1/5 số trẻ vị thành niên Việt Nam có vấn đề về sức khỏe tâm thần
Trong 12 tháng qua, 1/5 số trẻ vị thành niên Việt Nam (21,7%) có vấn đề về sức khỏe tâm thần trong đó 1/30 đáp ứng các tiêu chí đối với một rối loạn tâm thần (3,3%).
Trong khuôn khổ Dự án quốc tế Điều tra quốc gia về Sức khỏe tâm thần vị thành niên Việt Nam, ngày 18/11, Viện Xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã công bố kết quả nghiên cứu Sức khỏe tâm thần vị thành niên Việt Nam.
Tại buổi công bố kết quả nghiên cứu, các chuyên gia nhận định, xác định tỷ lệ của các rối loạn tâm thần cũng như đo lường các nguy cơ tiềm ẩn cũng như yếu tố bảo vệ là điều cần thiết để phòng ngừa hiệu quả, cung cấp thông tin cho việc xây dựng các chính sách sức khỏe tâm thần và lập kế hoạch nguồn lực hiệu quả cho sức khỏe tâm thần vị thành niên.
Theo Báo cáo Điều tra Sức khỏe Tâm thần Vị thành niên Việt Nam (V-NAMHS), vị thành niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần là những người có ít nhất một nửa các triệu chứng cần để xác định một rối loạn tâm thần nhất định nhưng không nhất thiết phải hội tụ đủ tất cả các tiêu chí cần để chẩn đoán một rối loạn tâm thần. Vị thành niên bị rối loạn tâm thần là những người đáp ứng đầy đủ các tiêu chí chẩn đoán về một rối loạn tâm thần.
Theo Báo cáo, trong 12 tháng qua, 1/5 số trẻ vị thành niên Việt Nam (21,7%) có vấn đề về sức khỏe tâm thần trong đó 1/30 đáp ứng các tiêu chí đối với một rối loạn tâm thần (3,3%). Lo lắng là vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến nhất (18,6%), tiếp theo là trầm cảm (4,3%).
Xét tổng thể, chỉ 6,5% vị thành niên đã tiếp cận các dịch vụ này trong 12 tháng qua và hơn một nửa (50,8%) chỉ tiếp cận một lần. Chỉ 5,1% cha mẹ xác định rằng vị thành niên của họ cần được giúp đỡ đối với các vấn đề về cảm xúc và hành vi trong 12 tháng qua, mặc dù 21,7% thanh thiếu niên đã gặp phải vấn đề sức khỏe tâm thần trong cùng thời kỳ.
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến cuộc sống của vị thành niên, với 7,7% vị thành niên cho biết họ thường gặp ít nhất một vấn đề về cảm xúc hoặc hành vi nhiều hơn bình thường trong thời gian đại dịch Covid-19.
Cũng theo Báo cáo, chỉ một số ít vị thành niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần được hưởng dịch vụ (8,4%). Để hỗ trợ vị thành niên, điều quan trọng là việc tầm soát sức khỏe tâm thần phải được lồng ghép vào các dịch vụ y tế đa khoa hiện có, đồng thời cung cấp giáo dục và đào tạo về sức khỏe tâm thần và lộ trình chuyển tuyến cho các bác sĩ đa khoa. Bên cạnh đó, các kế hoạch sức khỏe tâm thần quốc gia trong tương lai cần xem xét những nhu cầu cụ thể của vị thành niên bên cạnh những kế hoạch rộng hơn cho người lớn.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất