Tùy tiện bổ sung vitamin cho trẻ: Nguy hại sức khỏe
Vitamin có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe con người, nhất là trẻ em, nhưng không phải là “thần dược”. Tuy nhiên, thực tế không ít bậc phụ huynh với mong muốn con trẻ ngày càng khỏe mạnh, phát triển toàn diện đã cho trẻ bổ sung vô tội vạ các loại vitamin mà không có sự chỉ dẫn của bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng, dẫn tới những hệ lụy nguy hại cho sức khỏe.
Biến chứng nặng nề
Thời gian gần đây, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ nhỏ bị ngộ độc, hay gặp những biến chứng nguy hiểm do sử dụng vitamin quá nhiều.
Mới đây nhất, các bác sĩ của bệnh viện này tiếp nhận 2 anh em ruột V.L. (3 tuổi) và M.H. (18 tháng tuổi) ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng nôn, táo bón, đau bụng từng cơn 8-9 lần/ngày. Qua thăm khám, xét nghiệm, khai thác tiền sử sử dụng thuốc, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị ngộ độc vitamin D, suy thận cấp do uống quá liều trong thời gian dài. Người thân của bệnh nhi cho biết, vì muốn con phát triển khỏe mạnh, không bị còi xương nên cho 2 bé uống vitamin D mỗi ngày từ khi các bé sinh ra. Các xét nghiệm cho thấy cả 2 bệnh nhi đều bị tăng canxi máu, tăng canxi niệu, nồng độ vitamin D tăng rất cao so với giới hạn bình thường, thận hai bên nhu mô tăng âm…, buộc phải điều trị lọc máu, giải độc.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc, Khoa Thận - Lọc máu, Bệnh viện Nhi Trung ương, vitamin D là chất khoáng có vai trò quan trọng trong quá trình hấp thu, chuyển hóa canxi giúp xương chắc khỏe. Nhiều phụ huynh mong muốn con cao lớn nên cho con uống vitamin D từ nhỏ. Tuy nhiên, việc tăng cường bổ sung vitamin D kéo dài chính là nguy cơ tiềm tàng cho ngộ độc nếu sử dụng không đúng chỉ dẫn về liều lượng của bác sĩ.
“Ngộ độc vitamin D nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến các biến chứng nặng nề. Các triệu chứng thường gặp ở trẻ bị tăng canxi máu là ăn kém, giảm cân, đau bụng, nôn, táo bón… Một số trường hợp nặng có thể gây mất nước, suy thận, đe dọa đến tính mạng”, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc lưu ý. Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, cho rằng, việc lạm dụng vitamin có thể dẫn tới những hậu quả khôn lường. Đặc biệt đối với trẻ nhỏ, trước khi sử dụng bất kỳ loại vitamin nào, các bậc phụ huynh cần phải tham khảo ý kiến chỉ dẫn của thầy thuốc, không phải cứ thấy bổ mà có thể tùy tiện cho trẻ dùng.
Thận trọng sử dụng
Hiện nay, do nhu cầu cao về sử dụng các loại vitamin, thực phẩm chức năng (trong khi đây không phải là các loại thuốc bắt buộc phải có đơn của bác sĩ) nên các sản phẩm này được mua bán rất dễ dàng. Trên các trang mạng xã hội và nhiều sàn thương mại điện tử, có hàng ngàn sản phẩm thực phẩm chức năng, thuốc bổ, vitamin được rao bán, quảng cáo tràn ngập như: giúp trẻ phát triển toàn diện trí tuệ, hỗ trợ trẻ tăng trưởng nhanh, giúp trẻ ăn ngon, ngủ ngon...
Giá cả của các loại thực phẩm chức năng, vitamin cũng rất đa dạng, từ vài chục ngàn đồng đến vài triệu đồng, nhưng đáng lo ngại là phần lớn các sản phẩm này đều không rõ nguồn gốc. Chính tình trạng buôn bán tràn lan các vitamin, thực phẩm chức năng nhưng không cần đơn thuốc, cùng với việc quảng cáo, tuyên truyền không chính xác về tác dụng sản phẩm đã tạo nên sự lạm dụng, dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng cho người dùng.
Theo các bác sĩ, vitamin được chia làm 2 nhóm: vitamin tan trong nước và vitamin tan trong dầu. Các vitamin tan trong nước là các vitamin nhóm B, vitamin C, PP, vitamin H. Nếu lượng bổ sung nhiều hơn nhu cầu cơ thể thì sẽ bị đào thải qua hệ bài tiết hoặc tiêu hóa, song nếu bổ sung quá cao so với nhu cầu thì cơ thể có thể bị ngộ độc do đào thải không kịp. Đối với các loại vitamin tan trong dầu như vitamin A, D, E, K, khi dư thừa sẽ được tích lũy trong cơ thể, không thể đào thải, gây ra những hệ lụy cho sức khỏe người sử dụng.
Cụ thể, vitamin A có tác dụng bảo vệ mắt, chống quáng gà và bệnh khô mắt, tăng cường sức đề kháng của cơ thể chống lại các bệnh nhiễm trùng. Thế nhưng, khi bổ sung vitamin A với lượng lớn hoặc kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ ngộ độc, làm tăng áp lực nội sọ dẫn đến buồn nôn, nôn, đau đầu. Trong khi đó, vitamin C được sử dụng rất phổ biến để tăng sức đề kháng và chống lão hóa, nhưng lạm dụng thường xuyên có thể gây viêm loét dạ dày tá tràng, tiêu chảy, tán huyết, giảm thời gian đông máu, sỏi thận, viêm đường tiết niệu. Riêng sử dụng quá mức vitamin B1 có thể bị ngộ độc, chóng mặt, choáng váng, dị ứng cơ thể; hay sử dụng vitamin B6 (được dùng để dự phòng bệnh đa dây thần kinh ngoại biên) dư thừa sẽ có biểu hiện tê bàn chân, bàn tay, thậm chí mất cảm giác.
Bác sĩ Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Khám, tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết, vitamin và các chất khoáng là những yếu tố cần thiết cho sự phát triển cơ thể, nhất là với trẻ em. Tuy nhiên, việc bổ sung vitamin và khoáng chất cho trẻ phải hết sức thận trọng vì chúng có nhiều tác dụng phụ không mong muốn như bất kỳ thuốc chữa bệnh nào. “Thiếu vitamin và khoáng chất thì không tốt cho sức khỏe, nhưng nếu thừa thì nguy hiểm không kém nên luôn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa nhi”, bác sĩ Hải nhấn mạnh; đồng thời khuyến cáo việc bổ sung vitamin không thay thế được thức ăn, mà vẫn phải ăn uống đầy đủ, cân bằng các nhóm thực phẩm.
Theo Sài Gòn Giải Phóng
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất