06:05 22/11/2022

'8h tối ngồi vào bàn học, 20 phút con tôi lại đứng dậy làm việc riêng'

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam My Linh

Gần 8h tối, con mới ngồi vào bàn học nhưng liên tục xin đứng dậy đi uống nước, cứ 20 phút lại rời bàn học làm việc riêng và thường xuyên ngủ gật. Con học không tập trung, học một cách đối phó cho đến 10h tối để đi ngủ.

Học sinh cấp 2 bước vào tuổi dậy thì nên có rất nhiều sự thay đổi trong suy nghĩ và hành động của trẻ. Giai đoạn này mọi người hay gọi là tuổi khủng hoảng, thường thích nổi loạn.

Tôi đã có lần nghe được câu chuyện kể lại từ một chị đồng nghiệp làm cùng văn phòng. Chị có một bé gái đang là học sinh lớp 8. Chị kể với tôi, trước đây bé ngoan lắm, học tập tốt và rất vâng lời.

Tuy nhiên, từ đầu năm nay, tính khí con trở nên bướng bỉnh hơn, rất hay cãi lời mẹ. Chị đã rất khủng hoảng khi thấy con có những thay đổi lớn như vậy.

mẹ và con gái
Thấy con có những thay đổi lớn, mẹ cũng bắt đầu cảm thấy khủng hoảng tinh thần (Ảnh minh hoạ: Internet).

Bạn ấy thường xuyên lấy lý do cần tìm tài liệu, bài tập tham khảo để mượn điện thoại, máy tính của bố mẹ. Vài lần chị phát hiện ngoài việc phục vụ học tập, bạn ấy lướt mạng xã hội, chơi game.

Tâm sự với tôi, chị buồn lắm. Chị kể, con không còn ham học như trước, luôn tìm lý do để không phải học. Gần 8h tối, bạn ấy mới ngồi vào bàn học nhưng hết đứng dậy uống nước, đi vệ sinh, cứ 20 phút lại rời bàn học làm việc riêng, cũng thường xuyên ngủ gật, học tập không tập trung, học một cách đối phó cho đến 10h tối để đi ngủ. Vì vậy, kết quả học tập ngày càng sa sút.

Chị có nói chuyện thì bạn ấy rất hay cãi, đôi khi còn nói những lời như: “Mẹ học đi xem có khó không”, “Con học rồi nhưng lúc vào thi con không thể nhớ ra”,...

Bởi vậy, lời qua tiếng lại vài lần, hai mẹ con ngày càng xa cách, khó tâm sự với nhau.

tre buon ngu vi hoc hanh
Gần 8h tối bé mới vào bàn học nhưng lấy lý do khát nước, đi vệ sinh 20 phút lại rời bàn học làm việc riêng, cũng thường xuyên ngủ gật (Ảnh minh họa: Internet).

Nghe chị tâm sự như vậy, tôi cũng nhớ lại năm mình độ tuổi ấy. Độ tuổi non nớt nhưng luôn nghĩ mình đã lớn và những gì mình làm là đúng. Nhưng một phần vì những áp lực vô hình từ gia đình, nhà trường, bạn bè và cả chính bản thân mới khiến chúng ta có những thay đổi về tính cách nhiều như vậy.

Liệu có phải một số bố mẹ đang quá thực dụng trong các mục tiêu học tập của con? Rất nhiều người luôn coi trọng điểm số, kết quả mà rất ít coi trọng các kĩ năng, phương pháp cần được hình thành trong quá trình học cũng như sự phát triển đời sống tinh thần của con.

Chính lối tư duy này đẩy con chúng ta vào việc học mà không ham, không có hứng thú tìm tòi, thiếu đi sự chủ động và rất dễ chán nản.

Tôi cũng đưa ra cho chị những góp ý qua tâm lý của bản thân, khi bé bướng bỉnh, lười học thì càng không nên chửi mắng, dọa nạt trẻ. Hãy tạo cho con những động lực, động lực ở đây không hẳn chỉ là phần thưởng.

Nhiều khi, chính là những ghi nhận, lời khen ở trong từng bước đi của con. Cũng nên đặt mình là con, hiểu lứa tuổi của con. Hãy nói những lời giải thích có tình có nghĩa thay vì buông những lời nặng nề. Hãy trở thành một người mẹ, một người cha đủ hiểu và tin tưởng các con.

Tôi nói là chuyên mục mới trên Tạp chí Trẻ em Việt Nam. Chuyên mục là nơi bày tỏ quan điểm, để Trẻ em nói, Cha mẹ nói, Chuyên gia nói xung quanh các vấn đề của cuộc sống thường ngày. Độc giả hãy cùng gửi bài viết, tâm sự, video, podcast chia sẻ suy nghĩ về cho chúng tôi nhé, để cùng lan toả yêu thương đến với con trẻ.

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm Tạp chí Trẻ em Việt Nam. Gửi bài tại đây

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận