Các địa phương trên cả nước nên dừng dạy thêm như Đồng Nai
Tổ chức cho học sinh học 2 buổi/ngày, lồng dạy thêm vào để thu lợi, liệu trường có chấp hành đúng mục tiêu của hoạt động dạy học do Bộ đề ra?
Đầu tháng 8 vừa qua, báo cáo phân tích ngành giáo dục Việt Nam năm 2011 - 2020, do Viện Khoa học giáo dục Việt Nam và UNESCO công bố, cho biết chi phí học thêm là khoản lớn nhất đối với gia đình học sinh phổ thông hiện nay.
Theo đó, chi phí học thêm đối với tiểu học là 32%, THCS là 42% và THPT là 43%. Nhiều phụ huynh có con học THCS cho rằng việc Bộ GD-ĐT có đề xuất miễn học phí cho tất cả HS cấp THCS kể từ năm học 2022 - 2023 là tín hiệu đáng mừng; tuy vậy, số tiền được miễn này chẳng thấm tháp gì với các khoản tiền học thêm mà phụ huynh phải bỏ ra hằng năm.
Chính dạy thêm đã làm phân hóa giàu nghèo sâu sắc trong trường học. Giáo viên dạy các môn dạy thêm được như Toán, Văn, Anh,… thu nhập hàng tháng gấp hai, ba đến hàng chục lần giáo viên môn “phụ” là bình thường.
Thầy Nguyễn Sóng Hiền: Dạy thêm chính khóa là tham nhũng trá hìnhChính chi phí cho con học thêm là gánh nặng kinh tế của phụ huynh học sinh, chứ không phải học phí. Đã có phụ huynh chia sẻ với người viết “Địa phương miễn học phí cho học sinh, phụ huynh có mừng không? Nếu nói không mừng là dối lòng, nói mừng là dối bạn, vì học phí so với chi phí học thêm không đáng kể”.
Đưa dạy thêm vào chính khóa học 2 buổi/ngày, học sinh "chạy đâu cho thoát"?
Dạy thêm học thêm đang và đã lấy đi tuổi thơ của học trò, chính vì thế, nhiều người hy vọng áp dụng Chương trình 2018 sẽ không còn dạy thêm, học thêm trong cơ sở giáo dục.
Chương trình 2018 hướng đến phát triển năng lực, phẩm chất của người học, vì thế còn “đồng phục dạy thêm”, chương trình mới liệu có thành công như xã hội kì vọng.
Có cơ sở giáo dục đã “lồng” dạy thêm lớp 6, lớp 7 vào chương trình chính khóa, trong dạy 2 buổi với mĩ từ “bổ trợ”.
Chương trình giáo dục phổ thông mới quy định:
- Cấp tiểu học “thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học. Cơ sở giáo dục tiểu học chưa đủ điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày thực hiện kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo”;
- Cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông “mỗi ngày học 1 buổi, mỗi buổi không bố trí quá 5 tiết học”; khuyến khích các trường đủ điều kiện thực hiện dạy học 2 buổi/ngày theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Mục tiêu của hoạt động dạy học 2 buổi/ngày là nhằm tăng cường giáo dục toàn diện, đặc biệt là tăng cường các hoạt động thực hành, rèn luyện thân thể, sinh hoạt văn hoá - nghệ thuật, giáo dục kĩ năng sống cho học sinh; hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm; đáp ứng yêu cầu quản lí và giáo dục học sinh của gia đình và xã hội; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Tổ chức cho học sinh học 2 buổi/ngày, lồng dạy thêm vào để thu lợi, liệu trường đã chấp hành đúng mục tiêu của hoạt động dạy học 2 buổi/ngày do Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra?
Các địa phương trên cả nước nên dừng dạy thêm như Đồng Nai
Ngày 15/8/2022, Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai đã ban hành văn bản số 3578/SGDDT-NV1 về việc ngưng dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường và việc tổ chức học 2 buổi/ngày cho học sinh.
Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai yêu cầu các cơ sở giáo dục tiếp tục thực hiện ngưng dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường cho đến khi có văn bản mới.
Chị Phạm Thị Thái ở thành phố Long Khánh (Đồng Nai) chia sẻ: “Học sinh không phải đi học thêm vui lắm, cấm đồng loạt trên cả tỉnh, cả trong và ngoài nhà trường, nên không còn tình trạng “hội chứng đám đông” cho con học thêm cho bằng bạn bằng bè.
Tôi đề nghị cứ cấm triệt để dạy thêm như vậy mới mong trả lại tuổi thơ cho học sinh, tôi xin cảm ơn lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai ”.
Một giáo viên ở Đồng Nai chia sẻ: “Cấm dạy thêm tôi giảm thu nhập, cuộc sống khó khăn hơn, nhưng tôi ủng hộ chủ trương của ngành”.
Cấm dạy thêm, học thêm đồng loạt trên cả tỉnh, cả trong và ngoài nhà trường như Đồng Nai có thể làm giảm thu nhập của giáo viên, nhưng phụ huynh và giáo viên đồng tình. Nên chăng, các địa phương khác trên cả nước tham khảo và học tập.
Người viết đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành văn bản cấm triệt để dạy thêm trong các cơ sở giáo dục. Dạy thêm trong các cơ sở giáo dục là “dạy thêm chính khóa” làm méo mó hình ảnh nhà trường và ngành giáo dục.
Với chương trình mới, phụ huynh học sinh cần biết, giáo dục hướng đến phát triển năng lực, phẩm chất của người học, cá nhân hóa từng học sinh, không phải chỉ học để thi, vì thế ép con học thêm suốt ngày là phản giáo dục, làm hại chính con em mình.
Theo giaoduc.net.vn
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất