15:13 27/03/2024

Chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế ở trẻ

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam An Nguyễn (Theo Raisingchildren)

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) là một dạng rối loạn tâm lý ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành vi của trẻ.

images

OCD không thể tự khỏi và có thể dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của trẻ. Do đó, việc can thiệp chuyên nghiệp từ bác sĩ tâm lý hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần là rất quan trọng.

Ảnh: istock 

Nỗi ám ảnh 

Ám ảnh là những suy nghĩ, hình ảnh hoặc thôi thúc mà trẻ không mong muốn nhưng không thể ngừng nghĩ đến. Khi trẻ có những suy nghĩ này, chúng cảm thấy rất lo lắng hoặc sợ hãi.

Một số ví dụ về nỗi ám ảnh có thể là:

  • Hình dung những người thân yêu bị thương;
  • Sợ bị ốm do chạm vào tay nắm cửa bẩn;
  • Cảm thấy điều khủng khiếp sẽ xảy ra nếu mọi thứ không được thực hiện theo một cách nhất định - ví dụ, nếu sách không được xếp theo thứ tự.

Sự ép buộc

Sự ép buộc là những điều mà trẻ cảm thấy chúng phải lặp đi lặp lại nhiều lần. Đôi khi trẻ có thể làm điều này để cố gắng ngăn chặn một suy nghĩ ám ảnh. Nhưng đôi khi trẻ không biết tại sao chúng lại cảm thấy và hành động theo cách này.

Một số ví dụ về hành vi cưỡng ép có thể bao gồm:

  • Rửa tay nhiều lần;
  • Cầu nguyện;
  • Tích trữ - nghĩa là không thể vứt bỏ bất cứ thứ gì;
  • Đếm hoặc gõ nhẹ;
  • Có hành vi hơi mê tín dị đoan, chẳng hạn như luôn mặc cùng một chiếc áo phông đến lớp học nhảy;
  • Giật tóc hoặc cạy da.

Khi nỗi ám ảnh và sự ép buộc trở thành chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế 

Hãy cân nhắc việc nói chuyện với bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý khi nhận thấy con bạn có những biểu hiện sau:

  • Ám ảnh và sự cưỡng ép nghiêm trọng hơn so với bạn bè cùng trang lứa;
  • Những suy nghĩ ám ảnh và/hoặc hành vi cưỡng ép khiến trẻ buồn bực và gây cản trở cho việc học tập, vui chơi hoặc tham gia các hoạt động khác;
  • Những suy nghĩ và hành vi này kéo dài hơn 6 tháng.

OCD ảnh hưởng đến trẻ em và gia đình như thế nào?

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ. Do đó, nếu con bạn mắc OCD, các con cũng có thể gặp phải những thách thức như:

  • Vấn đề ở trường: Khó tập trung, gặp khó khăn trong việc hoàn thành bài tập về nhà.
  • Rối loạn thói quen: Khó khăn trong việc đi học hoặc đi ngủ nếu không thực hiện được các nghi thức lặp đi lặp lại của mình.
  • Các vấn đề về thể chất: Cảm thấy căng thẳng, thiếu ngủ sẽ dẫn đến các vấn đề về sức khỏe.
  • Các vấn đề về xã hội: Dành nhiều thời gian cho những suy nghĩ và ám ảnh hơn là vui chơi với bạn bè, hoặc tránh tham gia các hoạt động xã hội vì lo lắng về phản ứng của người khác đối với hành vi của mình. 
  • Cảm xúc tiêu cực: Lo lắng rằng mình khác biệt với bạn bè và gia đình, hoặc cảm thấy mất kiểm soát hành vi của bản thân. 
  • Các vấn đề về sức khỏe tâm thần khác: Rối loạn lo âu, trầm cảm ở trẻ em, thanh thiếu niên. 

Giúp con vượt qua chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) 

Nếu lo lắng con mình có thể mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), hãy đưa con đến gặp bác sĩ gia đình để được giới thiệu tới chuyên gia tâm lý, bác sĩ nhi khoa hoặc bác sĩ tâm thần trẻ em. Bên cạnh đóm cha mẹ hãy luôn kiên nhẫn và yêu thương con. Chứng kiến con từng bước tiến bộ sẽ là nguồn động viên to lớn cho bố mẹ trên hành trình đồng hành cùng con vượt qua OCD.

Các chuyên gia, bác sĩ sẽ đưa ra những chẩn đoán, từ đó xây dựng kế hoạch quản lý cho con bạn với các liệu pháp điều trị và thuốc phù hợp. 

Ngoài các biện pháp mà chuyên gia, bác sĩ hướng dẫn, bố mẹ cũng có thể áp dụng một số biện pháp đơn giản tại nhà như:

  • An ủi và động viên: Trẻ em mắc OCD có thể cảm thấy khác biệt, cô lập và lẻ loi. Hãy lắng nghe con để con cảm thấy được chia sẻ. Bố mẹ cũng có thể trấn an con rằng, lo lắng là điều bình thường và cả gia đình sẽ cùng con vượt qua OCD. Hãy khẳng định sự tin tưởng của bạn vào khả năng vượt qua thử thách của con. 
  • Thư giãn: Khuyến khích trẻ em thực hiện các bài tập thở, thư giãn cơ, thiền hoặc chánh niệm. Những bài tập này giúp con giải tỏa căng thẳng, lo âu và bình ổn tâm trí.
  • Nuôi dưỡng suy nghĩ tích cực: Dạy trẻ em tự nhủ với bản thân những điều tích cực như “Con có thể ngừng hành động/ suy nghĩ này” hay “Mọi chuyện sẽ ổn nếu con không làm điều này”. Việc thay đổi cách nhìn nhận sẽ giúp con tự tin hơn vào khả năng kiểm soát bản thân.
  • Phân tán sự chú ý: Gợi ý cho trẻ tham gia các hoạt động yêu thích khác như đọc sách, chơi bóng rổ. Ngay cả việc tạm thời quên đi những lo lắng cũng rất có lợi. 
  • Hộp đựng nỗi lo: Khuyến khích con viết ra hoặc vẽ những nỗi lo lắng của mình rồi bỏ vào hộp. Điều này giúp trẻ em tạm gác lại những lo lắng thay vì cứ mãi suy nghĩ về chúng. 
  • Tạo “nơi trú ẩn” cho tâm hồn con: Tạo ra một không gian trong nhà hoặc ngoài trời để trẻ có thể tham gia các hoạt động giúp phân tán sự chú ý khỏi những lo lắng. 

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận