16:07 07/03/2024

Phát hiện 11 học sinh mắc thủy đậu, Quảng Nam quyết liệt ngăn chặn bệnh lây lan

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Tâm An

Sau khi phát hiện 11 học sinh mắc bệnh thủy đậu, ngành y tế huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) khẩn trương triển khai các biện pháp khử khuẩn, ngăn chặn bệnh lây lan và hình thành dịch.

Từ ngày 27/2 - 5/3, huyện Tây Giang ghi nhận 11 ca mắc bệnh thủy đậu tại xã Tr’Hy, trong đó 10 ca tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Tr’Hy và 1 ca tại Trường Mầm non liên xã (thuộc thôn Voòng).

Theo ngành y tế huyện Tây Giang, hiện nay các trường hợp mắc bệnh thủy đậu được điều trị tại nhà dưới sự giám sát của Trạm Y tế xã Tr’Hy. Tình trạng sức khỏe các em đều chuyển biến tốt, không có biến chứng nặng xảy ra.

Ông Yđêl - công tác tại Khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS - y tế công cộng - tư vấn điều trị nghiện chất - an toàn vệ sinh thực phẩm (Trung tâm Y tế huyện Tây Giang) cho biết, nguyên nhân bùng phát bệnh do thời tiết chuyển mùa, tiết trời nóng ẩm là môi trường phát triển của vi rút thủy đậu.

Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây ra tình trạng nhiễm trùng ngoài da với triệu chứng điển hình như phát ban, mụn nước, phỏng rộp chứa đầy dịch mủ gây ngứa ngáy vô cùng khó chịu. Bệnh có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn.

thuy-dau-1
Ngành y tế Tây Giang phun thuốc khử khuẩn phòng bệnh thủy đậu. Ảnh: BQN

“Trung tâm Y tế huyện Tây Giang đã triển khai phun hóa chất xử lý khu vực xuất hiện bệnh như lớp học, khuôn viên nhà trường và khu dân cư xung quanh. Đồng thời theo dõi sát tình hình sức khỏe học sinh mắc bệnh; mở rộng xác minh các khu vực có khả năng xuất hiện và lây lan bệnh. Đến nay chưa ghi nhận thêm trường hợp tại thôn Voòng, xã Tr’Hy mắc bệnh” - ông Yđêl nói.

Cùng với khoanh vùng, ngăn chặn bệnh lây lan, ngành y tế huyện Tây Giang phối hợp các địa phương, trường học đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức. Trong đó, tập trung tuyên truyền người dân thực hiện tốt vệ sinh môi trường, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, thực hiện ăn sạch, ở sạch.

Riêng với trường học cần giữ gìn đồ chơi cho trẻ sạch sẽ, đảm bảo ăn uống hợp vệ sinh, nhất là vệ sinh các dụng cụ ăn uống, khu vực ngủ nghỉ bán trú,…

Ngày 5/3, UBND tỉnh Quảng Nam có công văn đề nghị các sở Y tế, GD-ĐT, TT-TT và UBND huyện Tây Giang chủ động kiểm soát, không để dịch bệnh thủy đậu bùng phát, lan rộng và diễn biến phức tạp trên địa bàn Tây Giang.

UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan kiểm tra, hướng dẫn Trung tâm Y tế huyện Tây Giang triển khai công tác phòng chống dịch bệnh thủy đậu; thực hiện giám sát chủ động, điều tra, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi mắc bệnh để phát hiện sớm, điều trị kịp thời; xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện, không để bùng phát, lan rộng, kéo dài.

Theo dõi, giám sát chặt chẽ, đánh giá tình hình, dự báo diễn biến dịch bệnh thủy đậu trên địa bàn tỉnh; chủ động triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh thủy đậu một cách hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế; báo cáo tình hình dịch bệnh thủy đậu đang lây lan trong học sinh trên địa bàn huyện Tây Giang về UBND tỉnh để theo dõi, chỉ đạo kịp thời.

Sở GD-ĐT chỉ đạo Phòng GD-ĐT, các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện Tây Giang phối hợp với chính quyền địa phương và ngành y tế triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh thủy đậu trong nhà trường; tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp cho giáo viên và học sinh…

Những điều cha mẹ cần biết về bệnh thủy đậu

ThS.BS Nguyễn Phương Thảo – Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh khi mắc thủy đậu rất dễ gặp những biến chứng khó lường, vì vậy, việc cha mẹ nhận biết được biểu hiện bệnh sớm, theo dõi dấu hiệu trở nặng để đưa con đến cơ sở y tế điều trị kịp thời là vô cùng cần thiết”. 

thuydau
Bệnh thủy đậu là bệnh truyền nhiễm, do virus gây ra và thường bùng phát thành dịch vào mùa xuân

1. Nguyên nhân gây bệnh thủy đậu ở trẻ

Bệnh thủy đậu (Chickenpox) là bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp do virus Varicella Zoster (VZV) gây nên. Thủy đậu xảy ra chủ yếu ở trẻ em, biểu hiện bằng sốt và phát ban dạng nốt phỏng, thường diễn biến lành tính. Ở người có suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh, thủy đậu có thể tiến triển nặng dẫn đến các biến chứng nội tạng như viêm phổi, viêm cơ tim và có thể dẫn tới tử vong.

2. Biểu hiện bệnh thủy đậu

  • Giai đoạn tiền triệu chứng thường kéo dài 1-2 ngày trước khi xuất hiện ban. Người bệnh mệt mỏi, sốt từ 37,8°-39,4°C.
  • Ban trên da xuất hiện đầu tiên trên mặt và thân, nhanh chóng lan ra tất cả các vùng khác trên cơ thể.
  • Ban lúc đầu có dạng dát sẩn, tiến triển đến phỏng nước trong vòng vài giờ đến một vài ngày; Phần lớn các nốt phỏng có kích thước nhỏ 5-10 mm, có vùng viền đỏ xung quanh. Các tổn thương da có dạng tròn hoặc bầu dục; vùng giữa vết phỏng dần trở nên lõm khi quá trình thoái triển của tổn thương bắt đầu.
  •  Các nốt phỏng ban đầu có dịch trong, dạng giọt sương, sau đó dịch trở nên đục; nốt phỏng bị vỡ hoặc thoái triển, đóng vảy; vảy rụng sau 1 đến 2 tuần, để lại một sẹo lõm nông.
  • Ban xuất hiện từng đợt liên tiếp trong 2-4 ngày; trên mỗi vùng da có thể có mặt tất cả các giai đoạn của ban – dát sẩn, phỏng nước và vảy.

3. Đường lây

Virus thủy đậu lây truyền qua đường hô hấp. Nguồn lây lớn nhất là người bị thủy đậu; người bệnh có khả năng lây cho người khác khoảng 48 giờ trước khi xuất hiện ban, trong giai đoạn phát ban (thường kéo dài 4-5 ngày), và cho đến khi ban đóng vảy.

Thủy đậu là bệnh dễ lây truyền; tỷ lệ lây nhiễm lên đến 90% ở những người chưa có miễn dịch. Bệnh thường xuất hiện thành dịch ở trẻ em lứa tuổi đi học.

4. Phòng bệnh thủy đậu cho trẻ

Tiêm phòng vắc xin

  • Vắc xin thủy đậu là vắc xin sống giảm độc lực, được chỉ định cho tất cả trẻ em trên 1 tuổi (cho tới 12 tuổi) chưa mắc thủy đậu và người lớn chưa có kháng thể với Herpes zoster.
  • Vắc xin thủy đậu có tính an toàn và hiệu quả cao.
  • Trẻ em cần được tiêm một liều vắc xin và người lớn được tiêm hai liều. Một số trường hợp có thể có thủy đậu sau tiêm phòng.
  • Không tiêm vắc xin thủy đậu cho trẻ suy giảm miễn dịch nặng (trẻ nhiễm HIV có triệu chứng).

Dự phòng không đặc hiệu

  • Tránh tiếp xúc người bệnh bị thủy đậu hoặc Zona.
  • Vệ sinh cá nhân.

5. Chăm sóc trẻ mắc bệnh thủy đậu

Cách ly và kiểm soát tình trạng sốt và các biểu hiện kèm theo

 – Khi trẻ có triệu chứng sốt, phát ban phỏng nước, gia đình nên cách ly con không tiếp xúc với mọi người xung quanh để tránh lây nhiễm. Phòng thông thoáng, sạch sẽ, có ánh nắng mặt trời.

 – Nếu trẻ sốt trên 38º5 độ, cho trẻ uống thuốc hạ sốt thành phần paracetamol 10-15mg/kg cách 4-6 giờ/ lần, kết hợp chườm ấm. Lưu ý khi chườm ấm cho trẻ thủy đậu, cần dùng nước ấm tan giá (không quá ấm nóng) để tránh gây vỡ, bỏng rát các phỏng nước trên cơ thể.

 – Nếu con có các biểu hiện ho nhiều, khó thở, mệt mỏi, li bì cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám.

Vệ sinh cơ thể, chăm sóc da đúng cách 

Hiện nay, vẫn có nhiều người quan niệm mắc bệnh thủy đậu phải kiêng nước, kiêng gió nên không tắm cho con. Tuy nhiên, ThS.BS Nguyễn Phương Thảo khẳng định đây là quan niệm chưa đúng, khi trẻ mắc thủy đậu cha mẹ nên vệ sinh cơ thể, chăm sóc da đúng cách để tránh nhiễm khuẩn khiến tình trạng của trẻ càng nặng hơn:

 – Vệ sinh mắt mũi, răng miệng nhẹ nhàng cho con hàng ngày từ 2-3 lần bằng nước muối 0,9% vì thủy đậu có thể mọc trong miệng, nếu không vệ sinh có thể gây bội nhiễm.

 – Tắm cho con bằng nước ấm đun sôi để nguội (hạn chế dùng xà phòng tránh gây viêm nhiễm khi xà phòng đọng lại ở các nốt bong tróc).

  • Cho trẻ vào chậu nước, lấy tay té nước lên người nhẹ nhàng, dùng khăn xô mềm vỗ nhẹ lên các vùng da để làm sạch, không cọ xát mạnh gây vỡ nốt phỏng.
  • Sau khi tắm xong dùng khăn xô hoặc khăn loại chất coton dễ thấm, thấm  nhẹ nhàng toàn thân, mặc quần áo thoáng mát và có thể bôi xanh methylen, để sát khuẩn.

 –  Thường xuyên cắt móng tay cho con để trẻ không gãi mạnh làm vỡ các nốt thủy đậu, gây nhiễm trùng.

 

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận