiên cứu là 4,75 µg/dL, thấp nhất là 3,59 µg/dL và cao nhất là 9,77 µg/dL” – bà Nguyễn Kim Thúy, giám đốc điều hành CGFED cho biết.

chi

Các nguồn phơi nhiễm chì

Hiện nay, các nguồn tiếp xúc với chì chủ yếu bao gồm ô nhiễm môi trường từ các hoạt động khai thác, nấu chảy, sản xuất và tái chế chì, và sử dụng chì trong nhiều loại sản phẩm. Hơn 3/4 lượng chì tiêu thụ trên toàn cầu dành cho việc sản xuất ắc quy axit-chì cho các loại phương tiện giao thông có động cơ.

Các sản phẩm có chứa chì khác bao gồm:

Bột màu, sơn, chất hàn, kính màu, kính pha lê chì, đạn dược, men gốm, đồ trang sức, đồ chơi,

Một số mỹ phẩm như: phấn trang điểm mắt, mỹ phẩm dạng bột phấn có màu đỏ son hoặc cam-đỏ,

Các loại thuốc truyền thống được sử dụng ở các nước như Ấn Độ, Mexico và Việt Nam,

Nước uống được cấp qua đường ống làm từ chì hoặc nối bằng chất hàn chì cũng có thể chứa chì.

97ceae7d95307c6e2521

Chì vào cơ thể bằng cách nào?

Theo Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, chì vào cơ thể qua:

- Qua đường hô hấp: do hít phải bụi, không khí, khói, hơi có chì. Trẻ em tiếp xúc với các chất độc trong khí thở nhiều hơn so với người lớn (diện tích tiếp xúc ở đường hô hấp và thể tích khí hít thở cho mỗi đơn vị cân nặng của trẻ lớn hơn), chiều cao trẻ thấp hơn nên hít thở không khí ở gần mặt đất hơn nơi có nồng độ chì cao hơn. Tốc độ lắng đọng chì ở phổi ở trẻ em cao gấp 2,7 lần so với người lớn.

- Qua đường tiêu hóa: qua ăn, uống, do bàn tay (không vệ sinh tay trước khi ăn uống, đưa tay lên miệng) hoặc ngậm, mút các đồ vật có chì (trẻ em). Trẻ em hấp thu 40-50% lượng chì trong thức ăn trong khi người lớn chỉ hấp thu 10-15%. Đói, chế độ ăn thiếu dinh dưỡng, đặc biệt thiếu các ion như sắt, canxi, kẽm làm hấp thu chì qua đường tiêu hoá tăng lên. Như vậy, những người sống ở các khu vực ô nhiễm chì nếu chế độ ăn thiếu các chất khoáng trên thì càng dễ bị ngộ độc chì.

- Qua da: tuy kém hơn so với đường hô hấp và tiêu hóa nhưng vẫn gây ngộ độc, đặc biệt khi tiếp xúc kéo dài. Ô xít chì (thường gặp ở dạng hồng đơn, được dùng trong các thuốc nam lưu hành bất hợp pháp) hấp thu dề dàng qua da. Tỷ lệ diện tích da cho mỗi đơn vị cân nặng của trẻ em cũng lớn hơn người lớn nên hấp thu chất độc cũng nhiều hơn.

-  Qua nhau thai, sữa mẹ: chì qua nhau thai nên mẹ bị ngộ độc chì thì con cũng bị ngộ độc. Nồng độ chì trong máu của con bằng 80% nồng độ chì trong máu mẹ. Chì có thể qua sữa mẹ, tuy nhiên thông tin về con đường tiếp xúc này còn chưa đầy đủ.

Chì tồn tại trong cơ thể như thế nào?

Phân bố trong cơ thể:

- Sau khi được hấp thu, chì vào máu và ít nhất khoảng 99% lượng chì gắn với hồng cầu. Sau đó, chì vào các tổ chức mềm (nồng độ không ổn định) và vào xương (ổn định hơn). Về lâu dài, chì tập trung chủ yếu ở xương, đặc biệt ở vỏ xương. Ở người lớn, 95% lượng chì của cơ thể ở xương, trong khi ở trẻ em là 70%.

 Chì tích luỹ ở xương trong suốt cuộc đời, bắt đầu ngay từ khi là bào thai đến tất cả các hình thức tiếp xúc về sau này. Điều này đặc biệt quan trọng khi có thai, cho con bú, người cao tuổi có loãng xương và trẻ em bị bất động do gãy xương hoặc bệnh lý thần kinh. Chì tích luỹ ở răng, đặc biệt ngà răng trẻ em. Đây là nguyên nhân gây ngộ độc kéo dài và việc điều trị tốn thời gian.

- Chì trong thần kinh trung ương đặc biệt nguy hiểm. Chì ưu tiên tập trung ở các chất xám của não và tủy sống.

Thải trừ khỏi cơ thể:

- Lượng chì hấp thu vào cơ thể không được giữ lại sẽ được đào thải chủ yếu qua nước tiểu (khoảng 65%) và qua mật (khoảng 35%). Một lượng rất nhỏ qua mồ hôi, lông tóc và móng. Trẻ em giữ lại chì trong cơ thể nhiều hơn so với người lớn, trẻ giữ lại tới 33% lượng chì so với 1-4% ở người lớn. Một lượng chì đáng kể sẽ tồn tại trong cơ thể trong nhiều thập kỷ.

Chì gây độc như thế nào?

Tác dụng chung: Chì là chất độc phức tạp, có nhiều tác dụng khác nhau trên hầu hết các cơ quan của cơ thể.

Độc tính với thần kinh:

- Với thần kinh trung ương, chì gây tổn thương tế bào, gây chết tế bào thần kinh, kích thích thần kinh trung ương.

- Gây hủy hoại, thoái hóa dây thần kinh.

Độc tính với máu:  Chì gây thiếu máu do ức chế tổng hợp hồng cầu, rút ngắn tuổi thọ của hồng cầu do làm hồng cầu dễ bị vỡ.

Độc tính trên thận: Gây tổn thương thận, làm giảm thải trừ a xít uric qua nước tiểu nên gây tăng a xít uric và bệnh gout.

Độc tính trên tim mạch: Thông qua nhiều cơ chế khác nhau chì gây tăng co bóp thành mạch máu dẫn tới tăng huyết áp.

Trên khả năng sinh sản: Ngộ độc chì gây giảm chức năng sinh sản ở cả nam và nữ giới. Giảm chức năng nội tiết của tinh hoàn, giảm số lượng tinh trùng, thay đổi bất thường hình thái và tính di chuyển của tinh trùng, đặc biệt khi chì máu trên 40mcg/dL. Chì độc với trứng.

Trên bào thai:

- Chì qua được nhau thai để tới bài thai. Nếu mẹ bị ngộ độc chì thì bào thai sẽ bị ngộ độc chì. Chì máu mẹ trên 15mcg/dL tăng nguy cơ chậm phát triển của thai. Chì máu dưới 25mcg/dL có thể rút ngắn thời gian mang thai, giảm cân nặng của trẻ khi sinh. Chì còn gây tăng tăng tỷ lệ để non, sẩy thai, chậm phát triển trẻ sau sinh, tăng tỷ lệ các dị dạng thai và suy giảm sớm về tình trạng thần kinh tâm thần sau đẻ.

-  Chì gây dị dạng thai: thường là u máu, u lympho, hydrocele, skin tag, hở hàm ếch.

Nội tiết: Giảm chức năng tuyến giáp, chức năng nội tiết tuyến yên-thượng thận được thấy trên công nhân làm việc với chì. Trẻ em có nồng độ chì máu tăng có hiện tượng giảm tiết hormone và yếu tố tăng trưởng.

Hệ xương: Xương là nơi chì tập trung nhiều nhất của cơ thể. Chì làm giảm hình thành xương mới và mất cân bằng các tế bào xương. Giảm tăng trưởng xương và giảm chiều cao ở trẻ em bị ngộ độc chì.

Tiêu hoá: Co thắt ruột gây cơn đau bụng chì.

Biểu hiện ngộ độc chì

Theo Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, biểu hiện ngộ độc chì ở trẻ em thường rất kín đáo, rất dễ bị bỏ sót, chỉ có thể phát hiện thấy khi khám chuyên khoa kỹ lưỡng (ví dụ khám chuyên khoa tâm thần và đánh giá bằng thang điểm đánh giá phát triển tinh thần) và xét nghiệm.

Biểu hiện rõ:

- Thần kinh: hôn mê, co giật, có thể tăng kích thích, ngủ lịm từng lúc, liệt, thái độ hành vi kỳ dị, ít chơi, mệt mỏi, khó chịu, vô cảm, mất phối hợp, mất đi các kỹ năng học được, học kém, chậm phát triển tinh thần.

Khi trẻ có biểu hiện nặng trên thần kinh trung ương (hôn mê, co giật) thì 25-30% số trẻ này có di chứng (chậm phát triển trí tuệ, co giật, mù, liệt) vĩnh viễn.

- Tiêu hóa: Nôn, đau bụng, chán ăn

- Máu: thiếu máu

Biểu hiện kín đáo:

- Trẻ chậm phát triển, giảm khả năng nghe, chậm phát triển về thần kinh nhận thức, các hành vi hung hăng, chống đối xã hội, bạo lực, chứng tăng vận động và giảm tập trung.

- Các nghiên cứu cho thấy có mối liên quan tỷ lệ nghịch giữa chỉ số IQ của trẻ em và nồng độ chì máu, kể cả khi nồng độ chì máu dưới 10mcg/dL. Với chứng bệnh tăng vận động và giảm tập trung, ngay cả khi nồng độ chì máu dưới 10mcg/dL, trẻ có chì máu càng cao thì càng dễ mắc chứng bệnh này.

Ngộ độc chì ở trẻ em đặc biệt được quan tâm ở các nước phát triển vì lo ngại về ảnh hưởng của chì lên phát triển trí tuệ và thể chất của trẻ.

Phòng ngừa ngộ độc chì ở trẻ nhỏ

Rửa tay và đồ chơi: Nhằm giảm thiểu nguy cơ nhiễm độc chì do đưa tay lên miệng sau khi tiếp xúc với đất, bụi nhiễm độc chì. Bố mẹ hãy rửa tay cho trẻ sau khi bé hoạt động ngoài trời, trước khi ăn và trước khi đi ngủ. Ngoài ra, vệ sinh đồ chơi định kỳ cũng là biện pháp cần làm.

Vệ sinh nhà cửa: Thường xuyên dọn dẹp khu vực sinh hoạt, bệ cửa sổ hoặc những nơi dễ bám bẩn khác bằng dung dịch vệ sinh phù hợp.

Để giày ở bậc thềm: Vị trí để giày dép nên cách xa khu vực vui chơi của bé trong nhà để đề phòng nguy cơ nhiễm độc chì từ bụi bẩn dính ở đế giày dép.

Cẩn thận khi nấu nướng: Nếu nhà bạn dùng hệ thống ống nước đã cũ, hãy để vòi nước chảy khoảng một phút trước khi sử dụng. Ngoài ra, nấu ăn cho trẻ bằng nước tinh khiết hoặc nước đã qua máy lọc cũng là một gợi ý.

Chế độ ăn uống hợp lý sẽ giúp giảm nguy cơ cơ thể hấp thu chì. Một điều quan trọng khác mà bạn không nên bỏ qua là đảm bảo cả gia đình hấp thu đủ lượng sắt, vitamin C và canxi mỗi ngày. Các loại thực phẩm được đánh giá cao và tốt cho sức khỏe gồm: Sữa, thịt đỏ, phô mai, rau xanh, trái cây họ cam chanh.

Điều trị và theo dõi

Sau khi có kêt quả xét nghiệm về nồng độ chì trong máu, bác sỹ sẽ kết hợp với tình trạng bệnh thực tế của ban để đưa ra các biện pháp giải quyết cụ thể. Nếu nồng độ chì máu tăng, bạn có các biểu hiện ngộ độc chì rõ thì bạn cần điều trị toàn diện. Nếu nồng độ chì máu thấp dưới 10mcg/dL thì bạn không cần điều trị hay can thiệp.

Việc điều trị ngộ độc chì toàn diện nói chung gồm:

- Ngừng tiếp xúc với nguồn chì đã gây ra ngộ độc cho bạn: ví dụ ngừng dùng thuốc cam, cải thiện điều kiện làm việc nếu do tiếp xúc với chì trong lao động,…là biện pháp bắt buộc.

- Chữa các biểu hiện ngộ độc (hay còn gọi là điều trị triệu chứng): hôn mê, co giật cần được cấp cứu, truyền máu nếu thiếu máu nặng,…

- Tẩy độc: khi bạn mới tiếp xúc với chì, chì còn ở trên da, mắt, trong đường tiêu hóa và chưa hấp thu vào máu. Có thể tắm rửa bằng xà phòng, rửa dạ dày, rửa ruột, nội soi gắp chì trong đường tiêu hóa,…

- Dùng thuốc giải độc: là các thuốc khi vào cơ thể sẽ gắn với chì và được cơ thể đào thải qua nước tiểu. Đây là biện pháp có tính quyết định.

Lưu ý:

- Điều trị ngộ độc chì cần thời gian kéo dài hàng tháng đến hàng năm do chì thường đã gắn chặt ở xương. Bạn cần tuân thủ chặt chẽ theo hướng dẫn của bác sỹ và cách dùng thuốc, khám và xét nghiệm lại đúng theo hẹn.

- Mẹ có thai, mẹ đang cho con bú, trẻ nhỏ (kể cả trẻ sơ sinh) bị ngộ độc chì rõ thì vẫn cần điều trị.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận