Nhật Bản: Cấm bi nam châm vì nguy cơ gây thủng nội tạng trẻ
Nam châm dạng hạt là đồ chơi yêu thích của trẻ em được bày bán khá phổ biến. Tuy nhiên, loại đồ chơi này lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho trẻ.
Mới đây, Bộ Công nghiệp Nhật Bản đã lên kế hoạch sẽ cấm loại nam châm nhỏ nhưng có lực hút lớn làm đồ chơi cho trẻ em trong tháng 6 tới, khi nước này đã ghi nhận một loạt vụ tai nạn nghiêm trọng do nuốt phải nam châm.
Tại Nhật Bản, những bộ nam châm gồm nhiều viên nam châm dạng hạt hoặc hình vuông với kích thước từ 3 - 5 mm thường được mua bán trên các sàn giao dịch trực tuyến và được các nhà sản xuất ở nước ngoài phân phối.
Theo báo cáo số liệu từ Ủy ban điều tra an toàn người tiêu dùng thuộc Cơ quan các vấn đề về người tiêu dùng Nhật Bản, có ít nhất 11 vụ nuốt nhầm nam châm được ghi nhận ở trẻ từ 0 - 7 tuổi trong các năm từ 2017 đến 2022.
Trong các vụ việc nghiêm trọng, trẻ em đã nuốt phải nhiều viên nam châm cùng lúc. Sau đó các viên này di chuyển vào các vùng khác nhau trong cơ thể như ở dạ dày, ruột nôn và hút nhau lực từ lớn. Chính vì thế đã gây ra các lỗ thủng và các vấn đề khác trong nội tạng.
Từ tháng 6/2022, Bộ Thương mại Nhật Bản đã ra chỉ thị yêu cầu các bên phân phối phải đưa ra khuyến nghị tiêu dùng loại sản phẩm này cho lứa tuổi từ 14 trở lên.
Tờ Asahi dẫn lời bác sĩ nhi khoa Fumiko Tanaka tại Bệnh viện Saiseikai Yokohamashi Nanbu cho biết, trẻ em có thể sẽ vơ lấy các viên nam châm này khi người lớn không để ý. Vì vậy, nên để chúng rời xa tầm với của trẻ.
Theo tiêu chuẩn mới của Chính phủ Nhật, loại nam châm có đường kính nhỏ hơn 3,17cm phải có lực từ yếu để có thể được đào thải khỏi cơ thể một cách tự nhiên mà không gây hại.
Trước mối nguy hại này các quốc gia đã đưa ra nhiều biện pháp để hạn chế. Anh đã ban hành quy định yêu cầu tất cả đồ chơi nam châm phải kèm theo cảnh báo. Trong một nghiên cứu, giới hạn độ tuổi của những món đồ chơi này thường là trên 14 tuổi. Trên các trang web như YouTube, đồ chơi nam châm được quảng cáo rầm rộ mà không có cảnh báo chính thức dành cho phụ huynh và trẻ nhỏ.
Năm 2013, Canada cũng đã cấm loại đồ chơi làm từ nam châm vì chúng gây hậu quả nghiêm trọng nếu không may nuốt phải. Các chuyên gia y tế khuyến cáo nên loại bỏ tất cả các vật có kích thước nhỏ làm từ nam châm cho dù nó không phải là đồ chơi của trẻ em. Năm 2012, Mỹ cũng đã cấm lưu hành trên thị trường đồ chơi và phụ tùng máy tính xách tay làm từ loại nam châm này.
Các đề xuất và biện pháp từ các cơ quan chức năng vẫn chưa đủ, trách nhiệm của cha mẹ trong việc đảm bảo an toàn cho trẻ vẫn là quan trọng nhất, trong đó có việc để trẻ tránh xa tất cả các loại đồ chơi nguy hiểm, luôn quan sát và nhận biết những dấu hiệu bất thường ở trẻ để có biện pháp xử lý kịp thời.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất