13:45 07/09/2023

Nâng cao năng lực bảo vệ quyền trẻ em cho cán bộ Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Hương Giang

Trong 2 ngày 7-8/09, tại Hà Nội, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam phối hợp với Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức Hội nghị - Tập huấn tăng cường năng lực về bảo vệ trẻ em cho cán bộ Hội và mạng lưới xã hội tham gia bảo vệ quyền trẻ em khu vực phía Bắc.

Tham dự buổi Hội nghị - Tập huấn có bà Nguyễn Thị Thanh Hòa - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, ông Võ Anh Dũng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, bà Vũ Thị Kim Hoa - Phó Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cùng các cán bộ Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.

z4671143570162_06e658bc2a
Các đại biểu tham dự buổi tập huấn.

Phát biểu tại Hội nghị - Tập huấn, bà Vũ Thị Kim Hoa - Phó Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhấn mạnh, tình hình xâm hại trẻ em ở nước ta vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra nhiều các vụ việc bạo lực trẻ em trong gia đình, bạo lực học đường, xâm hại trẻ em gây bức xúc trong dư luận xã hội. 

“Từ năm 2020-2022 phát hiện 5.693 vụ, 6.514 đối tượng, xâm hại 5.904 trẻ em; hiếp dâm trẻ em tăng cả về số vụ, số đối tượng và số nạn nhân; tỷ lệ trẻ em bị bạo lực gia đình có xu hướng tăng; sử dụng mạng xã hội để xâm hại trẻ em tăng cao (tăng 1,45% so với năm 2020). Năm 2022, toàn quốc phát hiện xảy ra 1.834 vụ xâm hại trẻ em. 6 tháng đầu năm 2023, toàn quốc xảy ra 1.075 vụ xâm hại 1.233 trẻ em (tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2022)”, bà Hoa cho biết.

Do vậy, theo bà Hoa, cần tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp trong chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành của các Bộ đối với công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, nhất là việc can thiệp trong trường hợp trẻ em cần được bảo vệ khẩn cấp; bảo đảm chỉ đạo thống nhất của các Bộ trong công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng phối hợp giữa các Bộ và kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thực hiện công tác này.

Bên cạnh đó, để công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em hiệu quả hơn, các Bộ có trách nhiệm phối hợp: Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án, dự án, chương trình, kế hoạch liên quan đến công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; Truyền thông nâng cao nhận thức, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em các cấp, các ngành và mạng lưới xã hội bảo vệ trẻ em; Tiếp nhận và xử lý thông tin, hỗ trợ, can thiệp trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục; Can thiệp trong trường hợp trẻ em cần được bảo vệ khẩn cấp; Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; Trao đổi, cung cấp thông tin, số liệu trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục,...

z4671144332415_022efc16af6dac45d147c5602118513f
Bà Vũ Thị Kim Hoa - Phó Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội giới thiệu một số văn bản định hướng về công tác bảo vệ trẻ em năm 2023.

Tại Hội nghị - Tập huấn, các cán bộ Hội còn được thông tin về những quy định của pháp luật về bảo vệ quyền trẻ em; những nội dung chủ yếu của Chiến lược phát triển của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đến năm 2035; giới thiệu Luật Phòng chống bạo lực gia đình; Chia sẻ về việc thực hiện và bảo vệ quyền trẻ em tại trường học;...

Qua Hội nghị - Tập huấn, các cán bộ Hội được nâng cao kiến thức, kỹ năng cơ bản cần thiết để có thể tiếp tục chia sẻ, truyền tải cho các em nhỏ và cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại địa phương trong việc bảo vệ quyền trẻ em.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận