08:04 06/09/2022

4 thách thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong năm học mới

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam An Nhiên (t/h)

Năm học mới 2022-2023, Bộ GD&ĐT sẽ làm cách nào giải quyết hàng loạt những vấn đề nóng như thiếu giáo viên do lương thấp, học phí tăng cao, đổi mới trong thi tốt nghiệp THPT,… Đó là những vẫn để không chỉ giáo viên, học sinh, các chuyên gia mà cả xã hội quan tâm.

Thiếu giáo viên

Tình trạng thiếu giáo viên đã diễn ra nhiều năm nay trở nên trầm trọng hơn khi chương trình giáo dục phổ thông mới (GDPT) được triển khai.

Theo Bộ GD&ĐT, cả nước còn thiếu gần 95.000 giáo viên các cấp, đồng thời thừa giáo viên cục bộ ở nhiều địa phương, cấp học. Trong năm học trước, Bộ có nhiều nỗ lực, tham mưu để khắc phục tình trạng này nhưng chưa đạt kết quả như mong đợi.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 10 năm (2012-2022), học sinh cả nước tăng 4 triệu, từ 17,8 lên 21,8 triệu, tương đương 22,51%. Trong khi đó, số giáo viên tăng 8,7%. Nếu tính riêng bậc phổ thông, học sinh tăng hơn 21%, còn giáo viên giảm 4,05% (từ 847.500 xuống 813.200).

Theo phân tích của Bộ GD&ĐT, tình trạng thiếu giáo viên do hai lý do chính: Không có biên chế; có biên chế nhưng không có nguồn tuyển. Năm học tới, ngành giáo dục được bổ sung trên 27.500 biên chế giáo viên các cấp học. Tuy nhiên việc đào tạo giáo viên đủ điều kiện về trình độ theo yêu cầu mới không kịp để bổ sung cho nguồn tuyển. Một số địa phương khó khăn chưa có cơ chế thu hút giáo viên.

Mặt khác, đây cũng là năm học đầu tiên áp dụng chương trình giáo dục mới vào bậc THPT từ lớp 10. Những thuật ngữ về tổ hợp, định hướng nghề, môn tự chọn... lần đầu được nhắc đến và áp dụng khiến cả giáo viên và học sinh các trường đều bỡ ngỡ và lúng túng khi triển khai.

Triển khai chương trình sách giáo khoa mới

Chương trình giáo dục phổ thông mới phê duyệt được hơn 3 năm và triển khai sang năm học thứ 3. Học sinh lớp 3, 7 và 10 năm học 2022-2023 sẽ học chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 và sách giáo khoa mới. Với lớp 3 và 7, học sinh đã học chương trình mới từ 1-2 năm trước nên không có nhiều vấn đề trong việc triển khai. Tuy nhiên, lớp 10 có sự thay đổi lớn khi học sinh bước vào giai đoạn định hướng nghề nghiệp.

1652778873252-01-1190-16582268483151747801489
Chương trình lớp 10 mới xếp Lịch sử vào môn lựa chọn. Ảnh: baochinhphu

Ngay khi chưa áp dụng, chương trình lớp 10 mới đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều khi xếp Lịch sử vào môn lựa chọn. Trước yêu cầu của Quốc hội về việc Lịch sử cần bao gồm cả phần bắt buộc và lựa chọn, Bộ GD&ĐT phải thay đổi chương trình ở phút chót khiến các trường xoay như chong chóng.

Chương trình cấp THPT từ 7 môn và hoạt động giáo dục bắt buộc (như ban hành năm 2018) tăng lên thành 8, số môn lựa chọn giảm từ 10 xuống còn 9. Học sinh không lựa chọn 5 môn từ 3 nhóm như trước mà được chọn bốn môn bất kỳ. Hầu hết trường không để học sinh chọn tự do mà đưa ra một số tổ hợp nhất định. Các tổ hợp được đưa ra trước khi tuyển sinh song sau phải đổi để học sinh chọn lại.

Năm học 2022 - 2023, nhiều địa phương không triển khai được môn nghệ thuật ở lớp 10 dù học sinh lựa chọn môn học này. Lý do là không có giáo viên cơ hữu, cũng chưa đề xuất được giải pháp để huy động nguồn giáo viên khác cho môn học này.

Học phí phổ thông, đại học tăng cao

Năm học 2022-2023, Nghị định 81/2021 của Chính phủ về khung học phí mới sẽ được áp dụng. Học phí phổ thông tăng 40.000-350.000 đồng một tháng, tùy cấp và khu vực, so với hiện hành. Dù mức tăng không quá lớn, học phí mới vẫn tạo ra gánh nặng với những phụ huynh có thu nhập thấp, nhất là khi Covid-19 đã ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống xã hội.

Đầu tháng 7/2022, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn gửi đề xuất lên Chính phủ xin miễn toàn bộ học phí cho học sinh THCS trên toàn quốc. Bên cạnh đó, Bộ cũng kiến nghị Chính phủ ban hành nghị quyết đối với học phí năm học 2022 - 2023 với toàn bộ các cấp học khác để các đơn vị kịp thời triển khai thực hiện.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT từng kiến nghị Chính phủ lùi thời gian áp dụng khung học phí theo Nghị định 81 thêm một năm, tuy nhiên đến nay việc này vẫn chưa có động thái gì khác.

Đổi mới thi tốt nghiệp THPT

Từ năm học 2022 - 2023, chương trình GDPT mới được áp dụng vào lớp 10 theo hướng chú trọng phát triển năng lực và định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ sớm ngay trên ghế nhà trường.

Ngoài 6 môn bắt buộc (Toán, Văn, Ngoại ngữ, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng), chương trình mới chia ra 3 nhóm môn tự chọn khác nhau. Nhóm 1: Vật lý, Hóa học, Sinh học. Nhóm 2: Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật. Nhóm 3: Công nghệ, Âm nhạc, Tin học, Mỹ thuật. Việc học sinh lựa chọn các nhóm môn khác nhau dựa trên năng lực và định hướng nghề ngiệp riêng. Do đó, việc kiểm tra, đánh giá các em cũng cần được đổi mới.

Tại cuộc họp báo do Bộ GD&ĐT tổ chức sau kỳ thi tốt nghiệp THPT hôm 8/7, ông Lê Mỹ Phong, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, thông tin kỳ thi năm 2023 cơ bản ổn định và sẽ sớm được công bố. Tuy nhiên, kỳ thi năm 2025 sẽ hoàn toàn mới, do phục vụ lứa học sinh học chương trình giáo dục phổ thông mới. Hiện, kỳ thi năm 2023 ra sao vẫn chưa được công bố cụ thể và kỳ thi năm 2025 lại càng chưa. Trong khi đó, các nhà trường, phụ huynh và học sinh rất mong ngóng phương án thi này để có kế hoạch dạy và học phù hợp. Nhiều câu hỏi được đặt ra như: Liệu còn kỳ thi tốt nghiệp THPT không, nếu thi sẽ thi những môn nào, trường đại học còn tuyển sinh theo tổ hợp môn truyền thống không?​

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận