10:13 01/09/2022

Trẻ em hào hứng với đồ chơi trung thu truyền thống

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Minh Tâm

Được trải nghiệm, tự tay làm nên những sản phẩm đồ chơi dân gian là điều mà rất nhiều trẻ em vui thích trong dịp Tết Trung thu.

Trung thu năm nay, dự án Về làng của Ngô Quý Đức kết hợp cùng Nala Garden Farmstay (Hòa Bình) tổ chức Vui Trung thu tại Nala.

"Về làng - Vui Trung Thu tại Nala" có sự góp mặt của các nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền (Thanh Oai, Hà Nội) hướng dẫn làm đèn kéo quân; nghệ nhân Nguyễn Văn Bột (ở phố Cổ - Hà Nội) hướng dẫn làm mặt nạ giấy; Nghệ nhân Phùng Đình Giáp (Thuận Thành, Bắc Ninh) hướng dẫn tỉ mỉ làm bộ phỗng đất; Nghệ nhân Nguyễn Văn Kha - nghệ nhân Tò he làng Xuân La, Phú Xuyên…

trung-thu-1
Trẻ em có mặt ở Nala được gặp gỡ các nghệ nhân làm đồ chơi dân gian, lắng nghe câu chuyện chế tạo đồ chơi
trung-thu-2
Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền, thôn Đàn Viên, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội năm nay đã bước sang tuổi 83, nhưng đôi bàn tay vẫn thoăn thoắt lướt nhẹ trên chiếc đèn kéo quân được làm từ tre nứa và giấy bóng
trung-thu-3
Cháu Lê Thị Thu Hiền, 13 tuổi, học sinh Trường THCS Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội được nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền chia sẻ về ý nghĩa của đèn kéo quân, và hướng dẫn các bước làm. Đèn kéo quân làm bằng giấy bao quanh khung tre gọi là lồng kéo. Xung quanh trục đèn có những vòng trụ giấy dán hình người, thú, cảnh vật… gọi là các tầng đèn. Loại đèn này có mục đích ban đầu là để trẻ em nhớ về lịch sử, giáo dục lòng yêu nước. Sau này, người dân mở rộng nhiều đề tài khác như ông quan trạng vinh quy bái tổ, cảnh tứ linh, bác nông dân làm ruộng, mục đồng chăn trâu...
trung-thu-5
2 cháu Bùi Đức Dũng và Bùi Đức Hùng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) được nghệ nhân Phùng Đình Giáp hướng dẫn tỉ mỉ làm bộ phỗng đất.
trung-thu-6
Bộ phỗng đất truyền thống gồm năm hình với năm ý nghĩa khác nhau về cuộc sống. Con chim bay trên trời thể hiện cho khát vọng hòa bình, con rùa gắn liền với biển cả bao la tượng trưng cho sự mạnh mẽ của sinh vật bé nhỏ trong không gian rộng lớn, em bé ôm bông hoa đại diện cho thế hệ con cháu, ông phỗng đứng là đại diện của thế hệ người già, ông phỗng hình Phật đặt ở vị trí trung tâm với mong muốn nhắn nhủ con cháu sống thiện lành, đúng mực.
trung-thu-7
Trong dịp Trung Thu, đèn ông sao là món đồ chơi dân gian phổ biến nhất của trẻ em Việt Nam. Về ý nghĩa của chiếc đèn này, dân gian có nhiều cách lý giải khác nhau. Trên phương diện văn hóa, người phương Đông quan niệm rằng hình ảnh ngôi sao 5 cánh tượng trưng cho ngũ hành tương sinh tương khắc. Đây chính là biểu tượng của sự cân bằng, hòa hợp trong thế giới. Vì vậy, chiếc đèn hình ông sao có tác dụng xua đuổi ma quỷ, cầu mong sự may mắn, bình an.
trung-thu-8
Cháu Đàm Thùy Dương (5 tuổi, ở Bắc Ninh) rất vui thích khi được trải nghiệm làm đèn ông sao - "Cháu sẽ làm đèn ông sao mang về tặng ông bà cháu".
trung-thu-9
Trẻ nhỏ vây quanh nghệ nhân Nguyễn Văn Kha để học cách làm tò he. Đối với người dân Việt Nam, tò he không chỉ là một món đồ chơi dân gian độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc mà đó còn là món ăn tinh thần gần gũi, tích lũy trí tuệ nhân dân qua nhiều đời.
trung-thu-10
Cháu Nguyễn Bảo Linh (12 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: "Con thích tự tay làm đồ chơi Trung thu. Con thích nặn tò he vì chúng có nhiều màu sắc, con thích tạo những bông hoa đủ sắc màu".
trung-thu-11
Cháu Hoàng Anh Tâm (11 tuổi, ở Từ Sơn, Bắc Ninh) tự tay tô vẽ lên mặt nạ giấy bồi. Mặt nạ giấy bồi khắc họa nhiều hình thái khác nhau: mặt nạ ông địa với nụ cười tươi mang biểu tượng của văn hóa nông nghiệp, gửi gắm hy vọng của nông dân về đất đai màu mỡ, khí hậu thuận hòa để cây cối xanh tốt, cây lúa phát triển, mùa màng bội thu; hình thỏ gắn với tích truyện chú cuội và chị Hằng, hay hình chó, hổ, trâu… là những con vật gần gũi với đời sống người Việt; hình tôn ngộ không, hình thằng Bờm….
trung-thu-12
Việc dạy cách làm đồ chơi dân gian, gắn với giới thiệu nguồn gốc, ý nghĩa của chúng như “Về làng - Vui Trung Thu tại Nala” tổ chức sẽ góp phần lưu giữ và phổ biến nét văn hóa truyền thống, qua đó tạo điều kiện cho nghề làm làm đồ chơi dân gian phát triển.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận