16:08 19/09/2022

Sơ cứu đúng cách bỏng nước sôi ở trẻ em

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Tâm An

Bỏng là một trong những tai nạn thường gặp trong sinh hoạt hàng ngày. Nguyên nhân gây bỏng có nhiều loại, trong đó nước sôi là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều vụ bỏng nhất.

Khoa Chấn thương Chỉnh hình – Bỏng, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An mới đây đã tiếp nhận cấp cứu bệnh nhi H.T.B. (5 tuổi, Nghi Lộc) bị bỏng nước sôi 33% vùng ngực bụng, lưng, 2 tay, 2 đùi, bộ phận sinh dục, toàn bộ đều đắp thuốc lá và có mùi hôi.

Theo lời kể của gia đình, ngay sau khi bị bỏng, gia đình sơ cứu bằng nước lạnh cho bé, sau đó qua lời giới thiệu của hàng xóm, gia đình đem bé tới thầy lang ở Diễn Châu điều trị bằng thuốc lá.

bỏng_(2)
Trẻ bị bỏng nước sôi 33% vùng ngực bụng, lưng, 2 tay, 2 đùi, bộ phận sinh dục, toàn bộ đều đắp thuốc lá và có mùi hôi. Ảnh: BV Sản nhi Nghệ An

Tại đây, bé B. được thầy lang dùng thuốc lá xay nhuyễn đắp lên vết bỏng kết hợp kê thuốc kháng sinh hàng ngày cho bé uống.

Sau 01 tuần đắp thuốc lá, người nhà thấy bệnh tình bé không thuyên giảm, thể trạng yếu, nằm mệt, vùng bỏng không khỏi xuất hiện mủ kèm theo nôn ra máu, đi ngoài phân đen nên lập tức chuyển đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An để cấp cứu.

Từ đầu năm 2022 đến nay, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An đã tiếp nhận điều trị gần 100 trường hợp bệnh nhi bị bỏng, điều đáng tiếc đa phần các bé đều nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng vết bỏng do xử lý sai cách, phản khoa học.

Mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo về việc người dân bị bỏng nhưng không đến cơ sở y tế mà tự ý điều trị tại nhà, nghe theo lời mách bảo của những người không có chuyên môn gây thêm nguy hiểm cho trẻ. Vì vậy, theo các bác sĩ, ngay sau sơ cứu, gia đình cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa bỏng để được khám và điều trị kịp thời.

tải xuống
Ảnh minh họa

Các bước sơ cứu, xử trí ban đầu đối với bỏng nước sôi:

- Loại bỏ ngay tác nhân gây bỏng và đưa trẻ ra khỏi nơi có tác nhân.

- Nhanh chóng đưa vết bỏng vào dưới vòi nước hoặc vào chậu nước lạnh và sạch. Việc này giúp giảm nhiệt độ bỏng, giảm đau, giảm phù nề, viêm nhiễm và giảm độ sâu của vết thương, hạn chế tổn thương lan rộng. Nếu không, có thể dội nước mát sạch lên đó vài lần. Vì ngay cả khi đã không còn tiếp xúc với tác nhân gây bỏng, nhiệt tích tụ ở vết bỏng vẫn tiếp tục gây tổn thương sâu hơn.

- Sau đó bảo vệ vết thương để tránh tổn thương và nhiễm trùng thêm bằng cách dùng bằng gạc sạch hoặc vải mỏng băng nhẹ nhàng che phủ vết bỏng, tránh băng quá chặt làm tổn thương tại vết bỏng nặng thêm.

- Không được tiếp xúc trực tiếp với vết bỏng để tránh nhiễm khuẩn làm cho vết bỏng nặng hơn.

- Động viên, trấn an bé, nếu trẻ đau nhiều thì dùng thuốc giảm đau (paracetamol) đúng liều lượng.

- Nếu vùng bỏng lớn thì không nên cởi bỏ quần áo khiến bị lột da vùng bỏng, nên nhanh chóng dùng kéo cắt áo quần ra tách khỏi vết bỏng tránh việc áo quần dính chặt vào vết bỏng khiến vết bỏng bị đau rát, dễ viêm nhiễm.

- Nhẹ nhàng tháo bỏ các tư trang cá nhân, vòng lắc hoặc đồng hồ, giày dép… trước khi vết bỏng bị sưng nề.

- Sau sơ cứu ban đầu, nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các biến chứng.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận