Bài học quản trị tiền lì xì thông minh từ góc nhìn của Đại biểu Quốc hội trẻ em
Theo một số đại biểu phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” 2024, việc để bố mẹ quản lý tiền lì xì sẽ giúp các em tiết kiệm, tránh lãng phí. Trẻ em cũng cần học cách quản lý tài chính, từ đó sẽ có trách nhiệm hơn nếu tự giữ tiền lì xì.
Bài viết này thuộc chuyên đề Cha mẹ có nên giữ tiền lì xì của con
Với chuyên đề "Cha mẹ có nên giữ tiền lì xì của con", Tạp chí Trẻ em Việt Nam hy vọng mang đến cho độc giả những góc nhìn nhân văn, đa chiều xung quanh câu chuyện lì xì ngày Tết.
LTS: Mỗi dịp Tết đến, chủ đề cha mẹ có nên giữ tiền lì xì của con luôn là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Một số cha mẹ cho rằng, việc giữ tiền có thể giúp đảm bảo an toàn tài sản, thậm chí được dùng chi tiêu cho các việc của cá nhân hoặc gia đình. Ở chiều ngược lại, cũng có nhiều cha mẹ lại nhấn mạnh tính quan trọng của việc khuyến khích tính tự lập, trách nhiệm tài chính cho trẻ và không giữ tiền lì xì của con.
Với mong muốn có thêm nhiều góc nhìn đa chiều, tìm ra các giải pháp phù hợp cho chủ đề gây nhiều tranh cãi những năm vừa qua, Tạp chí Trẻ em Việt Nam khởi đăng tuyến bài "Cha mẹ có nên giữ tiền lì xì của con?".
Trân trọng gửi tới quý độc giả!
Học cách trân trọng giá trị văn hoá và quản lý tài chính
Trao đổi với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, Đại biểu trẻ em Trần Thị Ngọc Anh, học sinh lớp 9A2, Trường THCS thị trấn Phú Hòa, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang chia sẻ, việc nhận tiền mừng tuổi luôn là món quà tinh thần quý giá đối với em. Bởi tiền mừng tuổi thấm đượm sự yêu thương và quan tâm từ người lớn. Không chỉ mang đến niềm vui ngọt ngào trong những ngày đầu năm mới, món quà ấy còn khiến em hạnh phúc khi nhận ra mình vẫn còn được tận hưởng “đặc quyền của trẻ em”.
“Phong tục mừng tuổi không chỉ là biểu tượng thiêng liêng của lời chúc may mắn mà còn mang giá trị tinh thần sâu sắc, khơi dậy niềm háo hức, mong chờ của nhiều bạn nhỏ mỗi độ xuân sang. Hơn cả, đây còn là cơ hội quý giá để chúng em được học cách trân trọng những giá trị văn hóa cũng như học cách quản lý tài chính từ khi còn nhỏ”, Ngọc Anh nói.
Theo Ngọc Anh, bố mẹ vẫn luôn cho em quyền tự quản lý số tiền mừng tuổi của mình. Việc quản lý tiền mừng tuổi đã giúp Ngọc Anh học cách chịu trách nhiệm và sử dụng tiền hợp lý. Đồng thời, đây là cơ hội để rèn luyện tính tự lập và kỹ năng tài chính ngay từ sớm.
Ngọc Anh nhớ lại cách đây một năm, khi chiếc điện thoại phục vụ công việc học tập bị trục trặc, em đã cùng mẹ lên kế hoạch tiết kiệm để mua điện thoại mới. Mỗi ngày, em đều bỏ một ít tiền vào ống heo, tiền lì xì Tết ý nghĩa cũng được em góp vào trong số đó. Và rồi, khi điện thoại vừa hỏng thì cũng là lúc em và mẹ tiết kiệm đủ để mua điện thoại mới. Chiếc điện thoại ấy đến giờ Ngọc Anh vẫn sử dụng và vô cùng trân trọng bởi nó không chỉ là kết quả của sự nỗ lực mà còn là bài học quý giá về giá trị của việc tiết kiệm.
Nếu không có kế hoạch từ trước thì chắc hẳn Ngọc Anh gặp rất nhiều bất tiện khi điện thoại hỏng và phải xin thêm bố mẹ một khoản tiền lớn. Có thể thấy, việc tiết kiệm tiền mừng tuổi đã giúp Ngọc Anh biết cách quản lý tài chính, chuẩn bị cho những nhu cầu trong tương lai và dạy em giá trị của sự kiên nhẫn và trách nhiệm với tiền bạc, tránh lãng phí.
Bố mẹ đồng hành dạy trẻ quản trị tiền lì xì thông minh
Việc nhận tiền mừng tuổi đối với Đại biểu trẻ em Nguyễn Ngọc Thuỳ Tâm (học sinh lớp 9/2, Trường PTDTNT&THCS huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) có ý nghĩa rất đặc biệt và là một sự khích lệ lớn. Thuỳ Tâm cho rằng, tiền mừng tuổi không chỉ là món quà mà còn là những lời chúc tốt đẹp, mong muốn trẻ em luôn chăm chỉ học tập, ngoan ngoãn và biết nghe lời ông bà, cha mẹ. Hằng năm, Thuỳ Tâm thường sử dụng tiền mừng tuổi để hỗ trợ cho việc học tập của mình.
Gần 3 năm trước, Thuỳ Tâm đã có một kỷ niệm đặc biệt với tiền mừng tuổi khi cùng gia đình về thăm bà vào dịp Tết. Bà đã lì xì cho em và nói rằng: “Năm nay cháu ngoan ngoãn và học giỏi hơn nên tiền mừng tuổi này là thành quả của cháu nhé”.
Từ đó, Thuỳ Tâm càng nỗ lực học tập, chăm ngoan hơn. Em nhận ra rằng, giá trị thực sự của tiền mừng tuổi nằm ở những lời chúc ý nghĩa, vì chúng mang lại niềm tin, sự phấn khởi và là động lực lớn để các bạn nhỏ cố gắng hơn trong cuộc sống.
"Em nghĩ rằng, việc bố mẹ giúp con giữ tiền mừng tuổi là hợp lý vì người lớn có nhiều kinh nghiệm trong quản lý tài chính. Khi gửi cho bố mẹ, số tiền này sẽ được bảo quản cẩn thận và chi tiêu đúng lúc. Tuy nhiên, bố mẹ cũng nên tôn trọng ý kiến của con cái. Tiền mừng tuổi có thể được giữ riêng và cùng con thảo luận về cách sử dụng, điều này không chỉ giúp con cảm thấy mình được tham gia vào quyết định tài chính mà còn tạo cơ hội để bố mẹ hướng dẫn con cách tiết kiệm và chi tiêu hợp lý", Thuỳ Tâm chia sẻ.
Thuỳ Tâm cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiết kiệm, bởi số tiền tiết kiệm không chỉ hữu ích trong những tình huống khẩn cấp mà còn giúp rèn luyện tính kiên trì và kỷ luật. Việc này giúp trẻ em học cách quản lý chi tiêu một cách khoa học và có trách nhiệm hơn với tài chính của mình trong tương lai.
Bố mẹ có thể giữ tiền lì xì giúp con tránh chi tiêu lãng phí
Đại biểu trẻ em Võ Thị Phương Chi, học sinh lớp 8C1, Trường THCS Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum chia sẻ, việc nhận tiền mừng tuổi đối với trẻ em có ý nghĩa rất sâu sắc. Nó không chỉ là một hành động tượng trưng cho lời chúc may mắn, mạnh khỏe, gặp nhiều thành công mà còn nhằm chúc mừng trẻ em thêm một tuổi mới trưởng thành hơn.
“Em rất háo hức và hạnh phúc khi được nhận những phong bao lì xì từ những người xung quanh. Số tiền mừng tuổi nhận được dù ít hay nhiều cũng không quan trọng bởi nó đều mang ý nghĩa là mang lại may mắn và những điều tốt đẹp đến người nhận. Mỗi năm đa phần em sẽ sử dụng số tiền này để mua dụng cụ học tập hoặc tiết kiệm”, Phương Chi bày tỏ.
Phương Chi muốn tự mình quản lý tiền mừng tuổi vì đây là khoản chi tiêu cá nhân, giúp em có thể tự mua sắm những đồ dùng nhỏ mà không cần xin tiền từ bố mẹ. Tuy nhiên, nếu bố mẹ giúp giữ tiền mừng tuổi, em cũng sẽ vui vẻ đồng ý, vì như vậy sẽ tránh được việc chi tiêu không đúng mục đích.
Ngoài ra, việc này còn giúp em tích lũy cho các kế hoạch trong tương lai. Hiểu được điều đó, Phương Chi cảm thấy thoải mái khi đưa tiền cho bố mẹ dù em có thể tự quản lý tài chính của mình.
Phương Chi cho rằng, bố mẹ nên sử dụng tiền mừng tuổi của con vào những việc có ích như đầu tư cho học tập hoặc các lớp học năng khiếu, giúp trẻ phát triển kỹ năng toàn diện. Bố mẹ cũng có thể gửi số tiền này vào ngân hàng để dành cho việc học tập sau này, giúp con có kinh phí học lên cao hơn.
“Em nghĩ rằng, bố mẹ có thể giữ tiền mừng tuổi của con, nhưng để con biết cách quản lý tài chính thì có thể chia đôi số tiền, mỗi bên giữ một nửa. Như vậy, trẻ sẽ hình thành thói quen tiết kiệm”, Phương Chi chia sẻ.
Việc tiết kiệm không chỉ giúp trẻ trân quý thành quả có được mà còn rèn luyện tính kiên trì và khả năng đạt được mục tiêu cá nhân. Số tiền tiết kiệm có thể mua dụng cụ học tập hoặc dùng vào những trường hợp khẩn cấp trong gia đình.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất