Những điều cần biết về bệnh thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em
Thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em là một căn bệnh phát triển âm thầm và ít biểu hiện ra ngoài. Khi trẻ mới bị thiếu máu giai đoạn đầu, mẹ rất dễ bỏ qua những triệu chứng của bệnh thiếu máu ở trẻ nếu không quan sát cẩn thận.
Bệnh thiếu máu thiếu sắt là gì?
Theo Bệnh viện Nhi đồng 1 - TP. HCM, sắt là vi chất rất quan trọng trong việc duy trì nhiều chức năng của cơ thể, nhất là trong quá trình cơ thể sản xuất hemoglobin (là phân tử vận chuyển oxy của tế bào hồng cầu trong máu). Thiếu máu thiếu sắt xảy ra do cơ thể không được cung cấp đủ sắt đáp ứng nhu cầu tạo hemoglobin.
Trẻ sinh non thường bị thiếu máu từ khi sinh ra, còn trẻ sinh đủ tháng có sẵn chất sắt dự trữ. Qua 6 tháng đầu đời, lượng sắt trong cơ thể bé sẽ giảm và phải được bổ sung. Trong khoảng 9 đến 13 tháng tuổi, bé sẽ được kiểm tra lượng hemoglobin để xem có bị thiếu máu hay không.
Nguyên nhân thiếu máu thiếu sắt
Giảm cung cấp sắt
- Do chế độ ăn uống: Chế độ ăn chay, không có thực phẩm giàu chất sắt; uống nhiều sữa bò mỗi ngày làm giảm hấp thu chất sắt trong thực phẩm.
- Do những bệnh lý gây giảm hấp thu sắt: Phẫu thuật cắt bỏ tá tràng / cắt dạ dày; Bệnh viêm ruột (viêm hồi tràng-hỗng tràng, viêm ruột tự miễn...); Viêm dạ dày do Helicobacter pylori…
Tăng nhu cầu sắt: Trẻ em, trẻ sinh non; một số bệnh lý mạn tính, hóa trị liệu…
Mất máu: kèm theo các nguyên nhân gây chảy máu từ đường tiêu hóa, tiết niệu…
Nguyên nhân khác: Phẫu thuật, chấn thương; Sử dụng thuốc chống viêm không steroid kéo dài;
Thường gặp nhất ở trẻ em là nhiễm ký sinh trùng (giun sán).
Các triệu chứng của thiếu máu thiếu sắt
Trẻ bị thiếu máu mà không nhận ra, có thể được chẩn đoán khi xét nghiệm các tình trạng bệnh khác hoặc kiểm tra sức khỏe tổng quát. Triệu chứng phổ biến nhất của bệnh thiếu máu là mệt mỏi.
- Các dấu hiệu khác có thể gồm xanh xao, khó thở và nhịp tim không đều.
- Ít phổ biến hơn, những trẻ bị ảnh hưởng có thể bị đau đầu, đau cơ và rụng tóc. Một số trẻ cảm thấy ăn không ngon miệng, khó nuốt và loét miệng.
Các xét nghiệm cần thực hiện
- Tổng phân tích tế bào máu;
- Nồng độ Ferritin huyết thanh, sắt huyết thanh;
- Transferrin hoặc tổng khả năng liên kết sắt (TIBC);
- Máu trong phân;
- Xét nghiệm nước tiểu tìm máu hoặc hemoglobin;
- Và một số xét nghiệm khác tìm nguyên nhân gây bệnh Thiếu máu thiếu sắt.
Khi nguyên nhân thiếu máu không rõ ràng, trẻ có thể được làm thêm một số xét nghiệm chuyên sâu theo tư vấn của các bác sĩ huyết học.
Điều trị thiếu máu thiếu sắt
Chủ yếu là giải quyết nguyên nhân, đồng thời điều chỉnh chế độ ăn bổ sung sắt
- Bổ sung sắt bằng đường uống
3-5 mg sắt nguyên tố/ kg/ngày. Thường dùng dạng kết hợp với acid folic.
Uống khi bụng đói, có thể uống trong bữa ăn trong trường hợp gây khó chịu cho dạ dày
Thời gian sử dụng 3-6 tháng;
Bổ sung vitamin C hoặc uống nước cam để tăng hấp thu sắt.
Tác dụng phụ có thể xảy ra do sắt uống như khó chịu ở bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, táo bón và phân sẫm màu.
- Điều trị nguyên nhân
Cần chẩn đoán và điều trị nguyên nhân gây thiếu sắt tránh gây thiếu sắt tái phát.
- Truyền máu: Hạn chế truyền máu (chỉ truyền khi thật sự cần thiết)
Phòng bệnh thiếu máu thiếu sắt
Xác định bé có nguy cơ thiếu máu cao hay không. Những yếu tố nguy cơ gồm sinh non, sinh nhẹ cân, khẩu phần ăn thiếu sắt của bạn trong khi cho con bú, các loại sữa công thức của bé không được bổ sung đủ lượng sắt.
- Nuôi trẻ bằng sữa mẹ vì sữa mẹ có chứa dạng sắt đặc biệt dễ dàng hấp thu sắt hơn trong các loại thức ăn khác. Hoặc sữa bổ sung sắt dành cho trẻ trong năm đầu đời;
- Không cho bé dùng sữa bò trước 1 tuổi. Sữa bò có lượng sắt thấp và có thể gây kích ứng niêm mạc ruột của bé, dẫn đến sự mất sắt từ từ theo thời gian
- Thực hiện chế độ ăn cân đối giàu sắt, vitamin. Cho bé ăn thức ăn giàu vitamin C để giúp hấp thu sắt. Một vài lựa chọn cho bạn như ớt chuông đỏ, đu đủ, dưa vàng, bông cải xanh, dâu tây và cam.
- Xổ giun định kỳ hàng năm cho trẻ em trên 12 tháng tuổi.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất