Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa: ‘Tôi vô cùng may mắn vì được làm việc với trẻ em'
“Tôi chỉ có một mong ước giản đơn, đó là trẻ em Việt Nam được phát triển toàn diện, học tập trong môi trường, xã hội an toàn và được nuôi dưỡng trong gia đình với nhiều tình yêu thương”, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa bày tỏ.
Bài viết này thuộc chuyên đề Kỷ niệm 15 năm thành lập Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam
Trong 15 năm qua, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng, thúc đẩy sứ mệnh thực hiện quyền trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ em Việt Nam được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, phát triển hài hòa.
Nhân dịp kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (BVQTEVN) (8/4/2008-8/4/2023), Tạp chí Trẻ em Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với bà Nguyễn Thị Thanh Hòa - nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN), Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (BVQTEVN) về công tác trẻ em.
Là Chủ tịch Hội thế hệ kế nhiệm, bà đã kế thừa và phát huy được gì từ những lãnh đạo tiền nhiệm, đặc biệt là TS. Trần Thị Thanh Thanh - nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội BVQTEVN?
Chủ tịch Hội BVQTEVN Nguyễn Thị Thanh Hòa: Tôi cảm thấy vô cùng may mắn và hạnh phúc vì sau thời gian dài công tác tại LHPNVN lại được TS. Trần Thị Thanh Thanh - Nguyên Ủy viên Ban chấp hành TƯ Đảng, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Việt Nam đồng thời cũng là nguyên Chủ tịch Hội BVQTEVN nhiệm kỳ I và II, ưu ái mời về tham gia Hội BVQTEVN.
Nhiệm vụ này mở ra cho tôi cơ hội được tiếp tục đồng hành trong công tác về trẻ em. Tôi vô cùng xúc động trước những kết quả, tinh thần nỗ lực, tâm huyết, nhiệt tình của các thành viên Hội BVQTEVN, đặc biệt là TS. Trần Thị Thanh Thanh - một người lãnh đạo, một người phụ nữ bản lĩnh, trí tuệ và vô cùng say mê, nhiệt huyết với công tác trẻ em. Tôi vô cùng khâm phục phong cách làm việc, chuyên môn và sự sẵn sàng cống hiến trong công việc của TS. Thanh Thanh và dành tình cảm đặc biệt cho TS. Thanh Thanh, một người vô cùng đáng quý, đáng trân trọng.
Là thế hệ kế thừa, tôi ý thức phải học hỏi rất nhiều nội dung công việc, phương pháp, cách thức thực hiện với tính chất của một tổ chức xã hội hoạt động trên phương diện tự quản, tự chủ và tự lo. Kể từ khi trở thành Chủ tịch Hội BVQTEVN, tôi luôn nỗ lực, cố gắng để có thể tiếp nối và duy trì kết quả, thành tựu mà Hội đã đạt được trước đó dưới sự dẫn dắt và chỉ đạo của TS. Trần Thị Thanh Thanh.
Chủ tịch Hội BVQTEVN Nguyễn Thị Thanh Hòa chia sẻ niềm mong ước cho trẻ em Việt Nam (Video: Hoài Linh)
Trong nhiều năm qua, vấn đề chăm sóc và giáo dục trẻ em luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Ngân sách đầu tư cho giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho trẻ em luôn được ưu tiên hàng đầu. Về vấn đề bảo vệ quyền trẻ em, Việt Nam là đất nước đầu tiên trong khu vực Châu Á và là nước thứ 2 trên thế giới ký “Công ước quốc tế về quyền trẻ em”, cùng với đó, Luật Trẻ em 2016 đã nêu rất rõ 25 quyền của trẻ em.
Tuy nhiên, vấn đề bảo vệ quyền trẻ em vẫn cần được quan tâm nhiều hơn nữa, bởi trẻ em là đối tượng non nớt, chưa phát triển toàn diện. Do vậy, các em rất cần những chính sách pháp luật, chủ trương đường lối của Đảng và trách nhiệm của mỗi gia đình và toàn xã hội quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác trẻ em.
Càng được tham gia vào công việc, tôi càng cảm thấy khâm phục những việc mà Hội BVQTEVN đã làm được, đặc biệt là trong giai đoạn đầu vì nhận thức chung của xã hội về BVQTE còn có mức độ nhất định.
Do vậy, công tác truyền thông cũng là một trong những công tác được Hội chú trọng từ những ngày đầu tiên, đến nay tôi và các thành viên của Hội vẫn cố gắng tuyên truyền, truyền thông để huy động, thu hút được từ gia đình đến toàn xã hội chung tay - chung trí - chung sức tham gia bảo vệ quyền trẻ em.
Ngoài việc truyền thông nâng cao nhận thức của xã hội về quyền trẻ em, công tác phát triển tổ chức cũng là một trong những mảng mà tôi cần phát huy hơn nữa. Một tổ chức mạnh là phải phát triển được mạng lưới rộng khắp, phát triển hội viên, tổ chức để làm sao các địa phương đều có tổ chức.
Cùng với đó, một cơ sở pháp lý vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển của Hội BVQTEVN, chính là trách nhiệm của Hội đã được nêu vô cùng rõ ràng, cụ thể trong Luật Trẻ em 2016. Ngoài quy định chung của các tổ chức xã hội thì có quy định riêng của Hội BVQTEVN với 3 nhiệm vụ chính. Việc được ghi tên trong Luật Trẻ em 2016 đã tạo rất nhiều điều kiện thuận lợi cho Hội xuyên suốt quá trình hoạt động.
Bà có thể điểm lại một cách khái quát những thành tựu nổi bật và đánh giá nguyên nhân của những thành công mà Hội BVQTEVN đã và đang nỗ lực thực hiện trong suốt 15 năm?
Chủ tịch Hội BVQTEVN Nguyễn Thị Thanh Hòa: Con số 15 năm đối với nhiều tổ chức, cơ quan chưa phải là thời gian dài. Tuy nhiên, đối với một tổ chức xã hội, để duy trì hoạt động trong khoảng thời gian như vậy cũng là một điều không hề dễ dàng. Vì điều kiện hoạt động của một tổ chức xã hội là vô cùng khó khăn.
Kết quả đạt được trong 15 năm qua của Hội BVQTEVN so với nhiều cơ quan, tổ chức khác có thể không phải những thành tựu lớn, tuy nhiên tôi nhận thấy các cán bộ, Hội viên đã chung sức, chung lòng, quyết tâm, nỗ lực, đoàn kết vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, làm nên những dấu ấn nổi bật.
Trong những năm qua, bằng nhiều cách thức khác nhau, Hội BVQTEVN đã từng bước thể hiện được vai trò, trách nhiệm của tổ chức và đến gần hơn với xã hội. Do đó, có thể thấy rằng, sự phát triển ngày càng lớn mạnh và mạng lưới rộng khắp của tổ chức chính là thành tựu đầu tiên mà Hội đã đạt được.
Hiện nay, Hội đã phát triển tổng cộng 26 Hội cấp tỉnh, 24 Chi hội, 5 trung tâm, đơn vị trực thuộc với hàng chục nghìn Hội viên và thành viên mạng lưới cơ sở tại 41 tỉnh/thành phố. Đây là một con số không quá lớn nhưng đối với một tổ chức xã hội như Hội BVQTEVN, theo tôi, đó cũng là một con số khá ấn tượng.
Bên cạnh sự lớn mạnh của tổ chức, về công tác nghiên cứu, 15 năm ứng với 15 nghiên cứu, khảo sát về các lĩnh vực liên quan tới trẻ em. Ngoài ra, Hội cũng đã tham gia góp ý 18 văn bản, dự thảo Luật, chính sách, chương trình quốc gia liên quan tới trẻ em và nhiều góp ý của Hội cũng đã được xem xét, tiếp thu. Thông qua việc đóng góp ý kiến vào các chính sách pháp luật có liên quan trực tiếp đến trẻ em, Hội mong muốn phần nào bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của các em.
Có thể thấy những năm vừa qua, Hội đã hoạt động vô cùng tích cực trong công tác tư vấn, hỗ trợ trẻ em, đặc biệt là đối với những trẻ bị vi phạm quyền. Thể hiện được chính kiến của Hội qua các vụ việc vi phạm quyền trẻ em. Thông qua từng vụ việc cụ thể, Hội cũng rút ra được kinh nghiệm từ đó khuyến cáo tới mỗi gia đình và toàn xã hội để tránh lặp lại những vụ việc thương tâm xảy ra.
Song hành với công tác tư vấn, hỗ trợ trẻ em, cá nhân tôi đánh giá, Hội BVQTEVN đã làm khá tốt công tác truyền thông. Trong đó, tôi cảm thấy vô cùng tự hào và có thể nói đó đã trở thành thương hiệu của Hội BVQTEVN, chính là công tác truyền thông pháp luật cho học sinh thông qua mô hình “Phiên tòa giả định”.
Bên cạnh đó, một trong những kết quả đáng giá mà Hội BVQTEVN đã đạt được trong công tác truyền thông chính là tuyên truyền tới các bậc cha mẹ cách dạy con không dùng bạo lực trên cơ sở tôn trọng quyền trẻ em và hiểu biết về sự phát triển của trẻ thông qua chương trình “Kỷ luật tích cực trong thực hành làm cha mẹ hàng ngày - PDEP”. Hội tin rằng, tất cả các bậc cha mẹ đều yêu thương con, chỉ là chưa tiếp cận được biện pháp giáo dục con hiệu quả mà không cần sử dụng bạo lực.
Trong 15 năm qua, một dấu ấn nữa của Hội BVQTEVN đáng được ghi nhận chính là việc đảm bảo an sinh xã hội, tận dụng được nguồn lực từ cộng đồng để hỗ trợ trực tiếp cho nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thông qua một số dự án, chương trình hợp tác với các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong nước và quốc tế và các chương trình an sinh xã hội. Từ đó, giúp cho hàng triệu em được hưởng quyền, tiếp nhận học bổng và những món quà hiện vật có giá trị, thiết thực với cuộc sống của các em với tổng trị giá khoảng hơn 475 tỷ đồng.
Ngoài những kết quả trên, trong 15 năm qua, Hội BVQTEVN cũng đã đạt được rất nhiều thành tích khác mà tôi đánh giá đó là những dấu ấn đã để lại được những kết quả vô cùng thiết thực.
Xin bà chia sẻ những kỷ niệm đặc biệt trong quá trình gắn bó với công tác trẻ em. Bên cạnh đó là những băn khoăn, trăn trở của Chủ tịch Hội trong quá trình gắn bó với công tác Hội.
Chủ tịch Hội BVQTEVN Nguyễn Thị Thanh Hòa: Trong suốt những năm gắn bó với công tác trẻ em, câu chuyện của em Thắm (Thanh Hóa) để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc nhất.
Em Thắm cũng là một em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt và cũng thiệt thòi hơn so với bạn bè đồng trang lứa. Khuyết đôi cánh tay, nhưng với ý chí và nghị lực phi thường, Thắm đã vươn lên trong học tập, đạt nhiều thành tích.
Khi gặp Thắm, bé nói với tôi là em có mơ ước trở thành một giáo viên Tiếng Anh. Điều đó khiến tôi vô cùng ngưỡng mộ. Em dám nói ra và theo đuổi ước mơ của mình.
Trường hợp của em cũng được rất nhiều cá nhân, tổ chức hỗ trợ trong đó có sự chung tay giúp đỡ của Hội BVQTEVN. Cách đây vài năm, theo thông tin từ gia đình, tôi được biết em đã học lên đến đại học và vẫn đang tiếp tục theo đuổi ước mơ của bản thân. Đó là một trong những kỷ niệm đẹp của tôi trong hành trình bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em.
Cũng trên hành chính ấy, tôi nhận thấy, bên cạnh những thuận lợi, dấu ấn đã đạt được, Hội BVQTEVN còn phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức.
Khó khăn lớn nhất của Hội BVQTEVN hiện nay chính là nguồn nhân lực. Làm sao để càng ngày càng có nhiều người, nhiều tổ chức tham gia vào công tác bảo vệ trẻ em. Cùng với đó, phải là nguồn nhân lực chất lượng cao, có chuyên môn, chuyên trách và đặc biệt là có tình yêu trẻ.
Tiếp đến là điều kiện hoạt động. Để duy trì một tổ chức xã hội cần rất nhiều điều kiện, trong đó có điều kiện về vấn đề ngân sách, kinh phí.
Thực tế, người Việt Nam chúng ta rất yêu thương trẻ. Khi nói đến vấn đề trẻ em, có nhiều người sẵn sàng ủng hộ. Nhưng làm sao để đưa những tình cảm, quà tặng của tất cả mọi người đến được đúng đối tượng thì cũng đòi hỏi những chi phí khác. Hiện tại, đó là một khoảng trống về mặt kinh phí.
Kế nữa, chính là nhận thức của không ít người về vai trò, tiếng nói các tổ chức xã hội còn hạn chế. Trên thực tế các tổ chức xã hội cũng đóng góp rất nhiều trong công tác an sinh xã hội nói chung và về vấn đề trẻ em nói riêng.
Thưa Chủ tịch, bà đánh giá, ghi nhận như thế nào về sự chung tay của các nhà hảo tâm, tổ chức, doanh nghiệp kết nối cùng với Hội BVQTEVN trong vấn đề về chăm sóc, thực hiện quyền trẻ em những năm qua. Theo bà, làm thế nào để huy động sự chung tay của toàn xã hội, đặc biệt là các nhà hảo tâm, doanh nhân, người có sức ảnh hưởng tham gia vào hoạt động Hội?
Chủ tịch Hội BVQTEVN Nguyễn Thị Thanh Hòa:
"Thay mặt Hội BVQTEVN, tôi xin gửi lời cảm ơn đến với những cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong suốt thời gian qua, bằng nhiều hình thức đã ủng hộ, chung tay với Hội BVQTEVN và các chi hội tại địa phương, góp phần chăm lo, đảm bảo vấn đề an sinh xã hội cho các em, đặc biệt là sự hỗ trợ về học bổng. Tôi đánh giá đó là những hỗ trợ vô cùng thiết thực để giúp trẻ có thêm động lực vượt khó, có thể thực hiện được những ước mơ của bản thân. Một lần nữa xin chân thành cảm ơn những đóng góp, hỗ trợ của các cơ quan đoàn thể, các doanh nghiệp và cá nhân trong suốt thời gian qua như Hội LHPN VN; Trung ương Đoàn TNCSHCM; Tập đoàn Dầu khí; MB Bank; Vietcombank; Hãng hàng không Vietjet; Ông Tống Quang Huy - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Giấy Hải Tiến,...", Chủ tịch Hội BVQTEVN Nguyễn Thị Thanh Hòa gửi lời cảm ơn đến những doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã chung tay, góp sức, kết nối cùng Hội BVQTEVN phần nào chăm lo vấn đề an sinh xã hội cho các em có hoàn cảnh đặc biệt trong những năm vừa qua.
Trong vấn đề về chăm sóc, thực hiện quyền trẻ em những năm qua, các cơ quan đoàn thể, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có vai trò rất lớn trong việc hỗ trợ, kết nối cùng với Hội BVQTEVN thực hiện công tác an sinh xã hội.
Tôi và các cán bộ, nhân viên của Hội vô cùng cảm động khi Hội và các Chi Hội tại địa phương nhận được sự chung tay, ủng hộ và tôi cũng mong rằng, trong tương lai sẽ tiếp tục có nhiều nhà hảo tâm và nguồn lực cộng đồng hơn nữa chung tay, góp sức để nhiều trẻ em được giúp đỡ hơn nữa.
Theo tôi, để có thể huy động sự chung tay của toàn xã hội, đặc biệt là các nhà hảo tâm, doanh nhân, người có sức ảnh hưởng tham gia vào hoạt động Hội, trước hết, kinh tế của đất nước phải phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Vì kinh tế phát triển thì các doanh nghiệp mới có điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.
Tiếp đến, về phía Hội BVQTEVN, cần tiếp tục làm tốt hơn trong công tác phối hợp với các cơ quan, tổ chức, các cá nhân để huy động kinh phí hỗ trợ, cũng như thu hút được những người hiểu biết về pháp luật tham gia vào các hoạt động của Hội để giúp đỡ các em trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Tăng cường công tác tuyên truyền, tùy theo sức của mình, ai cũng có thể đóng góp công sức, vì chúng ta còn rất nhiều việc phải làm cho các em nhỏ.
Bà đã và đang làm rất nhiều việc cho trẻ em Việt Nam, vậy bà có thẻ chia sẻ niềm mong ước của bà cho thế hệ trẻ em Việt Nam?
Chủ tịch Hội BVQTEVN Nguyễn Thị Thanh Hòa: Tôi chỉ có một mong ước giản đơn, đó là trẻ em được phát triển, học tập trong một môi trường và một xã hội an toàn, toàn diện.
Cùng với đó, các em được nuôi dưỡng trong một gia đình với nhiều tình yêu thương. Vì một khi đã yêu thương, chúng ta có thể bao dung, tha thứ, hỗ trợ và giúp đỡ.
Tình yêu thương là động lực thôi thúc chúng ta hành động. Và tất cả những điều tốt đẹp đó cần được dành cho trẻ em, nhất là những em có hoàn cảnh đặc biệt, để từ đó các em dám nghĩ, dám làm, hiện thực hóa ước mơ của bản thân.
Thưa Chủ tịch, bà có thể chia sẻ thêm về định hướng và tầm nhìn của Hội BVQTEVN trong thời gian tới?
Chủ tịch Hội BVQTEVN Nguyễn Thị Thanh Hòa: Ngay từ những ngày đầu thành lập, Hội BVQTEVN đã đặt ra mục tiêu phấn đấu trở thành một tổ chức xã hội chuyên nghiệp về bảo vệ quyền trẻ em.
Để trở thành một tổ chức xã hội chuyên nghiệp về bảo vệ quyền trẻ em cần phải có mục tiêu, đích đến, tôn chỉ và tầm nhìn cụ thể, rõ ràng. Đồng thời, cần có một đội ngũ cán bộ có năng lực chuyên môn, phẩm chất và phong cách của một người làm công tác về bảo vệ trẻ em.
Đây là đích đến mà Hội BVQTEVN sẽ tiếp tục cố gắng, phấn đấu để đạt được tầm nhìn trở thành một tổ chức xã hội chuyên nghiệp về bảo vệ quyền trẻ em trong tương lai.
Trên chặng đường mới, Hội BVQTEVN sẽ luôn phấn đấu bền bỉ và tiếp tục huy động hiệu quả hơn nữa nguồn lực từ cộng đồng trong nhiệm kỳ IV giai đoạn 2023 - 2028 để ngày càng có nhiều trẻ em được bảo vệ và phát triển tốt hơn nữa như phương châm hành động xuyên suốt của Hội chính là “Chung tâm, chung trí, chung sức bảo vệ quyền trẻ em”, không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất