06:59 01/01/2025

Cha mẹ có nên giữ tiền lì xì của con?

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Lại Cường

Việc quản lý tiền lì xì sau mỗi dịp Tết luôn là chủ đề gây tranh cãi trong nhiều gia đình. Cha mẹ có nên giữ tiền lì xì của con và chi tiêu hay hướng dẫn con cách quản lý tài chính, sử dụng những đồng tiền may mắn ấy vào những việc thật sự ý nghĩa?

Bài viết này thuộc chuyên đề Cha mẹ có nên giữ tiền lì xì của con

Với chuyên đề "Cha mẹ có nên giữ tiền lì xì của con", Tạp chí Trẻ em Việt Nam hy vọng mang đến cho độc giả những góc nhìn nhân văn, đa chiều xung quanh câu chuyện lì xì ngày Tết.

Xem thêm

LTS: Mỗi dịp Tết đến, chủ đề cha mẹ có nên giữ tiền lì xì của con luôn là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Một số cha mẹ cho rằng, việc giữ tiền có thể giúp đảm bảo an toàn tài sản, thậm chí được dùng chi tiêu cho các việc của cá nhân hoặc gia đình. Ở chiều ngược lại, cũng có nhiều cha mẹ lại nhấn mạnh tính quan trọng của việc khuyến khích tính tự lập, trách nhiệm tài chính cho trẻ và không giữ tiền lì xì của con.

Với mong muốn có thêm nhiều góc nhìn đa chiều, tìm ra các giải pháp phù hợp cho chủ đề gây nhiều tranh cãi những năm vừa qua, Tạp chí Trẻ em Việt Nam khởi đăng tuyến bài "Cha mẹ có nên giữ tiền lì xì của con?".

Trân trọng gửi tới quý độc giả!

tienlixitet

Phong tục lì xì là một trong những nét văn hóa đặc sắc trong dịp Tết cổ truyền Việt Nam. Người Việt thường không trực tiếp đưa tiền mừng tuổi cho nhau mà xếp tiền gọn gàng, tinh tế trong những phong bao lì xì đỏ thắm. Không chỉ tạo nên sự kín đáo, không so bì hơn thua, hơn hết, màu đỏ của phong bao lì xì còn tượng trưng cho màu của niềm hy vọng và sự may mắn, mong muốn mọi sự như ý - cát tường, sung túc - thịnh vượng trong năm tới.

Quan trọng hơn, bao lì xì còn chứa đựng cả những lời cung chúc tốt đẹp dành cho nhau, nhất là để người lớn bày tỏ sự ưu ái, thương mến dành cho trẻ nhỏ trong ngày đầu năm mới. Khi người lớn lì xì cho trẻ con, trẻ sẽ nhận được những lời chúc trân quý với mong ước khoẻ mạnh, mau ăn chóng lớn, học hành tấn tới, ngoan ngoãn nghe lời ba mẹ.

Quan điểm không nên giữ tiền lì xì

Trao đổi với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho biết, theo truyền thống trẻ con được giữ tiền lì xì của mình đầu năm. Vì đó là tiền may mắn. Cha mẹ thay vì giữ tiền của con thì dạy con về những đồng tiền may mắn đó. 

"Cũng cần phải nhấn mạnh rằng, theo truyền thống, tiền lì xì cho trẻ con chỉ là những đồng tiền giá trị nhỏ. Như thời chúng tôi thì tiền lì xì không lớn. Tuy nhiên, thay đổi theo thời gian, điều kiện kinh tế nên việc lì xì cho trẻ nhỏ cũng đã thay đổi đi rất nhiều.

Việc có số tiền lớn trong dịp Tết, cha mẹ nên dạy con cách quản lý đồng tiền đó thì tốt hơn. Đặc biệt là cách ứng xử khi nhận được tiền mừng tuổi. Không nên mở phong bao ngay khi được nhận và thái độ với mệnh giá của đồng tiền.

Cha mẹ cần nhắc các con rằng, đó là đồng tiền cầu may của năm mới, không phải là một khoản thu nhập tự nhiên có để rồi tiêu phung phí. Các cha mẹ cũng không nên lợi dụng việc mừng tuổi để đạt những mục đích khác", Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chia sẻ.

2047975_5ae2ae38d42f5b4fb
Ngày Tết luôn xuất hiện những câu chuyện khó xử liên quan việc lì xì cho trẻ nhỏ. Ảnh: Shutterstock.

Cũng theo Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, tiền lì xì là tiền may mắn, không nên biến tướng nó và đã là tiền may mắn thì cha mẹ cũng nên để con giữ theo truyền thống nhưng phải giáo dục tài chính cho các con cẩn thận.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đồng tình rằng, việc để con tự quản lý tiền lì xì mới thực sự là bài học quan trọng về tính tự lập và trách nhiệm tài chính. Khi được giao quyền quản lý, trẻ sẽ học cách lên kế hoạch tiêu dùng hợp lý và đề cao tinh thần tiết kiệm.

Ngoài ra, quyền sở hữu tài sản của con được pháp luật bảo vệ. Tôn trọng quyền này giúp con nhận thấy mình được tin tưởng, từ đó xây dựng động lực phát triển bản thân. Việc trẻ tự quyết định cách sử dụng tiền còn khuyến khích tính chia sẻ và ý thức đối với các vấn đề xã hội. Trẻ có thể học cách dùng tiền lì xì để giúp đỡ bạn bè, người thân hoặc đóng góp cho các hoạt động cộng đồng, từ thiện.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng phân tích: "Việc quản lý tiền lì xì nên được xem xét dựa trên độ tuổi và đặc điểm của từng trẻ. Trong khi trẻ nhỏ có thể học cách quản lý tài chính tốt hơn nhờ sự hỗ trợ của cha mẹ. Trẻ lớn có thể được giao quyền tự quản lý nhằm phát triển tính tự lập và nhận thức đầy đủ về giá trị tài sản.

Quan trọng hơn, cha mẹ cần minh bạch trong cách tiếp cận, tôn trọng quyền lợi của con và tận dụng cơ hội này để giáo dục trẻ về giá trị văn hóa, tài chính và trách nhiệm xã hội. Dạy con về cách quản lý tài chính không bao giờ là quá sớm. Thay vì ép buộc con phải nộp khoản tiền lì xì, bố các mẹ hãy trò chuyện, lắng nghe và chia sẻ với bé những bài học nhỏ, lời khuyên để vừa giúp bé biết cách quản lý chi tiêu cho những mục đích hợp lý, vừa khiến bố mẹ vui lòng và tự hào thêm về con mình".

Quan điểm nên giữ tiền lì xì

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Trẻ em Việt Nam, dưới góc độ pháp lý, Luật sư Đào Quốc Hưng - Phó Giám đốc Công ty luật ALS cho biết, việc bố mẹ giữ tiền lì xì được xem là một phương pháp giáo dục tài chính hiệu quả. Bố mẹ có thể giải thích cho con cách chia nhỏ tiền để tiết kiệm, chi tiêu hợp lý và dùng cho những nhu cầu quan trọng như học phí, chăm sóc sức khỏe hoặc dự định trong tương lai.

Ngoài ra, trẻ nhỏ có nguy cơ tiêu xài hoang phí, để lạc hoặc bị mất tiền. Việc bố mẹ giữ tiền không chỉ giúp hạn chế rủi ro, mà còn bảo vệ tài sản của con một cách an toàn.

Về quy định pháp luật, Luật sư Đào Quốc Hưng cho biết, theo quy định tại Điều 75 Bộ luật Dân sự 2015, tiền lì xì được xem là tài sản cá nhân của trẻ và cha mẹ chỉ được quản lý trong khuôn khổ quyền lợi vì lợi ích của con.

Cụ thể, cha mẹ có trách nhiệm bảo quản, sử dụng tài sản của con đúng mục đích, không được tự ý sử dụng cho nhu cầu cá nhân.

Hành vi trái quy định có thể bị coi là vi phạm quyền tài sản của trẻ.

420203334_766431065519950
Tiền lì xì được cho là tài sản cá nhân của con. Cha mẹ nên quản lý số tiền chứ không được chi tiêu cá nhân. Ảnh: LC

Ngoài ra, theo Luật Trẻ em 2016, trẻ em có quyền sở hữu tài sản hợp pháp và được bảo vệ khỏi việc chiếm đoạt hoặc sử dụng không minh bạch.

Điều này nhấn mạnh vai trò của cha mẹ trong việc quản lý tiền lì xì một cách hợp lý, tránh gây ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi của trẻ.

Theo Luật sư Đào Quốc Hưng, việc bố mẹ giữ tiền lì xì cũng là cơ hội để thiết lập kỷ luật tài chính trong gia đình. Cha mẹ có thể sử dụng số tiền này để lập quỹ tiết kiệm cho con, đầu tư vào các mục tiêu dài hạn như học tập hoặc các hoạt động bổ ích. Đây không chỉ là cách quản lý tài sản mà còn giúp con hiểu được giá trị của sự tiết kiệm và hoạch định tương lai.

Bên cạnh đó, việc lì xì trong ngày Tết không chỉ là niềm vui cho trẻ mà còn mang ý nghĩa “có đi có lại”. Bố mẹ, khi nhận tiền lì xì từ người thân, bạn bè dành cho con mình, cũng cần thể hiện lòng biết ơn bằng cách lì xì lại cho trẻ em khác.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận