Vụ quán cà phê từ chối phục vụ trẻ em dưới 12 tuổi: Chuyên gia lên tiếng
"Các phụ huynh nên giáo dục con mình biết thích nghi với những quy tắc, luật lệ khi đến nơi công cộng, chứ không phải nuông chiều con quá đáng", chuyên gia tâm lý Việt Anh bày tỏ quan điểm.
Vụ việc một quán cà phê tại thành phố Đà Nẵng đăng thông báo về việc từ chối đón tiếp khách hàng là trẻ em dưới 12 tuổi đang nhận nhiều sự quan tâm của dư luận, gây ra tranh cãi trái chiều.
Trước đó, vào tháng 4 năm nay, quán cũng đã đăng tải một bài đăng lịch sự nhắc nhở phụ huynh hãy để ý, nhắc nhở trẻ em khi gây ồn ào. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn tiếp diễn nên đây như “giọt nước tràn ly”.
Nhiều khách cho rằng, họ từng chứng kiến quá nhiều lần cảnh trẻ em bứt hoa, phá vườn, làm vỡ đồ đạc của chủ quán,... chưa kể còn làm ồn trong một không gian "phong cách yên tĩnh, mộng mơ" mà quán hướng tới.
Trả lời câu hỏi của PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam về quan điểm của một người làm dịch vụ về vụ việc này, chị Nguyễn Thị Thu Hường - quản lý một quán cà phê "sống ảo" nổi tiếng tại Hà Nội cho biết, quán chị hiện nay có hai cơ sở, một quán theo khuynh hướng yên tĩnh, chuyên đón những vị khách đến để làm việc, một quán theo hướng sôi động để các bạn trẻ đến "sống ảo".
Vị trí hai quán này đều nằm ở nơi chủ yếu tập trung các hộ dân cư, trường học nên cuối tuần các bé hay được bố mẹ dẫn tới.
“Tất nhiên, các bé không tránh khỏi sự hiếu động dẫn đến ồn, ảnh hưởng đến các khách hàng xung quanh. Lúc đó, cách xử lý khéo nhất là nhờ bố mẹ các bé nhắc nhở nhẹ nhàng hoặc tặng bánh kẹo nhỏ để bé ngoan hơn”, chị Hường nói.
Chị cho rằng, cách giải quyết như quán cà phê trên gây ra rất nhiều hiểu nhầm. Đối với những bạn trẻ chưa có con thì không sao, nhưng với những phụ huynh có con dưới 12 tuổi thì đọc sẽ hơi chạnh lòng. Trên thực tế, chị thấy nhiều em nhỏ rất đáng yêu, dễ thương.
“Theo quan điểm cá nhân của tôi, các bé gần 12 tuổi cũng đã đủ hiểu biết, nhận thức về việc làm hiếu động của mình. Do đó, nếu có sự việc không may xảy ra, bố mẹ có thể nhắc nhở, và nhân viên quán xử lý bằng nhiều cách như: Cho em nhỏ một cuốn truyện tranh, giấy tô màu, bánh kẹo,... để các em có thể điềm tĩnh hơn. Điều này sẽ làm bố mẹ các bé hài lòng và thu hút được nhiều khách hàng mới đến hơn. Làm kinh doanh mà quán cấm trẻ dưới 12 tuổi thì tôi không thể hiểu nổi”, chị bày tỏ.
PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam cũng đã có những trao đổi với chuyên gia tâm lý TS. Vũ Việt Anh về vấn đề này. Anh cho rằng, bất cứ gia đình nào cũng có những quy định riêng, và một tổ chức cũng thế, khi đã đến quán, phải chấp nhận những quy định của nơi đó. Con người muốn phát triển được thì đầu tiên phải biết thích nghi, tôn trọng những người xung quanh.
Anh cho rằng, nhiều phụ huynh hiện nay vẫn còn quá quan trọng điểm số, nhưng kết quả học tập của các con chỉ để đánh giá một quá trình phấn đấu, bằng cấp, giá trị bên ngoài đôi khi chỉ là những hệ quả của những giá trị bên trong.
Theo đó, anh nhấn mạnh, tất cả các phụ huynh nên giáo dục các con biết thích nghi với những quy tắc, luật lệ khi đến nơi công cộng, chứ không phải nuông chiều con quá đáng.
Bản thân phụ huynh chưa thay đổi, không biết thích nghi, không đáp ứng được với những đòi hỏi, yêu cầu của xã hội sẽ không thể nào phát triển được.
“Từ xa xưa, các cụ đã dạy “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” nhằm khẳng định những giá trị nền tảng, cốt lõi như nhân cách, phẩm chất, đạo đức rất quan trọng. Đó là những điều cha mẹ nên dạy cho các con, rèn luyện để có được phẩm chất của người thành công”, chuyên gia Việt Anh cho hay.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất