12:40 15/10/2022

Bạo lực học đường: Khó xử lý lắm sao?

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Lan Phạm

Bạo lực học đường không chỉ gây ra những vết thương ngoài da mà còn là nỗi đau dai dẳng về mặt tâm lý với trẻ, thậm chí có vụ việc gây ra tử vong. Làm gì để môi trường học đường thực sự an toàn?

gdgf
Bạo lực trong nhà trường vẫn diễn ra gây bức xúc trong xã hội. Ảnh: Quang Vinh.

Bạo lực ngày càng nghiêm trọng

Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực học đường đặc biệt nghiêm trọng. Cụ thể, ngày 11/10, trên mạng xã hội lan truyền clip 2 nam sinh xảy ra xô xát do mâu thuẫn liên quan đến chuyện tình cảm ngay trong hành lang trường Đại học Tài nguyên và Môi trường (Hà Nội). Thời điểm xảy ra sự việc, công an quận cũng đang tham gia giảng tuần Công tác sinh viên tại trường nên đã kịp thời can thiệp, sau đó nhà trường đã mời công an phường Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) vào làm việc.

Cũng ngày 11/10, tại huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh xảy ra vụ nam sinh lớp 11 đâm tử vong 1 học sinh lớp 12 do mâu thuẫn. Điều đáng tiếc là vụ việc ban đầu diễn ra trước cổng trường và đã được mọi người can ngăn, nhưng sau đó, khi đi đến đường khác thì học sinh lớp 11 lại bị đàn anh chặn đánh. Khi bị đấm, học sinh này đã mở cặp lấy dao thủ sẵn đâm đối phương vào lưng khiến nạn nhân gục xuống, dù được đi cấp cứu nhưng không qua khỏi.

Theo Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn, cần tổ chức triển khai nhiều hoạt động về tư vấn tâm lý trong trường học như: tọa đàm, chương trình đồng hành cùng học sinh… , tập huấn, khảo sát, hội nghị, cung cấp tài liệu tập huấn về tư vấn tâm lý cho cán bộ, giáo viên ở các trường phổ thông nhằm mục đích truyền thông, nâng cao nhận thức, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về tư vấn tâm lý học đường cho đội ngũ cán bộ, giáo viên ở các cơ sở giáo dục.

Trước đó, tại Đà Nẵng, ngày 5/10, 1 học sinh lớp 1 đi học về với chân tay bị bầm tím. Giáo viên lớp này lý giải, trong giờ nghỉ trưa, cô giáo giao 1 học sinh hướng dẫn bạn học bài và xảy ra việc đánh bạn. Tuy nhiên, phụ huynh của 2 học sinh không đồng ý với kết luận này nên yêu cầu công an, Sở GDĐT vào cuộc xác minh.

Nhiều ý kiến cũng mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc để làm rõ nguyên nhân, giải quyết tới cùng, dù là giáo viên hay bạn khác đánh. Bởi bầm dập như thế này còn trẻ nào dám đến trường.

Cũng tại Đà Nẵng, phụ huynh của nhóm trẻ mầm non Elm School phát hiện giáo viên bạo hành trẻ, đánh và bỏ đói trẻ nhiều lần. Sau đó, giáo viên này đã có thư thừa nhận các hành vi như đẩy ngã, đánh, xô, tát, ném, kéo lê, đút cơm thô bạo, bỏ đói… với một số trẻ tại trường. Cơ sở này đã được cấp phép hoạt động 4 tháng và sự việc chỉ bị phát hiện khi 1 phụ huynh đến trường xem trực tiếp camera (nhà trường không cho phụ huynh theo dõi con em qua điện thoại).

Đưa trẻ đi học, dù là cấp mầm non hay tiểu học, THCS… phụ huynh đều tin tưởng con được chăm sóc, dạy dỗ tốt khi ở trường. Nên khi trẻ bị bạo hành dù là do giáo viên hay bạn bè trong lớp thì niềm tin của phụ huynh vào nhà trường, giáo viên cũng bị giảm sút nghiêm trọng.

Quyết liệt hành động

Năm học mới diễn ra hơn 1 tháng, nhưng bạo lực học đường xảy ra ở khắp nơi. Mỗi vụ việc, một nguyên nhân nhưng dù bắt nguồn từ lý do gì thì hậu quả trông thấy là có thực và khiến người lớn phải suy ngẫm, tự đặt câu hỏi: Vì đâu nên nỗi?

Bạo lực học đường không phải chuyện mới nếu không muốn nói là… rất cũ. Những con số do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đưa ra gần đây cho thấy, trên cả nước, trung bình có khoảng 5 vụ học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học xảy ra trong 1 ngày. Trong 1 năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ. Cứ khoảng trên 5.200 học sinh thì có 1 vụ đánh nhau. Cứ hơn 11.000 học sinh thì có 1 em bị buộc thôi học vì đánh nhau. Cứ 9 trường thì có 1 trường có học sinh đánh nhau.

Từ những con số đáng lo ngại này, có thể thấy, dù các trường đã vào cuộc bằng cách tăng cường giáo dục pháp luật, tuyên truyền về đạo đức, lối sống,… nhưng tình trạng này vẫn diễn ra, thậm chí có chiều hướng ngày càng nghiêm trọng, các đối tượng có sự manh động về hành vi bạo hành. Làm gì để ngăn chặn, hạn chế tối đa những vụ việc bạo lực học đường là trăn trở của cả xã hội.

Theo GS.TS Nguyễn Ngọc Phú - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam, ở tuổi dậy thì, chuyện xảy ra có nhiều lý do khác nhau liên quan đến đặc trưng khác biệt về tâm lý của lứa tuổi này, như muốn nổi trội, muốn khẳng định mình...

Chuyên gia tâm lý, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, với những vụ việc xảy ra vì xốc nối, 2 bên không có mâu thuẫn với nhau từ trước thì việc can ngăn để không xảy ra va chạm là cần thiết. Tuy nhiên, nếu đó là mâu thuẫn dai dẳng không được xử lý triệt để thì rất có thể sẽ gây ra hậu quả đáng tiếc.

Như trong sự việc nam sinh ở Hà Tĩnh thiệt mạng, nam sinh bị chặn đánh và rút dao đem theo để đâm nạn nhân. Khi mang sẵn dao trong cặp đi học, nghĩa là học sinh này đã biết bị đe dọa, biết được mối nguy hiểm cận kề. Vậy gia đình, nhà trường, bạn bè các em có biết không?

Mâu thuẫn đã có từ trước, không phải chỉ can ngăn là trẻ không đánh nhau mà vấn đề là phải giải quyết tận gốc để ngăn chặn những hành vi phát sinh sau đó. Trong đó, trách nhiệm của thầy, cô, nhà trường là buông lỏng trong dạy, quản lý học sinh, để xảy ra những vụ bạo lực học đường nhưng trách nhiệm lớn hơn, đó chính là gia đình. Cha, mẹ phải là người chịu trách nhiệm lớn nhất với sự phát triển của mỗi đứa trẻ, không thể phó thác hoàn toàn cho nhà trường.

Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, để ngăn chặn tình trạng trẻ em bị bạo hành và bị áp lực về học tập gia tăng, phát hiện và hỗ trợ tâm lý kịp thời cho các em học sinh, Bộ GDĐT đã, đang và sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Cụ thể, nâng cao chất lượng, hiệu quả và từng bước tiến tới chuyên nghiệp hóa hoạt động trợ giúp, tư vấn tâm lý học đường tại các cơ sở giáo dục, nâng cao trách nhiệm của nhà trường, gia đình và xã hội trong tư vấn, hỗ trợ học sinh.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết nối:

Quan tâm dạy kỹ năng sống trong nhà trường

12e

Hiện nay, các trường học ngày càng chú trọng hơn đến chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh, sinh viên, có phòng tư vấn tâm lý hay phòng chăm sóc sức khỏe tinh thần, nhưng nhiều em vẫn có tâm lý e ngại, không muốn nhận tư vấn. Điều đó cho thấy, giáo viên, nhà trường chưa tạo được cảm giác gần gũi, niềm tin cho học sinh, sinh viên. Vì thế các trường cần xây dựng một môi trường học đường thân thiện, giáo viên gần gũi với học sinh để học sinh có thể tin tưởng và chia sẻ.

Ngoài ra, cần có các tiết học dạy kỹ năng sống trong nhà trường, các hoạt động tập thể, tình nguyện để hướng thiện và định hướng nhân cách cho học sinh, giúp học sinh phát huy những đức tính tốt đẹp.

Bên cạnh đó cũng phải có hình phạt và cách giáo dục nghiêm khắc, phù hợp đối với những học sinh có hành vi bạo lực học đường và có hình thức hỗ trợ kịp thời đối với nạn nhân.

Quan trọng nhất vẫn là gia đình cần tạo ra một môi trường sống lành mạnh, yêu thương cho con cái, phải luôn cẩn trọng trong hành vi, lời nói để làm gương cho con cái. Đồng thời có phối hợp chặt chẽ với nhà trường và giáo viên để nắm bắt tình hình của con em mình và kịp thời thông báo đến nhà trường để được tư vấn và hỗ trợ khi có vấn đề xảy ra.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT kết nối:

12

Cần thiết có nhân viên tư vấn tâm lý học đường

Công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông hiện nay nhìn chung đã được cải thiện so với trước kia nhưng so với đòi hỏi đặt ra từ thực tiễn trường học, đây vẫn là một khoảng trống.

Giáo viên khi phải kiêm nhiệm rất nhiều công tác, khó có thời gian để nắm bắt được đầy đủ tâm tư của học sinh. Và không phải giáo viên nào cũng có kỹ năng để xử lý các tình huống mâu thuẫn phát sinh nên cần thiết mỗi trường phải có một cán bộ chuyên trách để xử lý vấn đề này. Giáo viên chủ nhiệm có thể là người phát hiện vấn đề, nhưng khi trao đổi với một chuyên gia tâm lý độc lập, riêng biệt, học sinh sẽ dễ dàng cởi mở tâm sự hơn.

Vì vậy, theo tôi cần xem xét bố trí nhân viên làm công tác tư vấn tâm lý trong trường phổ thông phù hợp điều kiện thực tiễn của các nhà trường; xây dựng cơ chế phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong phòng, chống bạo lực học đường và tư vấn, hỗ trợ học sinh, đặc biệt là nhóm học sinh yếu thế; chú trọng công tác truyền thông.

Gia đình cũng cần phối hợp với nhà trường để cùng quan tâm đến trẻ bởi rất nhiều sự việc xảy ra cho thấy do những ức chế, dồn nén khi ở nhà khiến trẻ khó hòa nhập với môi trường trên lớp, với các bạn… Phụ huynh và nhà trường đều không vô can trong những vụ việc bạo lực học đường xảy ra.

Hương-Trang (ghi)

Theo Đại đoàn kết​

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận