'Đồ vô tích sự, không học sau này đi quét rác', con nghe đau lắm bố mẹ ơi
“Đồ vô tích sự, chẳng nên cơm cháo gì”, “Không học sau này đi quét rác”… không ít bậc phụ huynh đã dùng những câu như thế này quát vào mặt con trẻ. Những lời nói cha mẹ tưởng vô hại nhưng thực tế khi lớn lên, nhiều trẻ sẽ mang vết thương mặc cảm, tự ti, vô tình cản bước thành công của trẻ, thậm chí khiến trẻ tiêu cực, bi quan, sa chân vào con đường xấu.
Những nỗi đau của trẻ cha mẹ vô tình không nhận ra
Chia sẻ với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, chuyên gia tư vấn phụ huynh quốc tế Linh Phan (hiện đang sống tại Na Uy, tác giả một số đầu sách đã xuất bản tại Việt Nam như Nuôi dạy con kiểu Bắc Âu, Gỡ lỗi cha mẹ trong giao tiếp với con, Tận hưởng hành trình nuôi con sữa mẹ) cho biết: “Trong cuốn sách Gỡ lỗi cha mẹ trong giao tiếp với con xuất bản năm 2020, tôi có kể một câu chuyện về một bạn tuổi teen vì nghe bố nói quá nhiều rằng: "Đồ vô tích sự, không làm nên trò trống gì", bạn đã từ chối đi học, bỏ đi lang bạt.
Cách đây vài tuần, tôi cũng gặp một bạn trẻ. Vì ngày nhỏ bị cha mẹ phủ nhận quá nhiều, đã 10 năm ra trường và làm đủ mọi việc, bạn ấy vẫn luôn tin, mình chẳng làm gì ra hồn, là đồ vô dụng. Bạn trẻ ấy biết có gì đó không ổn nhưng lại không thể nhận ra nó không ổn ở đâu và tại sao lại thế”.
Con cái khi bị phủ nhận sẽ cảm thấy như thế nào? Chuyên gia Linh Phan phân tích, đầu tiên, có lẽ đứa trẻ ấy sẽ cảm thấy bị kiệt sức. Bởi trẻ quen với việc tập trung vào bố mẹ nhiều hơn vào chính bản thân mình.
Tiếp đến, trẻ sẽ cảm thấy mình từ từ đi vào bế tắc, tuyệt vọng cũng bởi vì cảm thấy khiếm khuyết, không còn tin vào mình và dễ bị tác động bởi phán xét của người khác, đặc biệt là cha mẹ. Đó là tâm lý bị thao túng.
Đôi khi cha mẹ phủ nhận con cái một cách vô thức. Có thể bởi vì rất nhiều thế hệ trước đã được lớn lên theo cách đó.
Cha mẹ nên làm gì khi trẻ cư xử không đúng đắn?
Việc phủ nhận một cách quy chụp, chung chung sẽ không mang lại hiệu quả gì trong giáo dục con. Bởi chỉ có những hành vi xấu chứ không có con người xấu.
Chuyên gia Linh Phan cho rằng, khi con làm gì đó thái quá hoặc cư xử không đúng đắn, tất nhiên cha mẹ vẫn có thể khiển trách con nhưng không được cao giọng. Con phải hiểu rằng, mình đã làm điều gì đó tồi tệ và không thể chấp nhận được.
Khiển trách là một nghệ thuật. Đầu tiên, cha mẹ phải trực tiếp nêu ra những gì con đã làm sai. Thứ hai, cần giải thích ngắn gọn và rõ ràng lý do của việc “không”. Thứ ba, nhấn mạnh hậu quả của hành vi vi phạm. Cuối cùng, đưa ra một phương án thay thế có thể chấp nhận được.
Bàn về vấn đề này cùng PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, chuyên gia Phạm Hiền chia sẻ, hàng ngày trong cách dạy dỗ con, đôi khi người lớn thường khá chủ quan, luôn nghĩ rằng, ý kiến của mình là đúng và phương pháp đang dạy trẻ là đúng.
Tuy nhiên có khá nhiều sai lầm trong cách dạy trẻ mà người lớn cần phải chú ý, trong đó có việc quát mắng, trách móc, coi nhẹ trẻ.
Theo bà Hiền, sai lầm mà các bậc cha mẹ dễ mắc phải sẽ khiến trẻ nhỏ cảm thấy cô đơn, buồn chán và dễ sa ngã. Ví dụ như cha mẹ nói quá nhiều khiến con nhờn và cảm thấy không tôn trọng bố mẹ. Nếu còn nhỏ chúng sẽ thể hiện bằng cách lì lợm, không nghe lời và khi lớn hơn chúng sẽ chống đối.
Hay con cái có những ảnh hưởng đến tính cách rất lớn từ chính cha mẹ và văn hóa gia đình. Nếu như cha mẹ thường hay trách móc con, chúng cũng sẽ có thói trách móc người khác. Nếu trẻ bị coi nhẹ trong gia đình hoặc là con sẽ rất tự ti khi ra ngoài hoặc con gồng mình lên và coi thường người khác để giải tỏa áp lực…
“Việc cần làm nhất là cha mẹ phải hiểu con muốn gì, cần gì, chia sẻ với con, phân tích lỗi của con khi con sai”, chuyên gia Phạm Hiền nhấn mạnh.
Tôi nói là chuyên mục mới trên Tạp chí Trẻ em Việt Nam. Chuyên mục là nơi bày tỏ quan điểm, để Trẻ em nói, Cha mẹ nói, Chuyên gia nói xung quanh các vấn đề của cuộc sống thường ngày. Độc giả hãy cùng gửi bài viết, tâm sự, video, podcast chia sẻ suy nghĩ về cho chúng tôi nhé, để cùng lan toả yêu thương đến với con trẻ.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm Tạp chí Trẻ em Việt Nam. Gửi bài tại đây
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất