10:22 26/02/2024

Bé gái 11 tuổi tử vong sau 2 tháng bị chó cắn

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Tâm An

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai thông tin vừa ghi nhận một cháu bé 11 tuổi tử vong do bệnh dại tại huyện Chư Sê, sau 2 tháng bị chó cắn.

Theo đó, khoảng tháng 12/2023, em R.M.Q. (SN 2013, làng Sơr, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) bị con chó gia đình nuôi cắn vào ngón tay cái bàn tay trái.

Sau đó, gia đình đã đưa em Q. đến phòng khám tư nhân tại xã Ia Hlốp để xử lý vết thương. Nhân viên y tế cũng tư vấn cho người nhà đưa bệnh nhân đi tiêm phòng bệnh dại nhưng gia đình không đưa đi tiêm phòng dại và huyết thanh kháng dại.

chocan
Ảnh minh họa

Ngày 23/2, em Q. có biểu hiện đau đầu, sốt, sợ nước, sợ gió, ăn uống không được. Ở nhà bệnh nhân không sử dụng thuốc gì. Khoảng 20h cùng ngày, gia đình đưa bệnh nhi đến khám ở cơ sở y tế tư nhân tại xã Ia Hlốp và được hướng dẫn đưa bệnh nhi đến Trung tâm Y tế huyện Chư Sê để khám và điều trị. Đến 21h cùng ngày, bệnh nhi vào Trung tâm Y tế huyện Chư Sê sau đó được chuyển lên Bệnh viện Nhi Gia Lai để tiếp tục điều trị.

Bệnh nhân Q. nhập viện trong tình trạng tỉnh, tiếp xúc được, người mệt, nuốt khó, sợ nước, sợ gió, đau đầu, ăn uống kém kèm nôn ói… và được theo dõi dại lên cơn/nhiễm trùng đường ruột. Tối cùng ngày, bệnh nhân đã tử vong tại gia đình.

Trước đó, ngày 14/2, bé gái tên T.T.H.T. (4 tuổi, quê Bình Thuận), được chuyển vào bệnh viện ở TPHCM trong tình trạng ăn uống kém, thở không đều, sợ nước và gió, mệt nhiều, sốt. Theo điều tra dịch tễ, trước đó 7 ngày, bé bị chó cắn vào vùng mặt (trước vùng trán, quanh mắt, gò má) và cũng không đi tiêm ngừa.

Tại khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc trẻ em của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, bé T. có biểu hiện hoảng sợ, la hét, kích động khi được quạt gió và đưa nước. Ngoài ra, bé sốt 39 độ C, có sẹo đã lành ở vùng bị chó cắn. Bệnh nhi cũng được điều trị tích cực, sau đó được tư vấn và cho về, với chẩn đoán mắc bệnh dại nặng. Đến chiều tối 15/2, cháu bé không qua khỏi.

Cảnh báo trẻ bị chó, mèo cắn

BSCKII. Lê Tuấn Anh – Phó Trưởng khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, thực tế hiện nay, nhiều hộ gia đình nuôi chó vẫn có thói quen thả rông chó ra đường mà không đeo rọ mõm, tiềm ẩn nguy hiểm cho người dân, đặc biệt là trẻ em.

Be-gai-bat-ngo-bi-cho-tan-cong-11

Để phòng tránh nguy cơ chó, mèo cắn, cào, theo bác sĩ Lê Tuấn Anh, các gia đình nuôi chó, mèo tại nhà cần phải tiêm phòng cho vật nuôi đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.

Ngoài ra, không thả rông vật nuôi, thả chó ra đường phải được đeo rọ mõm. Bên cạnh đó, đối với trường hợp nuôi nhốt chó, cần phải có vùng nuôi chó rõ ràng, cách xa khu dân cư, khu sinh hoạt cộng đồng.

Xử lý khi bị chó cắn

Theo BS Đinh Thị Vân Anh – Phó Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn - Bệnh viện Nhi Trung ương, khi trẻ bị chó, mèo cắn, cào, liếm vào vết xước,…  cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần chú ý:

- Rửa vết thương dưới vòi nước chảy, càng sớm càng tốt trong 15 phút.

- Rửa vết thương bằng xà phòng và nước hoặc bằng các chất có tác dụng diệt khuẩn như cồn iode; cồn 70 độ hoặc rượu mạnh; xà phòng, dầu gội, dầu tắm…

- Khẩn trương đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu, đánh giá vết thương, tư vấn tiêm chủng vắc-xin và huyết thanh theo từng trường hợp cụ thể căn cứ theo tình trạng động vật cắn, hoàn cảnh bị cắn hoặc tiếp xúc với nguồn bệnh; tình hình bệnh dại trong vùng,…

Ngoài ra, cha mẹ, người chăm sóc trẻ tuyệt đối không tự ý mua thuốc uống, bôi, đắp vào vết thương hoặc tự chữa bằng các mẹo dân gian,…gây nguy hiểm đến sức khoẻ và tính mạng của trẻ – Bác sĩ Lê Tuấn Anh khuyến cáo.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận