Nỗi buồn nhà vệ sinh trường học nông thôn
Chất lượng các công trình nhà vệ sinh trường học đang có sự chênh lệch đáng kể giữa trường nông thôn và thành thị. Điều đó xuất phát từ sự đầu tư, quan tâm của mỗi địa phương, nhà trường với công trình này.
Chênh lệch chưa thể lấp đầy
Trường Tiểu học xã Thanh Vân (Quản Bạ, Hà Giang) có khoảng 500 học sinh tại điểm trung tâm và hơn 30 cán bộ, giáo viên, nhân viên nhưng chỉ có 7 nhà vệ sinh cho cả học sinh nam và nữ. Vào thời điểm “nóng” như giờ ra chơi, đầu giờ học, kết thúc buổi học thường xuyên diễn ra cảnh quá tải. Ước tính, để đáp ứng đủ yêu cầu về số lượng (chưa tính chất lượng theo quy định), trường cần được đầu tư, bổ sung xây mới thêm ít nhất 10 nhà vệ sinh.
Nhu cầu khá cấp thiết nhưng cô Nguyễn Hương Giang, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Để đầu tư xây dựng thêm vẫn trông đợi vào nguồn kinh phí từ huyện, xã hội hóa, các nhà hảo tâm… Trường chỉ có thể huy động về nhân công hỗ trợ. Dù còn thiếu cả về số lượng và chất lượng song do nguồn ngân sách đầu tư xây dựng vẫn nan giải, trường chỉ có thể cố gắng tu sửa nhỏ, duy trì bảo dưỡng, tăng cường vệ sinh để giảm bớt tình trạng quá tải và không ảnh hưởng tới sức khỏe, môi trường.
Tại Trường PTDTBT Tiểu học số 1 xã Sín Chéng (Si Ma Cai, Lào Cai), 4 năm trở lại đây, việc đầu tư xây dựng cơ bản của huyện được chú trọng, gắn liền với nhà vệ sinh trường học theo quy định (nhà 2 tầng phải kèm nhà vệ sinh). Do đó, khi xây dựng khu nhà 2 - 3 tầng, trường đồng thời được tăng thêm số lượng nhà vệ sinh từ 2 lên 16 hố phục vụ nhu cầu sử dụng cho 18 giáo viên và hơn 500 học sinh.
Số lượng nhà vệ sinh hiện có tuy chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nhưng, theo cô Hiệu trưởng Bùi Thị Hường, đã cải thiện đáng kể môi trường, vệ sinh trường lớp; tình trạng học sinh đi vệ sinh sai quy định đã giảm đáng kể.
“Trường đã coi việc chuẩn hóa nhà vệ sinh như một tiêu chí, nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng trường học hạnh phúc, thân thiện. Do đó yêu cầu nhân công tăng cường dọn dẹp, kiểm tra, thay thế sửa chữa thiết bị hỏng, cũ. Thậm chí, ban đại diện cha mẹ học sinh có thể cùng tham gia quản trị, kiểm tra đột xuất để đánh giá, góp ý chất lượng…”, cô Hoàng Thị Thanh cho hay.
Đối nghịch với các trường vùng cao, nông thôn khó khăn thì các trường thành thị đã nhận được sự quan tâm, đầu tư từ địa phương, phụ huynh, nhà hảo tâm. Cô Hoàng Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường THCS Hà Huy Tập (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, lớp học ở mỗi tầng đều có nhà vệ sinh cho nam và nữ, trang thiết bị sạch sẽ. Nhiều năm nay, trường không có tình trạng “xếp hàng” đi vệ sinh hoặc vừa vệ sinh vừa bịt mũi, nín thở…
Trường Tiểu học Khánh Nhạc B dù thuộc trường miền núi huyện Yên Khánh, (Ninh Bình) song chất lượng, số lượng công trình vệ sinh đã cải thiện, đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng của giáo viên, học sinh toàn trường.
Cô Trần Thị Hợi, Hiệu trưởng cho hay, dự kiến thời gian tới trường được đầu tư xây dựng một số công trình có nhà vệ sinh liền kề, như vậy sẽ tăng cường số lượng để tháo gỡ tình trạng quá tải trong những khung giờ nhất định. Còn hiện tại, trong bối cảnh đầu tư giáo dục khó khăn thì trường tập trung vào công tác duy trì, bảo dưỡng, vệ sinh hàng ngày…
Không để trở thành nỗi “ám ảnh”
Trong bối cảnh kinh phí dành cho giáo dục vẫn “nhìn trước, ngó sau”, giải pháp được các trường hướng tới là xây dựng nhỏ để tăng cường số lượng, bên cạnh đó nâng cấp, duy tu các nhà vệ sinh hiện có; làm tốt công tác vệ sinh hàng ngày...
Từ khi có nhà vệ sinh mới, Trường Tiểu học xã Thanh Vân (Hà Giang) tăng cường rèn luyện kỹ năng cho học sinh khi tham gia vệ sinh chung; đặc biệt các khối lớp (3, 4, 5) lên lịch dọn dẹp và phân chia đều để thực hiện. Tăng cường nguồn nước sạch phục vụ vệ sinh, sử dụng hàng ngày.
Để công trình vệ sinh không xuống cấp, dù các khoản chi tiêu chung được siết chặt nhưng nhà trường vẫn dành một khoản để hút bể phốt, thay thiết bị khi bị hỏng. Giáo viên mỹ thuật góp sức sơn sửa trang trí lại bên ngoài để nhà vệ sinh thân thiện với trò...
Là trường học có trên 1.000 học sinh, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân, Hà Nội) khẳng định luôn coi trọng yếu tố phục vụ. Làm sao để học trò được tận hưởng cơ sở vật chất tốt nhất trong quá trình học tập, phụ huynh yên tâm khi trao gửi con em cho nhà trường…
Do đó, để khu vực nhà vệ sinh luôn sạch sẽ, trường tăng cường dọn dẹp. Khâu vệ sinh không tiến hành theo các ca sáng, trưa, chiều… mà sau từng tiết, thậm chí ngay sau khi học sinh sử dụng. Ngoài ra, trường lắp đặt các thiết bị vệ sinh thân thiện, phù hợp với yêu cầu sử dụng của học sinh tiểu học…
“Nhà vệ sinh mới, đẹp đến mấy nhưng công tác vệ sinh, tu sửa không được tiến hành khoa học, kịp thời… theo thời gian cũng xuống cấp, mất vệ sinh. Vì vậy, công tác vệ sinh được trường quan tâm sát sao, tạo cảm giác thoải mái, thân thiện, không để học trò nhịn hay sợ đi vệ sinh tại trường...”, cô Nguyễn Thị Kim Ngọc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Đình Giót trao đổi.
Đối với Trường Tiểu học Quyết Tiến (Quản Bạ, Hà Giang), vấn đề thiếu nước cho công tác vệ sinh đang trở thành “nút thắt” trong duy trì chất lượng nhà vệ sinh học đường. Chia sẻ giải pháp, thầy Phạm Như Ý, Hiệu trưởng cho hay, thời gian tới một mặt đầu tư kinh phí để thông hút, mặt khác tăng cường nguồn nước sạch bằng cách khoan giếng, dẫn nước từ sông. Đưa hoạt động vệ sinh của các lớp vào đánh giá thi đua hàng tháng. Giáo viên cũng lồng ghép kỹ năng sử dụng nhà vệ sinh để dạy học sinh nhằm nâng cao ý thức bảo vệ công trình vệ sinh chung…
Việc đảm bảo số lượng, chất lượng nhà vệ sinh trong mỗi trường học theo chuẩn không dễ với cả trường thành thị lẫn nông thôn khi quỹ đất, đầu tư… còn hạn hẹp. Hình ảnh nhà vệ sinh sạch đẹp như trong khách sạn chỉ “lốm đốm” ở các trường ngoài công lập. Các trường công lập vẫn đang nỗ lực tìm giải pháp thỏa đáng… - Thầy Phạm Như Ý (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quyết Tiến, Hà Giang)
Theo Giáo dục Thời đại
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất